Quảng Ninh sẵn sàng kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia
Là một trong 3 địa phương được Thủ tướng lựa chọn thí điểm dịch vụ công, tỉnh Quảng Ninh cho biết đã sẵn sàng kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), quyết tâm triển khai thành công để tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả mà người dân, doanh nghiệp mong mỏi.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, sáng 13/11, Đoàn công tác Văn phòng Chính phủ (VPCP) và các cơ quan liên quan do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh về việc kết nối Cổng Dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh với Cổng DVCQG; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, việc gửi, nhận văn bản điện tử...
Dự buổi làm việc có đại diện Bộ GTVT, Bộ Tư pháp, Tập đoàn VNPT...
‘5 tại chỗ’ tại Trung tâm phục vụ hành chính công
Trước khi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, Đoàn công tác đã kiểm tra thực tế tại Trung tâm phục vụ hành chính công và Trung tâm điều hành thành phố thông minh của tỉnh Quảng Ninh.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho rằng, với sự hoạt động của 2 trung tâm, cùng chỉ số cải cách hành chính, đã khẳng định những cải cách và tăng trưởng thực chất của Quảng Ninh trong thời gian qua.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh, nhiệm kỳ này Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử, ở địa phương là xây dựng chính quyền điện tử. Theo đó, dự kiến cuối năm 2019 sẽ khai trương Cổng DVCQG, trong đó Quảng Ninh cùng với Hà Nội, TPHCM được Thủ tướng lựa chọn thực hiện dịch vụ công làm điểm cho cả nước. Vì vậy, buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh còn nhằm chuẩn bị cho khai trương Cổng DVCQG và đề nghị tỉnh quyết tâm kết nối Cổng DVCQG để làm điểm sáng của cả nước, lan tỏa sự thực hiện đến các địa phương khác.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo chỉ đạo của Trung ương về xây dựng chính quyền điện tử, Trung tâm phục vụ hành chính công của Quảng Ninh hiện nay đã thực hiện "5 tại chỗ", đó là tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký và đóng dấu ngay tại Trung tâm.
Đây là quyết tâm rất cao của Quảng Ninh, đặc biệt khi có con dấu ngay tại Trung tâm để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, cơ sở vật chất về công nghệ thông tin được bảo đảm, đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã. Việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính của tỉnh qua Trung tâm này hiện người dân ủng hộ, đánh giá cao.
Trung tâm điều hành thành phố thông minh của tỉnh Quảng Ninh có quy mô tích hợp đồng bộ nhất hiện nay tại Việt Nam. Trung tâm được tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có của tỉnh, giúp có được cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, ban, ngành, địa phương, lĩnh vực; theo dõi được tất cả các vấn đề thông qua hệ thống camera và cảm biến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo cho các cơ quan trong tỉnh biết về các sự cố, vấn đề liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường…
Thí điểm 3 dịch vụ công trên Cổng DVCQG
Về kết nối với Cổng DVCQG, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đang phối hợp với VNPT chuẩn bị sẵn sàng cho cơ sở hạ tầng. Quảng Ninh sẽ thực hiện 3 dịch vụ thí điểm khi khai trương Cổng DVCQG là đăng ký thông báo khuyến mại, đăng ký khai sinh, cấp đổi giấy phép lái xe. Tỉnh sẽ đề xuất thực hiện một số dịch vụ công tiếp theo sau khi Cổng DVCQG vận hành chính thức.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến triển khai Cổng DVCQG vừa tổ chức đầu tháng 11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho biết, theo chủ trương được chọn thí điểm một số dịch vụ công, công việc triển khai tại Quảng Ninh "thuận", bảo đảm theo đúng lộ trình để đưa Cổng DVCQG vận hành chính thức. Tại buổi làm việc, đại diện các sở liên quan của Quảng Ninh như Tư pháp, GTVT, TT&TT cũng cho biết đã sẵn sàng kết nối với Cổng DVCQG.
Tại buổi làm việc, Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh đã trình bày về hệ thống chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh, là cơ sở kết nối với Cổng DVCQG; demo cụ thể về quy trình đăng ký tài khoản của một công dân trên Cổng DVCQG; lựa chọn dịch vụ công (ví dụ như đăng ký thông báo khuyến mại, đăng ký khai sinh, cấp đổi giấy phép lái xe là 3 dịch vụ Quảng Ninh thí điểm), sau đó hệ thống sẽ tự động kết nối đến bộ phận giải quyết TTHC của tỉnh Quảng Ninh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, việc triển khai thành công Chính phủ điện tử mang lại lợi ích lớn cho quốc gia. Trong đó, việc triển khai thành công Cổng DVCQG sẽ tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả mà người dân, doanh nghiệp mong mỏi; khắc phục tình trạng phối hợp chưa chặt chẽ giữa bộ, ngành, địa phương.
Quảng Ninh hiện đang triển khai quyết liệt và chi tiết các chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến xây dựng Chính quyền điện tử, cung cấp đồng bộ các dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; khắc phục khó khăn, bất cập còn tồn tại để hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ giao.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nêu ý kiến, Quảng Ninh là địa phương luôn tiên phong đi đầu thí điểm cho cả nước ở nhiều lĩnh vực. Nhiều cải cách của Quảng Ninh là mô hình để các địa phương khác học tập.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, từ nay đến thời điểm dự kiến khai trương Cổng DVCQG không còn dài, vì vậy ngoài các dịch vụ công đã đăng ký, đề nghị Quảng Ninh tiếp tục đăng ký thêm các dịch vụ công triển khai trên Cổng DVCQG. Tỉnh tiếp tục là địa phương tiên phong thí điểm các dịch vụ công đúng như tinh thần Thủ tướng mong đợi; tiếp tục phối hợp với VNPT để hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối với Cổng DVCQG.