Quảng Ninh: Tập huấn phần mềm công dân học tập, bước quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam việc triển khai tập huấn phần mềm công dân học tập là một trong những bước quan trọng nhằm khẳng định việc xây dựng xã hội học tập cụ thể, thực chất.
Ngày 19/8, tại thành phố Hạ Long, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai phần mềm bộ công cụ đánh giá, công nhận danh hiệu "Công dân học tập" giai đoạn 2021-2030. Tham dự Hội nghị có Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; cùng hơn 300 cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành, đại diện Hội Khuyến học các cấp của tỉnh Quảng Ninh.
Đây là sản phẩm do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và Trường Đại học Mở Hà Nội phối hợp thực hiện. Bộ công cụ được sử dụng trong việc triển khai công tác thu thập, minh chứng, đánh giá, cho điểm, tổng hợp, báo cáo… theo tiêu chí đánh giá về năng lực, các kỹ năng cơ bản và phẩm chất cần có đối với mỗi "Công dân học tập" theo Quyết định 244/QĐ-KHVN ngày 28/7/2022 của Hội Khuyến học Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Ứng dụng bộ công cụ nhằm đạt mục tiêu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời và xây dựng mô hình "Công dân học tập" theo Quyết định 677/QĐ-TTg, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời hỗ trợ tối đa việc tự động hóa, áp dụng công nghệ giúp giảm công sức trong quá trình thu thập thông tin, đánh giá các tiêu chí công dân học tập, đơn vị học tập.
Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, việc triển khai tập huấn phần mềm công dân học tập là một trong những bước quan trọng nhằm khẳng định việc xây dựng xã hội học tập quy mô rộng rãi. Trước đây, Hội Khuyến học các cấp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm đến nay đã có tất cả các ban ngành, đoàn thể vào cuộc.
Cũng theo Phó chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, người ta thường nghĩ đến mô hình công dân học tập có từ lâu (năm 2013) nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Trên thực tế, thời điểm đó, nhiều chuyên gia nước ngoài đã tham gia, đóng góp ý kiến về việc cần phải có mô hình riêng thì mới cán đích chứ không chỉ là xây dựng xã hội học tập một cách chung chung.
Cũng tại thời điểm này, mặc dù đã có được 3 mô hình là gia đình dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập được xây dựng nhưng trên thực tế, nguồn lực chính trong xã hội là con người lại chưa được đề cập đến và đây cũng chính là gợi ý từ phía UNESSCO và một số nước tiên tiến. Sau đó, mô hình công dân học tập đã hình thành và qua một số năm thì đã được hiểu và nghiên cứu sâu hơn.
Đến nay, sau một thời gian triển khai, có khoảng 70% tỉnh thành trong cả nước triển khai được mô hình công dân học tập. Công cụ này để thay việc tay chân, giấy tờ; giúp chúng ta điền nhanh hơn và cũng có thể in ra giấy.
Phó chủ tịch Hội cũng bày tỏ sự vui mừng khi hội nghị tập huấn có sự tham dự của nhiều lớp trẻ, như vậy việc tiếp thu phần mềm sẽ thuận lợi hơn.
Tại hội nghị, các đại biểu được giới thiệu về mô hình tổ chức của bộ công cụ từ trung ương đến địa phương, về phân cấp quản lý và hướng dẫn các bước sử dụng ở từng cấp Hội đến công dân. Trong đó hướng dẫn cụ thể, chi tiết về ứng dụng công nghệ thông tin trong việc số hóa mô hình học tập; sử dụng phần mềm xử lý các số liệu, minh chứng để hình thành hồ sơ đánh giá, công nhận danh hiệu "Công dân học tập".
Đặc biệt là về các phương pháp khai thác bộ công cụ (phần mềm) đánh giá, cho điểm, thực hiện các tiêu chí của danh hiệu "Công dân học tập"; các kỹ năng cần thiết để ứng dụng công nghệ thông tin; các bước truy cập vào hệ thống, thu thập thông tin, nhập dữ liệu trên form, thống kê theo đơn vị…
Bộ công cụ được kết nối từ Trung ương Hội đến Hội cấp tỉnh, cấp huyện, các tổ chức Hội cơ sở. Các Hội cơ sở kết nối với hệ thống sẽ được cấp mã đơn vị quản lý bằng dãy ký tự và mã (QR code) để các công dân đăng ký tài khoản. Các công dân chỉ cần kết nối, đăng ký và tích phiếu tự đánh giá qua điện thoại thông minh hoặc máy tính; hệ thống sẽ tự động xử lý các số liệu, minh chứng để hình thành hồ sơ đánh giá công nhận danh hiệu "Công dân học tập" cho từng cá nhân và tổng hợp, báo cáo cho từng tổ chức Hội.
Việc sử dụng bộ công cụ đánh giá "Công dân học tập" nhằm từng bước xây dựng xã hội học tập, hướng tới xây dựng xã hội số, giúp cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.