Quảng Ninh quyết tâm khai thác thị trường khách Hồi giáo

Sau đại dịch Covid-19, khách du lịch Hồi giáo có xu hướng dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đây là dòng khách được ngành du lịch Quảng Ninh ưu tiên hướng tới và hiện đang chuẩn bị những điều kiện tốt nhất, sẵn sàng đón dòng khách tiềm năng này.

Sau dịch Covid-19, cơ cấu khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam có sự thay đổi, đặc biệt là du khách từ các thị trường khách Hồi giáo. Theo dự báo của các chuyên gia, dòng khách du lịch Hồi giáo có thể bùng nổ vào năm 2024. Tuy nhiên, hầu hết khách Hồi giáo đến Việt Nam hiện mới chỉ lưu lại Hà Nội và TP.HCM, bởi đây là 2 địa phương có các cơ sở dịch vụ đáp ứng nhu cầu đặc thù của dòng khách này.

Là một trung tâm du lịch lớn tại Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh cũng đang quan tâm, tìm giải pháp khai thác các thị trường khách Hồi giáo. Mới đây Sở Du lịch Quảng Ninh đã mời các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu... bàn giải pháp đáp ứng các yêu cầu riêng của nhóm khách du lịch này.

Quảng Ninh tổ chức hội nghị, bàn các giải pháp khai thác thị trường khách Hồi giáo.

Quảng Ninh tổ chức hội nghị, bàn các giải pháp khai thác thị trường khách Hồi giáo.

Ông Trần Văn Tân Cương, Giám đốc công ty Halal quốc gia cho biết: "Quảng Ninh có nhiều điều kiện nhưng cần xây dựng cơ sở cũng như các điểm lưu trú, nhà hàng phù hợp và có giấy chứng nhận phù hợp với dịch vụ của người Hồi giáo. Vì trong quá trình đi du lịch thì người Hồi giáo tìm kiếm đầu tiên là thực phẩm Halal rồi mới tới cơ sở lưu trú phù hợp với dịch vụ của người Hồi giáo. Nếu điểm lưu trú có phòng cầu nguyện cộng đồng thì đó là điểm ghi rất tốt trong quá trình họ đi du lịch".

Một số cơ sở lưu trú tại Quảng Ninh cũng đang chuyển đổi nhằm đáp ứng điều kiện đón khách Hồi giáo. Đơn cử như Delasea Hạ Long, để đảm bảo tiêu chuẩn đón dòng khách đặc biệt này, khách sạn dành riêng 2 tầng thành không gian sinh hoạt riêng, khu vực bếp nấu hoàn toàn riêng biệt và cải tạo, trang trí 36 phòng nghỉ theo đúng tiêu chuẩn đón khách Hồi giáo. Phòng nghỉ dành cho khách Halal đều có thảm, áo choàng cầu nguyện cho nữ, đánh dấu khu vực hành lễ và có phòng cầu nguyện cộng đồng. Đây là yêu cầu bắt buộc và là một trong những yếu tố đầu tiên người Hồi giáo tìm kiếm khi đi du lịch.

Ông Lê Thanh Tam - Giám đốc khách sạn Delasea Hạ Long cho biế đơn vị đã mời các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo và ẩm thực Halal để tư vấn cho khách sạn. "Chúng tôi lấy chính nhân lực của địa phương và khách sạn mời chuyên gia của người Hồi giáo đến từ Malaysia. Một đầu bếp người Pakistan và 1 chuyên gia về món ăn Halal để đào tạo, hướng dẫn quy trình nấu ăn và phục vụ theo đúng tiêu chuẩn Halal".

Khách sạn Delasea Hạ Long chuẩn bị điều kiện đón khách Hồi giáo.

Khách sạn Delasea Hạ Long chuẩn bị điều kiện đón khách Hồi giáo.

Quảng Ninh hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, cùng nhiều danh thắng tự nhiên, là địa điểm lý tưởng để tổ chức các hoạt động trải nghiệm với gia đình, người thân. Ba năm liên tiếp, Quảng Ninh phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức sự kiện Yoga Quốc tế bên bờ di sản vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và dưới chân núi thiêng Yên Tử. Những điểm chung về văn hóa, khí hậu đã giúp Quảng Ninh trở lên hấp dẫn và thu hút nhiều du khách đến từ các nước Hồi giáo. Gần đây, nhiều đoàn khách VIP của Ấn Độ lựa chọn Quảng Ninh tổ chức các sự kiện trọng đại như đám cưới trên các du thuyền 5 sao; tham quan Vịnh Hạ Long hay tổ chức hội nghị lớn của công ty.

Ông Subhash Chandar, Tổng giám đốc Công ty du lịch Châu Á bày tỏ: "Chúng tôi từng tổ chức đám cưới ở vịnh Hạ Long, Quảng Ninh và du khách rất thích. Nhất là kết nối giao thông từ Hà Nội xuống Quảng Ninh rất nhanh, thứ 2 nữa là Quảng Ninh có sân bay Vân Đồn có thể tổ chức các chuyến bay charter (thuê chuyến) từ Ấn Độ sang Quảng Ninh. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng có kế hoạch tổ chức đón khách Ấn Độ, nhất là khách tổ chức đám cưới tới Quảng Ninh. Chúng tôi mong muốn có nhiều hơn các nhà hàng, khách sạn 5 sao có chứng nhận Halal".

Chuyên gia người Hồi giáo đến từ Malaysia giới thiệu ẩm thực Halal.

Chuyên gia người Hồi giáo đến từ Malaysia giới thiệu ẩm thực Halal.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục du lịch Quốc gia Việt Nam khẳng định khách Hồi giáo là thị trường tiềm năng khi cộng đồng Hồi giáo chiếm 1/4 dân số thế giới. Người Hồi giáo khi đi du lịch thường đi cùng gia đình, đi dài ngày và mức chi tiêu cao so với một số dòng khách khác. Đây là dòng khách mà du lịch Việt Nam đang hướng tới để cơ cấu lại thị trường khách quốc tế theo hướng phát triển du lịch bền vững và hiệu quả.

"Ngành du lịch Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành để họp với các Đại sứ và Trưởng các Cơ quan đại diện tại Việt Nam và các Đại sứ các quốc gia có đông dân theo Hồi giáo tại Việt Nam để bàn các giải pháp thúc đẩy, trao đổi khách du lịch Việt Nam và các nước Hồi giáo. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp du lịch cũng tiếp cận được từ nhu cầu, mong muốn của người Hồi giáo cũng như định hướng, xây dựng được các sản phẩm dịch vụ, hoàn thiện dần cơ sở vật chất để đón được dòng khách tiềm năng này", ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết.

Mỗi năm có khoảng 140 triệu người Hồi giáo đi du lịch và con số này dự tính sẽ tăng lên 280 triệu vào năm 2028 với mức chi tiêu có thể đạt 225 tỷ USD. Nhiều trung tâm du lịch trên thế giới, nhất là khu vực Đông Nam Á đang có bước chuẩn bị rất kỹ lưỡng để đón dòng khách tiềm năng này. Để không bỏ lỡ cơ hội khi dòng khách Hồi giáo bùng nổ, ngành du lịch Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung cần nhanh chóng hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ khách Hồi giáo, có sản phẩm du lịch riêng và nhất là đào tạo nguồn nhân lực am hiểu văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo để mang lại sự hài lòng cho du khách. Đây cũng là cách ngành du lịch Việt Nam cơ cấu lại thị trường khách quốc tế sau đại dịch Covid-19, thực hiện tăng tốc, phục hồi ngành du lịch Việt Nam hiệu quả và bền vững.

Vũ Miền/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/quang-ninh-quyet-tam-khai-thac-thi-truong-khach-hoi-giao-post1046299.vov