Quảng Ninh: Tích cực giải ngân vốn đầu tư công
Xác định lấy đầu tư công là yếu tố có tính quyết định đến việc hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm đến 30/6/2022 phải giải ngân vốn đầu tư công đạt 50% kế hoạch.
Quảng Ninh: Triển khai hiệu quả các chương trình phục hồi kinh tế Quảng Ninh: Công bố các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, DGI, ICT năm 2021
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, công trình trọng điểm
Tổng kế hoạch chi đầu tư công năm 2022 tính đến hết tháng 3/2022 của Quảng Ninh là trên 16.700 tỷ đồng, chiếm 50% tổng chi ngân sách địa phương. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương là 892 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 8.600 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 7.200 tỷ đồng.
Quảng Ninh đã thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, công trình trọng điểm, dự án động lực; đồng thời, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, kiểm điểm tiến độ thi công của các dự án; phát động các đợt thi đua cao điểm để hoàn thành giải phóng mặt bằng; chủ động chuẩn bị công tác đầu tư từ sớm.
Qua đó, loại trừ số vốn chưa được phân khai chi tiết, tính đến tháng 3/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt 19,8% kế hoạch của tỉnh Quảng Ninh, cao hơn so với cùng kỳ 7,7% (cùng kỳ năm 2021 đạt 12,1% kế hoạch). So với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm thì tỷ lệ giải ngân đạt 20,2% kế hoạch. Con số này cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước.
Mặc dù vậy, đối với nguồn vốn của từng cấp, tỷ lệ giải ngân vẫn còn khiêm tốn, ở mức thấp, chưa đạt so được so với kỳ vọng. Cụ thể, tỷ lệ giải ngân vốn trung ương đạt chỉ đạt 5,7% kế hoạch, nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 19,5% kế hoạch, vốn ngân sách huyện đạt 8,3%.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do phần lớn kế hoạch vốn của trung ương thuộc Dự án thoát nước và xử lý nước thải TP. Hạ Long. Hiện, nguồn vốn này chưa giải ngân do Thủ tướng Chính phủ vừa điều chỉnh chủ trương đầu tư. Thêm vào đó, một số dự án chuyển tiếp ngân sách tỉnh thuộc lĩnh vực y tế và giao thông vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, tác động của dịch Covid-19…
Một số địa phương như: Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà... chưa thu được tiền sử dụng đất theo kế hoạch. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân do yếu tố chủ quan của chủ đầu tư như: thiếu sự chủ động trong lập, trình phương án bồi thường giải phóng mặt bằng; chậm làm công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án, lựa chọn nhà thầu; nhiều đơn vị tư vấn, nhà thầu yếu về năng lực chuyên môn…
Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công năm nào cũng xảy ra ít nhiều trên địa bàn tỉnh. Thêm vào đó, những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến không ít ngành, lĩnh vực gặp rất nhiều khó khăn về việc làm, doanh thu, tăng trưởng. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kết quả giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quyết định để đạt mục tiêu này.
Sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu nếu chậm trễ
Để đạt tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các thành viên tổ công tác đặc biệt về giải ngân của tỉnh bám sát nhiệm vụ được giao, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án, công trình. Việc giải ngân vốn đầu tư đảm bảo tương ứng với khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành được nghiệm thu.
Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh là chủ đầu tư phải hoàn thiện thủ tục và phân bổ dứt điểm các nguồn vốn kế hoạch đầu tư trong tháng 4/2022, nhất là nguồn vốn của các địa phương: Cô Tô (1,6 tỷ đồng), Đầm Hà (24,2 tỷ đồng), Hạ Long (23 tỷ đồng), Hải Hà (5,2 tỷ đồng), Móng Cái (45 tỷ đồng), Quảng Yên (35 tỷ đồng), Tiên Yên (0,2 tỷ đồng), Uông Bí (27,7 tỷ đồng), Vân Đồn (47,7 tỷ đồng).
Sau ngày 30/4/2022, tỉnh sẽ xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân nếu tiếp tục chậm trong công tác triển khai dự án, cũng như phân khai chi tiết các nguồn vốn.
Tuyến đường từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh được gấp rút triển khai để đảm bảo tiến độ giải ngân, bàn giao. Ảnh: Thế An.
Đối với dự án khởi công mới năm 2022 đã phân bổ kế hoạch vốn từ đầu năm, các đơn vị hoàn thiện thủ tục lựa chọn nhà thầu xây lắp thực hiện dự án trong tháng 4/2022. Đối với các dự án chuyển tiếp, chủ đầu tư các dự án đôn đốc đơn vị nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân theo đúng khối lượng thực hiện. Đối với các dự án đã hoàn thành, chủ đầu tư các dự án khẩn trương hoàn thiện thủ tục trình phê duyệt quyết toán trong tháng 4/2022.
Sau ngày 30/6/2022, Quảng Ninh kiên quyết xem xét kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị được giao làm chủ đầu tư các dự án không đảm bảo giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt 50% kế hoạch. Đồng thời, điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 các dự án chưa giải ngân hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án có khối lượng, tỷ lệ giải ngân cao.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm hoàn toàn về nguyên nhân, lý do, căn cứ thực hiện và các vấn đề phát sinh khiến kéo dài thời gian giải ngân. HĐND các địa phương giám sát chặt chẽ việc triển khai đảm bảo tuân thủ đúng các quy định, cam kết, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công./.