Quảng Ninh thực hiện các giải pháp đảm bảo vệ sinh ATTP trong bếp ăn trường học

Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bếp ăn trường học được nhiều cơ sở giáo dục chú trọng.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 438/638 nhà trường có tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, gồm 355 trường tổ chức bếp ăn tập thể (tự nấu) và 83 trường ký hợp đồng với các cơ sở dịch vụ ăn uống cung cấp suất ăn. [1]

Đáng chú ý là tại một số trường hoặc điểm trường số lượng học sinh ít nên giáo viên thường tự nấu ăn cho học sinh, thực phẩm mua tại các chợ truyền thống nên khó truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, việc chế biến sớm, vận chuyển suất ăn từ cơ sở nấu hoặc từ điểm trường chính đến các điểm trường lẻ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì nhiệt độ, bảo quản thực phẩm,... đặc biệt vào mùa nắng nóng hay mưa bão…

Để làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong bếp ăn, nhiều trường học để triển khai các giải pháp hữu hiệu. Trong đó, có sự phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh trong khâu kiểm soát nguyên liệu đầu vào. Nhờ đó mà phụ huynh cũng yên tâm gửi gắm con em của mình ăn bán trú tại trường.

 Nhân viên phụ trách bếp ăn trong các trường học tại Quảng Ninh thường xuyên được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm. (Ảnh: CTV)

Nhân viên phụ trách bếp ăn trong các trường học tại Quảng Ninh thường xuyên được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm. (Ảnh: CTV)

Trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Văn Lang (Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) là trường liên cấp với khoảng 2.300 học sinh. Để đảm bảo các bữa ăn nóng sốt, đủ dinh dưỡng cho học sinh, nhà trường vẫn duy trì bếp ăn tập thể hoạt động nhiều năm qua.

Song song với việc thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhà trường cũng duy trì mô hình phụ huynh cùng tham gia giám sát chất lượng bữa ăn.

Theo đó, mỗi khối lớp sẽ cử ra các đại diện phụ huynh, có mặt tại bếp ăn của trường để giám sát trực tiếp từ nguồn gốc thực phẩm, quá trình chế biến, cho đến khi các suất ăn lên tới bàn ăn. Mô hình này đã được nhà trường triển khai từ nhiều năm qua và luôn được thông báo tới các bậc phụ huynh vào mỗi đầu năm học mới.

Chị Trần Thùy Dung, một phụ huynh có con đang theo học tại trường, chia sẻ: “Để nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bữa ăn bán trú, theo tôi phụ huynh nên đồng hành cùng nhà trường trong việc giám sát các nguyên liệu đầu vào.

Hiện tại, nhà trường đang thực hiện tương đối tốt việc này. Tôi và các phụ huynh đều nắm được thực đơn hàng ngày của con cũng như biết rõ về nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm nên rất yên tâm cho con ăn bán trú tại trường”.

 Thực đơn bán trú của Trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Văn Lang, Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh được đăng tải công khai trên website để phụ huynh theo dõi. (Ảnh chụp màn hình)

Thực đơn bán trú của Trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Văn Lang, Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh được đăng tải công khai trên website để phụ huynh theo dõi. (Ảnh chụp màn hình)

Văn bản số 417/PGDĐT ngày 1/4/2024 của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hạ Long về việc triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2024 và một số yêu cầu về thực hiện an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, nêu rõ: Các nhà trường cần đặc biệt quan tâm các khâu lựa chọn thực phẩm, thực đơn, chế biến, vận chuyển, bảo quản… trong thời điểm giao mùa, dễ phát sinh ôi thiu, dịch bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe của học sinh; thực hiện tốt công tác quản lý các nguồn thực phẩm, thức ăn, nước uống được đưa vào nhà trường.

Đối với các trường có suất ăn phụ huynh tự chuẩn bị cho con cần yêu cầu phụ huynh có cam kết và chịu trách nhiệm về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với suất ăn đó; công khai kết quả xử lý, thông tin danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm, danh mục hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (nếu có), để học sinh và cha mẹ học sinh biết, lựa chọn, phòng ngừa.

Thực hiện yêu cầu trên, các nhà trường đã tích cực kiểm soát và chuẩn bị những bữa ăn bán trú đảm bảo về chất, lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh.

Một giáo viên mầm non tại Trường Mầm non Cao Thắng (Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ: "Nhà trường tổ chức nấu ăn bán trú tại trường cho 100% trẻ mầm non với hơn 400 suất ăn trưa và ăn chiều/ngày".

Nữ giáo viên này cũng cho biết thêm, để đảm bảo an toàn cho trẻ, nhà trường đặc biệt chú trọng khâu lựa chọn thực phẩm đảm bảo tươi, ngon, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Bên cạnh đó, khu vực bếp ăn từ sơ chế đến thành phẩm của trường được thực hiện “một chiều” nhằm tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thực phẩm sống và chín; khử khuẩn toàn bộ dụng cụ nhà bếp, bát đũa trước và sau khi sử dụng để trẻ có bữa ăn an toàn, đủ chất và ngon miệng.

Hiện, các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có cung cấp bữa ăn trưa thường chọn 1 trong 2 hình thức phổ biến là tự nấu hoặc đặt hàng các suất ăn sẵn từ các nhà cung cấp bên ngoài.

Đối với các bếp ăn trường học đã được ngành Y tế thực hiện việc giám sát các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, việc chấp hành các quy định an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến trước khi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Đối với các trường lựa chọn hình thức tiếp nhận các suất ăn trực tiếp, thì phải đảm bảo các đơn vị cung cấp suất ăn có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do các cơ quan chức năng đánh giá và cấp giấy này.

Ngành Giáo dục cũng chỉ đạo các trường tích cực theo dõi thông tin về các cơ sở cung cấp suất ăn tập thể, các đơn vị kinh doanh ăn uống vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm được công khai trên các nền tảng truyền thông của ngành Y tế cũng như Trung tâm Truyền thông tỉnh, từ chối không lựa chọn các đơn vị vi phạm nghiêm trọng các quy định trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; giám sát chất lượng bữa ăn trước khi cung cấp.

 Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong bếp ăn trường học cần đặc biệt chú trọng khâu tuyển chọn nguyên liệu. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong bếp ăn trường học cần đặc biệt chú trọng khâu tuyển chọn nguyên liệu. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Trước đó, ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó giám đốc Sở Y tế, Trưởng cơ quan thường trực Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Ninh cũng từng chia sẻ, thời gian tới đơn vị sẽ tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Trong đó, tập trung kiểm soát chặt chẽ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; các cơ sở tập kết, tích trữ, bảo quản, trung chuyển thực phẩm và các phương tiện vận chuyển thực phẩm, nông, lâm, thủy sản từ bên ngoài vào địa phương tiêu thụ.

Theo ông Tuấn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trường học, kinh doanh thức ăn đường phố, khu du lịch, lễ hội cũng sẽ được quan tâm kiểm tra, rà soát.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới, tỉnh Quảng Ninh thành lập 204 đoàn liên ngành, trong đó cấp tỉnh có 3 đoàn, cấp huyện 24 đoàn và cấp xã 177 đoàn để thanh kiểm tra 2.781 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại tất cả 13/13 địa phương của tỉnh.

Theo thống kê, Quảng Ninh hiện có 48.522 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhưng sản lượng chỉ đáp ứng gần 60% nhu cầu thực tế. Số còn lại được nhập từ các tỉnh ngoài, nước ngoài.

Là tỉnh biên giới có nhiều cửa khẩu, địa hình phức tạp nên tình trạng buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Để giảm thiểu và kiểm soát tốt công tác an toàn thực phẩm, Quảng Ninh đang tập trung xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, đồng thời nâng cao nhận thức của người làm trong lĩnh vực thực phẩm, du lịch.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vov.vn/xa-hoi/quang-ninh-chu-trong-dam-bao-an-toan-thuc-pham-tai-bep-an-truong-hoc-post1128046.vov

LÃ TIẾN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/quang-ninh-thuc-hien-cac-giai-phap-dam-bao-ve-sinh-attp-trong-bep-an-truong-hoc-post247009.gd