Các địa phương sẵn sàng ứng phó với bão số 3

Các địa phương đang khẩn trương triển khai các phương án phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh kiểm tra thực tế công tác phòng chống cơn bão số 3 tại huyện Hải Hà

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh kiểm tra thực tế công tác phòng chống cơn bão số 3 tại huyện Hải Hà

Thực hiện Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3; công văn số 2254-CV/TU ngày 03/9/2024 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về việc tăng cường chỉ đạo phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3 và những tác động của cơn bão số 3; Quảng Ninh đã lên kế hoạch để chủ động ứng phó với bão theo tinh thần “tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người”

Đến nay, toàn bộ 398 tàu du lịch trên vịnh, 98 tàu chở khách tuyến đảo, 5.556 tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã nhận được thông tin bão. Đối với 257 tàu cá xa bờ, đã thực hiện liên lạc và dự kiến đến ngày 6/9 các tàu này sẽ về đến nơi neo đậu. 2.889 cơ sở nuôi cá và nhuyễn thể trên các vùng biển đang được các chủ cơ sở tiến hành gia cố, hoàn thành trước 6/9 và di chuyển người lên bờ an toàn. Các hồ, đập lên phương án tiến hành xả nước, mực nước được đưa về mức 80%.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương và Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh, khẩn trương thực hiện một số nội dung: các địa phương theo dõi thông tin thường xuyên, nắm chắc tình hình diễn biến cơn bão số 3; khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp phòng chống bão theo phương châm “3 trước - 4 tại chỗ”.

Trong đó, tập trung chủ động phòng, chống gió lớn, mưa lớn trước, trong và sau bão trong điều kiện đất đã bão hòa nước, rất dễ gây sạt trượt, lở đất; sẵn sàng phương án phòng, chống ngập lụt, sạt lở trên địa bàn, nơi sản xuất; chỉ đạo, đôn đốc gia cố lại các lồng bè nuôi trồng thủy sản, chủ động phương án đưa người tại các khu sản xuất trên biển lên bờ (ưu tiên phụ nữ, người già, trẻ nhỏ lên trước) khi cần thiết; chủ động rà soát địa bàn, các khu vực xung yếu, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án phòng chống bão và phương án di chuyển nhân dân tới nơi an toàn.

Kiểm tra thực tế công tác phòng chống cơn bão số 3 tại huyện Hải Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh yêu cầu: huyện tiếp tục cập nhật diễn biến của bão để chủ động phương án phòng chống: các lực lượng chức năng bố trí lực lượng thường trực tại các khu vực tránh trú bão để hướng dẫn tàu thuyền neo đậu vào các vị trí an toàn; huyện cần chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện để ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh khi bão đổ bộ.

Theo báo cáo của huyện Hải Hà, đến sáng ngày 5/9, toàn bộ 876 phương tiện tàu thuyền, bè mảng của người dân địa phương và 56 tàu thuyền của các địa phương khác đã được thông tin về tình hình cơn bão số 3 và đang cho tàu cập các khu neo đậu, tránh trú bão; 260 ô lồng bè của 28 hộ dân với hơn 85 lao động trên biển đã nắm được thông tin về cơn bão số 3, được UBND cấp xã tuyên truyền vận động lên bờ trước khi bão đổ bộ. Các xã, thị trấn đã tiến hành rà soát, thống kê 253 nhà với khoảng 1.000 nhân khẩu có khả năng tốc mái trên địa bàn huyện để xây dựng phương án di dời đến nơi an toàn. Toàn bộ khách du lịch trên đảo Cái Chiên cũng đã di chuyển vào bờ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh, nhất là các địa phương ven biển, các địa phương tuyến đảo chủ động phương án phòng chống bão trên địa bàn.

Trong 24 giờ tới, hầu hết các dự báo đều chung nhận định là bão sẽ tiếp tục tăng cường độ; không loại trừ khả năng bão mạnh lên cấp siêu bão. Khoảng chiều tối 7/9, bão số 3 sẽ đổ bộ đất liền khu vực Bắc Bộ, từ Quảng Ninh đến Ninh Bình.

Để chủ động ứng phó với bão, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước, thị xã Hoài Nhơn và thành phố Quy Nhơn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3, đồng thời tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão.

Quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện, sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản tại khu nuôi trồng thủy, hải sản cũng như lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống nguy hiểm xảy ra.

Ngoài ra, các Sở ngành địa phương nói trên cũng có trách nhiệm thông báo cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền (bao gồm cả tàu vận tải, tàu du lịch) đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Thời gian này, các Sở ngành địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng sẽ tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ và thường xuyên, liên tục báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT để kịp thời chỉ đạo xử lý các tình huống phát sinh trước và sau khi bão, lũ.

Ông Trần Duy Đông - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh năm 2024, các sở, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với thiên tai.

Ông Trần Duy Đông - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Vĩnh Phúc

Ông Trần Duy Đông - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Vĩnh Phúc

Đối với các địa phương thuộc vùng đồng bằng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị các địa phương chủ động tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không bảo đảm an toàn, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, nhất là ở khu vực ven sông; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế người dân ra đường trong thời gian mưa lũ lớn…

Đối với các địa phương khu vực đồi, núi: Chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống;

Kiểm tra, chủ động biện pháp bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống; kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết…

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo đối với những nội dung vượt thẩm quyền hoặc cần thiết để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, hạn chế tối thiểu thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, các Công ty TNHH MTV thủy lợi triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ đập đã xảy ra sự cố trong mưa lũ vừa qua, không để xảy ra sự cố bất ngờ gây thiệt hại về tính mạng của người dân.

Nhóm PV

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/quang-ninh-san-sang-ung-pho-voi-bao-so-3-post524107.html