Quảng Ninh tạo động lực để người dân phục hồi sản xuất sau bão
Bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh tại tỉnh Quảng Ninh. Hiện các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai nhiều giải pháp để đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất sau bão.
Anh Nguyễn Danh Bằng, chủ tàu du lịch vận chuyển khách trên Vịnh Hạ Long cho biết, phương tiện kinh doanh của gia đình vừa được trục vớt sau bão số 3. Hiện anh cũng như nhiều hộ kinh doanh khác đang phải chịu nhiều chi phí sửa chữa tàu, trả lãi ngân hàng. Điều anh Bằng cũng như nhiều doanh nghiệp khác mong muốn là có nguồn lực tài chính để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
“Lúc này chúng tôi thực sự rất rối bời, tất cả phải nhờ các ban, ngành lãnh đạo. Nguyện vọng của chúng tôi rất mong muốn hỗ trợ của tỉnh, các ban ngành, hỗ trợ được cái gì thì tốt cái ấy, vì như bây giờ thì chúng tôi tay trắng, chẳng còn gì cả. Tàu bè mua cũng do vay tiền ngân hàng, nên mong muốn ngân hàng có thể hỗ trợ về khoản nợ, giảm được cái gì thì tốt cái đấy, có thể giãn nợ, hoặc cho lãi suất giảm đi một chút...”, anh Nguyễn Danh Bằng bày tỏ.
Thống kê sơ bộ, tỉnh Quảng Ninh có hơn 23.000 khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3 với tổng dư nợ hơn 11.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,2% tổng dư nợ toàn địa bàn. Với tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của bão, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục SXKD; xử lý nợ, xử lý rủi ro theo các quy định hiện hành đối với khách hàng thiệt hại nặng, mất khả năng chi trả...
Ông Thái Mạnh Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh cho biết, một số ngân hàng tại Quảng Ninh đang thực hiện tạm thời chưa thu lãi đến hạn cho đến hết ngày 31/12/2024. Như vậy, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão cho đến hết năm 2024 sẽ không bị áp lực tài chính trong việc giả nợ ngân hàng, qua đó có thời gian, điều kiện để phục hồi sản xuất kinh doanh.
“Để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho bà con khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão, chúng tôi đã chỉ đạo các ngân hàng căn cứ thẩm quyền của mình để thực hiện cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, hoãn, miễn giảm lãi suất… góp phần hỗ trợ bà con giảm bớt gánh nặng tài chính trong giai đoạn trước mắt để có điều kiện phục hồi. Đây là trận bão chưa có tiền lệ, thiệt hại trên diện rộng và ở tất cả các ngành, lĩnh vực khác nhau. Hiện nay, về chính sách khoanh nợ thì mới chỉ áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, qua bão chúng tôi cùng với tỉnh đang nghiên cứu đề xuất 1 cơ chế với Chính phủ để có thể xem xét, mở rộng đối tượng sang các lĩnh vực, ngành nghề khác để thực hiện việc khoanh nợ…”, ông Thái Mạnh Cường cho biết thêm.
Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có 15 ngân hàng đưa ra các chương trình tín dụng hỗ trợ khách hàng thiệt hại bởi bão số 3 như giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ đối với khoản vay mới, miễn giảm lãi phải trả… nhằm giúp người dân, doanh nghiệp tái sản xuất kinh doanh, phục hồi sau bão số 3.