Quảng Ninh thu hút đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản

Tỉnh đang tập trung phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cũng như thu hút đầu tư trong phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi trồng xa bờ.

Nuôi cá lồng bè trên biển. Ảnh minh họa: TTXVN

Nuôi cá lồng bè trên biển. Ảnh minh họa: TTXVN

Với lợi thế nuôi trồng thủy sản cũng như khả năng tiêu thụ sản phẩm, Quảng Ninh đang tận dụng phát huy cơ hội, tiềm năng này. Tỉnh đang ập trung phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cũng như thu hút đầu tư trong phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi trồng xa bờ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh Lê Minh Sơn cho biết, tổng sản lượng thủy sản 7 tháng của tỉnh ước đạt 103.700 tấn, tăng 5% cùng kỳ, đạt 61% kịch bản tăng trưởng năm 2023.

Trong số đó, nuôi trồng thủy sản đã phát huy thế mạnh vượt trội, với sản lượng đạt 59.000 tấn, tăng 8,1%; trong khi khai thác đạt 44.700 tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ.

Diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh hiện là 32.092 ha. Số cơ sở nuôi trồng thủy sản trên 10.400 cơ sở. Toàn tỉnh có 17/17 cơ sở đủ điều kiện sản xuất ương dưỡng giống thủy sản. Với số cơ sở trên, việc sản xuất, ương dưỡng tại chỗ đạt 1.616 triệu con giống gồm: tôm, cá biển, nhuyễn thể, cá nước ngọt…

Bên cạnh đó, Quảng Ninh đã cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực 512/5.073 cơ sở; công bố hợp quy cho 19 đơn vị sản xuất, cung ứng vật liệu nổi dùng trong nuôi trồng thủy sản. Các địa phương đã thực hiện chuyển đổi phao xốp sang loại phao theo quy chuẩn QCĐP 08:2020/QN đạt gần 97%.

Để nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả, ông Lê Minh Sơn cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh tích cực tổ chức triển khai thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Trước dự báo hiện tượng El Nino, ngay từ đầu vụ (sau tết Nguyên đản năm 2023), ngành chỉ đạo thông tin, cảnh bảo nắng nóng trong nuôi trồng thủy sản; đồng thời cử cán bộ thường xuyên công tác nắm tình hình và chỉ đạo sản xuất tôm tại các địa phương.

Tuy nhiên, trong 7 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện các ổ bệnh hoại tử gan tụy, virus đốm trắng, vi bào tử trùng trên tôm và hoại tử thần kinh trên cá rô phi. Diện tích nuôi tôm bị nhiễm bệnh chiếm 1,3% tổng diện tích tôm toàn tỉnh.

Nguyên nhân được xác định chủ yếu là do nắng nóng diễn biến bất thường, kéo dài làm nhiệt độ và độ mặn trong nước ao nuôi biến động lớn ảnh hưởng đến sức khỏe tôm và tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển. Một số cơ sở nuôi chưa áp dụng đúng quy trình nuôi về GAP (sản xuất nông nghiệp tốt), tôm bị sốc môi trường. Bên cạnh đó, chất lượng tôm giống thả đợt đầu vụ Xuân Hè không ổn định. Ước thiệt hại bình quân khoảng 170 - 180 triệu đồng/ha.

Để giảm bớt thiệt hại cho người nuôi, UBND tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các địa phương đánh giá, thống kê số liệu cụ thể. Căn cứ chính sách đã ban hành tại Quyết định số 1568/QĐ-UBND ngày 18/5/2017 của UBND tỉnh Quảng Ninh về quy định mức hỗ trợ để khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ, các địa phương chủ động đề xuất giải pháp triển khai hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh trên nguyên tắc đảm bảo các điều kiện quy định.

Phát triển nuôi biển theo hướng bền vững. Ảnh: TTXVN

Phát triển nuôi biển theo hướng bền vững. Ảnh: TTXVN

Ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, Quảng Ninh có vị trí địa lý hết sức thuận lợi trong giao thương là địa phương tiếp giáp với thị trường tiêu thụ rất lớn từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, tỉnh còn có lợi thế từ phát triển du lịch kéo theo nhu cầu về sản phẩm thủy sản tiêu thụ nội địa từ khách du lịch rất lớn. Hạ tầng giao thông của tỉnh kết nối liên vùng đồng bộ, hiện đại. Đây cơ hội cho ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh phát triển trong thời gian tới, đưa tỉnh thành trung tâm nuôi trồng thủy sản phía Bắc.

Phát huy hiệu quả nuôi trồng thủy sản, ông Lê Minh Sơn cho biết, tỉnh thực hiện tốt Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh; trong đó tập trung phát triển 4 chuỗi thủy sản gồm: chuỗi cá biển, chuỗi nhuyễn thể, chuỗi tôm thẻ chân trắng và chuỗi chả mực.

Tỉnh tập trung giao biển và cấp phép nuôi trồng thủy sản, đôn đốc các địa phương hoàn thiện việc thay thế vật liệu nỗi, giải tỏa các hộ nuôi trồng thủy sản trái phép; kiểm tra, đánh giá chất lượng phao nổi HDPE, kiên quyết thu hồi hợp quy nếu cơ sở vi phạm, không đảm bảo chất lượng.

Để thu hút đầu tư, tỉnh rà soát lại các dự án nuôi biển đã đề xuất khuyến khích nuôi biển công nghiệp, công nghệ cao tại các vùng biển phù hợp: dự án nuôi hàu Thái Bình Dương và rong sụn công nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu phía Tây đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn; dự án nuôi trồng thủy sản trên biển đa canh, đa giá trị ứng dụng công nghệ hiện đại và tích hợp trải nghiệm tại đảo Phất Cờ, huyện Vân Đồn; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn; dự án nuôi biển hiện đại tại xã Vĩnh Trung – Vĩnh Thực, thành phố Móng Cái.

Bên cạnh đó, tỉnh ban hành 3 đề án: Đề án phát triển bền vững kinh tế thủy sản đến năm 2030; Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển bền vững đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thủy sản Đầm Hà./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/quang-ninh-thu-hut-dau-tu-phat-trien-nuoi-trong-thuy-san/302377.html