Quảng Ninh: Sẽ sớm hoàn thành Đề án Thành phố thông minh, chính quyền điện tử, chính quyền số
Quảng Ninh được đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về triển khai Thành phố thông minh, chính quyền điện tử, chính quyền số. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và nguồn nhân lực sẽ giúp tỉnh sớm hoàn thành Đề án Thành phố thông minh, chính quyền điện tử, chính quyền số.
Ngày 13/7, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì cuộc họp với các sở, ban ngành, địa phương về tiến độ triển khai các dự án thuộc Đề án Thành phố thông minh, chính quyền điện tử, chính quyền số và tình hình vận hành thử nghiệm Trung tâm Điều hành thành phố thông minh với trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Văn Thắng, phát biểu chỉ đạo trong cuộc họp. Ảnh: Sở TTTT Quảng Ninh.
Tại cuộc họp, Sở Thông tin truyền thông cho biết, đến nay, Đề án Thành phố thông minh của tỉnh đã và đang triển khai quyết liệt với 17 dự án thành phần; trong đó có 8 dự án đã hoàn thành như: các dự án về xây dựng trường thông minh cho các trường (với trang thiết bị hiện đại và hệ thống phần mềm dùng chung của ngành giáo dục); các dự án xây dựng bệnh viện thông minh (gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh).
Tỉnh cơ bản hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phần mềm nền tảng cho thành phố thông minh; xây dựng hệ thống ứng dụng thông minh trên các lĩnh vực hỗ trợ công tác quản lý, điều hành, đa dạng hóa dịch vụ thông minh, giao thông thông minh, du lịch thông minh, an ninh trật tự…
Đề án Chính quyền điện tử, đã hoàn thành việc kết nối liên thông hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý văn bản của tỉnh với hệ thống quản lý văn bản của Chính phủ; các bộ, ban, ngành của Trung ương và 62 địa phương trong toàn quốc.
Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong việc gửi, nhận văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số liên thông 4 cấp, từ xã lên Văn phòng Chính phủ và từ xã của tỉnh đến một xã bất kỳ của một địa phương khác (nếu xã đó đã có kết nối trục liên thông quốc gia); là một trong 3 địa phương đầu tiên trong toàn quốc tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia với 1.500 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đạt tỷ lệ hơn 85% của cả 3 cấp.
Tỉnh Quảng Ninh đang xin ý kiến của các cấp để triển khai 15 dự án, nhiệm vụ của Đề án chính quyền số trong giai đoạn 2020 – 2025.
Lễ khai trương Trung tâm điều hành Thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Cổng TTĐT, Bộ TTTT.
Sau khi nghe báo cáo tiến độ triển khai các đề án, ý kiến tham gia của các sở, ngành, địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng ghi nhận sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương triển khai dự án thành phần của các đề án đóng góp quan trọng trong công tác điều hành của chính quyền các cấp, cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thuộc Đề án Chính quyền điện tử, Chính quyền số chuyển tiếp từ năm 2019 và khởi công mới năm 2020.
giao Sở Thông tin - Truyền thông chủ trì phân tích đánh giá nguyên nhân chậm tiến độ trong việc tích hợp cơ sở dữ liệu từ 7 trung tâm điều hành thông minh thí điểm của một số sở, ngành, địa phương về Trung tâm Điều hành thành phố thông minh của tỉnh; từ đó, đề xuất phương án giải quyết hiệu quả.
Yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương vận hành chính thức 5 chức năng đã triển khai tại Trung tâm Điều hành TP thông minh của tỉnh để đáp ứng các yêu cầu kết nối với Trung tâm Chỉ đạo, điều hành của chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8. Trong đó, khẩn trương hoàn thành cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu về thông tin kết nối hệ thống đối với 31 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh; hệ thống quan trắc môi trường tự động; hệ thống camera thuộc các lĩnh vực hành chính công, tiếp công dân và camera cửa khẩu; ứng dụng họp thông minh; ứng dụng APP Smart Quảng Ninh.
Được biết, Đề án mô hình thành phố thông minh được tỉnh Quảng Ninh triển khai từ năm 2016 trên quan điểm ứng dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng phát triển kho tích hợp dữ liệu dùng chung trong tất cả các lĩnh vực; hình thành công cụ quản lý tất cả trong một nền tảng, các tiện ích cho người dùng cuối là nhân dân.
Theo đề án, giai đoạn 2017-2020, Quảng Ninh tập trung xây dựng 32 nhiệm vụ, dự án hình thành hệ thống trung tâm điều hành, cơ sở hạ tầng, nguồn lực cho thành phố thông minh.