Quảng Ninh: Tập trung phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều biện pháp để đẩy mạnh mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tại các doanh nghiệp trong tỉnh thông qua việc thay đổi cách thức tuyên truyền, cũng như thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp chưa tham gia, tham gia chưa đầy đủ BHXH cho người lao động.
Đổi mới phương thức khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH
Thông tin từ BHXH tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2019, cơ quan này đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 98 đơn vị, phát hiện 247 lao động chưa tham gia. Trong 5 tháng đầu năm 2020, thanh tra kiểm tra 7 doanh nghiệp, phát hiện 8 lao động chưa tham gia.
Tính đến 31/5/2020, tổng số đơn vị tham gia BHXH tại Quảng Ninh là 6.344 đơn vị. Số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là 233.060 người, đạt 36,1% lực lượng lao động. Trong đó số doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT là 5.204 đơn vị với 188.030 lao động.
Thực hiện theo Đề án 1676/QĐ-TTg ngày 21/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ, BHXH tỉnh Quảng Ninh đã đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách pháp luật BHXH đến người dân, doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng truyền thông trên mạng Internet, hệ thống thông tin tuyên truyền cơ sở và tuyên truyền trực tiếp đến các doanh nghiệp, người lao động.
Hiện BHXH tỉnh Quảng Ninh cũng phối hợp với Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh và Sở Kế hoạch và Đầu tư định kỳ rà soát danh sách các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh, từ đó xây dựng kế hoạch, phương án để khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tại các doanh nghiệp chưa tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động. Tính đến hết tháng 5/2020, toàn tỉnh còn 3.838 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động.
Căn cứ dữ liệu về doanh nghiệp cần khai thác, cơ quan BHXH gửi văn bản yêu cầu doanh nghiệp tham gia BHXH cho người lao động. Việc gửi văn bản thông báo được thực hiện nhiều lần, áp dụng với các hình thức khác nhau như phối hợp với Bưu điện rà soát, xác minh cụ thể tại trụ sở doanh nghiệp đóng, phối hợp với UBND cấp huyện gửi thông báo yêu cầu giải trình việc chưa tham gia BHXH cho người lao động hoặc mời doanh nghiệp đến dự các buổi tuyên truyền về chính sách pháp luật BHXH do cơ quan BHXH tổ chức.
Một hình thức khai thác khác là tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành gồm chi cục thuế, phòng lao động thương binh và xã hội đến kiểm tra tại doanh nghiệp về tình hình thực hiện chính sách pháp luật; tổ chức đoàn liên ngành gồm các cơ quan truyền thông, công an, lao động thương binh và xã hội, lên đoàn lao động cùng cơ quan BHXH đến tuyên truyền tại đơn vị.
Cuối cùng là trực tiếp cán bộ BHXH đến làm việc với doanh nghiệp để yêu cầu doanh nghiệp tham gia BHXH cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.
Khó phát triển đối tượng tại doanh nghiệp ngoài quốc doanh
Cũng theo đại diện cơ quan BHXH tỉnh Quảng Ninh, công tác khai thác phát triển đối tượng tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hiện đang gặp nhiều khó khăn do đa số là các doanh nghiệp nhỏ, số lao động tại doanh nghiệp ít; sử dụng người lao động đã nghỉ hưu, cao tuổi... Rất khó tiếp cận chủ sử dụng lao động do nhận thức của chủ sử dụng lao động, người lao động về lĩnh vực pháp luật BHXH còn hạn chế hay doanh nghiệp không có tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, chủ sử dụng lao động không phối hợp cung cấp thông tin.
Số lượng đơn vị đăng ký thành lập mới có tăng nhưng thực tế không có hợp đồng thuê mướn lao động, chủ yếu là sử dụng nguồn lao động mang tính chất gia đình (các hộ kinh doanh cá thể chuyển sang thành lập doanh nghiệp) hay thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động liên tục (nhằm mục đích có thể xuất hóa đơn, đấu thầu theo dự án); nhiều doanh nghiệp đã dừng hoạt động… nên không có nguồn lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Tỷ lệ khai thác thành công chỉ đạt trên dưới 30% số doanh nghiệp thành lập, bình quân dưới 5 lao động tham gia BHXH/doanh nghiệp.
BHXH tỉnh Quảng Ninh đang đề xuất Sở Kế hoạch Đầu tư thực hiện thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, ngành thuế tăng cường chia sẻ dữ liệu với ngành BHXH để sớm có điều kiện triển khai thực hiện nghiệp vụ phát triển đối tượng BHXH.