Quảng Ninh: Thu hút vốn FDI nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước

Năm 2025, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt trên 12%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh không thấp hơn 57.330 tỷ đồng, trong đó thu xuất nhập khẩu đạt 17.800 tỷ đồng, thu nội địa không thấp hơn 39.530 tỷ đồng. Thu hút vốn FDI nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.

Năm 2024, Quảng Ninh đạt được nhiều kết quả quan trọng

Ngày 27/12, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức họp báo thường kỳ quý IV năm 2024, theo báo cáo tại buổi họp báo, ông Ngô Quang Hưng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh đã thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Theo đó, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường và cơn bão Yagi lịch sử gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh Tiến Dũng

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh Tiến Dũng

Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,42% (đứng thứ 6 trong vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 20 cả nước); quy mô nền kinh tế đạt trên 347.500 tỷ đồng (đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 7 cả nước); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 109.400 tỷ đồng (tăng 10% so với năm 2023); khách du lịch đạt 19 triệu lượt (tăng 20% so với năm 2023); kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh đạt trên 3,5 tỷ USD (tăng 14% so với năm 2023); thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 2,8 tỷ USD nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.

Tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Ninh tính đến ngày 25/12/2024 đạt gần 52.700 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương đến ngày 25/12/2024 đạt 19.880 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm đạt 25.868 tỷ đồng (bằng 95% dự toán năm, tăng 4% so cùng kỳ).

Sau cơn bão số 3, tỉnh đã bố trí 1.180 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, đến nay đã chi 218 tỷ đồng và đang tiếp tục xem xét, giải quyết theo đề nghị của các địa phương. Tổng chi an sinh xã hội đạt gần 1.900 tỷ đồng (tăng 23% so với năm ngoái). Đồng thời hoàn thành sớm hơn 2 năm chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp; toàn tỉnh giảm 238 hộ nghèo (bằng 96,7% kế hoạch năm); tạo việc làm tăng thêm cho trên 31.000 lao động (bằng 104% kế hoạch năm).

Tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược trong phát triển hạ tầng giao thông, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường được chú trọng. Hoàn thành phê duyệt vị trí việc làm của 941 cơ quan đơn vị. Quốc phòng an ninh, chủ quyền biển đảo được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Bứt phá trong phát triển kinh tế trong năm 2025

Năm 2025, với chủ đề công tác “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung vào mục tiêu tạo bứt phá trong phát triển kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng bền vững. Cụ thể, tỉnh sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, chú trọng vào công nghiệp chế biến, chế tạo, và ngành Than. Đồng thời, tỉnh sẽ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Dịch vụ tổng hợp hiện đại và du lịch sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, với mục tiêu thu hút 20 triệu lượt khách, trong đó có 4,5 triệu khách quốc tế. Tỉnh Quảng Ninh sẽ phát triển các ngành kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, và kinh tế biển, đồng thời phục hồi và nâng cao hiệu quả nông nghiệp sau thiên tai, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Bên cạnh đó, Quảng Ninh sẽ nâng cao hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công.

Năm 2025, du lịch của Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút 20 triệu lượt khách. Ảnh T.D

Năm 2025, du lịch của Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút 20 triệu lượt khách. Ảnh T.D

Tỉnh Quảng Ninh sẽ triển khai ba đột phá chiến lược, bao gồm đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao. Cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng được chú trọng nhằm phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân.

Quảng Ninh cũng sẽ kết hợp phát triển kinh tế với bảo tồn văn hóa, nâng cao đời sống người dân, thực hiện đầy đủ chính sách cho người có công, gia đình chính sách và đối tượng trợ cấp. Các hoạt động như chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, và tăng thu nhập cho người lao động sẽ được triển khai. Đồng thời, tỉnh chú trọng đến công tác khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo đảm bảo hiểm y tế và xã hội, và xóa bỏ nhà tạm cho các đối tượng nghèo và cận nghèo.

Quản lý tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh nguồn nước cũng là những nhiệm vụ quan trọng. Ông Ngô Quang Hưng khẳng định: "Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại".

Cũng tại buổi họp báo, lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cũng đã thông tin về kết quả hoạt động của ngành Du lịch năm 2024 và dự kiến năm 2025. Cụ thể: Chi tiêu bình quân của khách du lịch năm 2024 là gần 2,5 triệu đồng/lượt khách (tăng 14% so với năm 2023); thời gian lưu trú bình quân một lượt khách du lịch là 2,56 ngày (năm 2023 là 2,34 ngày, năm 2022 là 2,22 ngày). Đóng góp của GRDP du lịch vào GRDP của tỉnh năm 2024 dự kiến là 9,64% (năm 2023, du lịch đóng góp 7,62% GRDP).

Năm 2025, mục tiêu ngành Du lịch của Quảng Ninh đặt ra là phấn đấu thu hút 20 triệu lượt khách du lịch đến Quảng Ninh, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ hoạt động du lịch là 50.000 tỷ đồng.

Tiến Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quang-ninh-thu-hut-von-fdi-nam-trong-nhom-cac-dia-phuong-dan-dau-ca-nuoc-167464.html