Quảng Ninh tiếp tục mục tiêu phát huy hiệu quả 3 đột phá chiến lược

Việc thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược liên quan đến cải cách hành chính, hạ tầng và nguồn nhân lực đã giúp Quảng Ninh bứt phá trong những năm vừa qua và cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất mỏ.

Quảng Ninh ngày càng bứt phá nhờ thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược

Quảng Ninh ngày càng bứt phá nhờ thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh Quảng Ninh đã gặt hái nhiều thành công lớn từ thực hiện ba khâu đột phá chiến lược gồm: cải cách hành chính, hạ tầng và nhân lực.

Giai đoạn giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh xác định 16 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân tăng khoảng 10%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 10.000USD. Cơ cấu kinh tế đến 2025: công nghiệp - xây dựng 49-50%, dịch vụ 46-47%, nông lâm nghiệp 3-5%.

Hàng năm, tỉnh giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số chất lượng dịch vụ hành chính công, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Tỷ lệ giảm nghèo duy trì mức giảm trung bình 0,08%/năm.

Đến hết năm 2023, Quảng Ninh phấn đấu có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 100% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Để đạt mục tiêu đó, tỉnh Quảng Ninh đã đề ra năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà nổi bật trong đó là việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược.

Thứ nhất, huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng.

Quảng Ninh xác định kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghệ, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển.

Năm 2021, phấn đấu hoàn thành đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3, nút giao Đầm Nhà Mạc, nút giao Hạ Long Xanh và đường nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1)... Kêu gọi thu hút đầu tư cảng Con Ong - Hòn Nét, Hải Hà, Vạn Ninh...

Hạ tầng đột phá hút nhà đầu tư đến Quảng Ninh

Quảng Ninh sẽ cho khai thác tối ưu hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư đồng bộ, hiện đại nhằm thúc đấy và nâng cao hiệu quả liên kết vùng; nhất là hoàn thiện hạ tầng giao thông chiến lược, cảng biển và dịch vụ cảng biển, nạo vét luồng lạch, phát triển du lịch, bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao,...

Đẩy mạnh thu hút, đầu tư cơ sở hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp mà trọng tâm là khu công nghiệp Việt Hưng, Hải Hà, Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Bạch Đằng. Tỉnh cũng sẽ cơ cấu lại một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hình thành thêm một số khu công nghiệp mới, có lợi thế cạnh tranh tại Đông Triều, Uông Bí, Cẩm Phả....

Quảng Ninh sẽ đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, phát triển các đô thị đồng bộ về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở... Nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng y tế, giáo dục và hạ tầng khác phù hợp với khả năng cân đối của từng cấp ngân sách.

Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của Quảng Ninh; cải cách toàn diện giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng, chuyển giao công nghệ hiện đại.

Quảng Ninh xác định xây dựng và triển khai có hiệu quả đề án “phát triển giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số. Đa dạng các hình thức kết nối cung - cầu lao động. Từng bước xây dựng, phát triển Trường Đại học Hạ Long theo mô hình đô thị đại học. Mở rộng các cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, ưu tiên các lĩnh vực ngành nghề tỉnh cần, trong đó tập trung đầu tư và phát triển trường cao đẳng nghệ Việt - Hàn.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, chuyển mạnh quy trình giáo dục truyền thống từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học.

Quảng Ninh sẽ cho rà soát, sắp xếp lại hệ thống trường học, phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng miền; ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn quy định, giữ vững kết quả và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Địa phương này sẽ chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên đáp ứng căn bản yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo; đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ; coi trọng dạy và học tiếng Anh trong các cấp học, các cơ sở giáo dục. Có chính sách khuyến khích phát triển các mô hình giáo dục chất lượng cao ngoài công lập; thực hiện cơ chế tự chủ đối với một số trường phổ thông tại các đô thị lớn nơi có điều kiện.

Tiếp tục đổi mới căn bản cơ chế đầu tư ngân sách cho khoa học công nghệ theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 để thúc đẩy xây dựng chính quyền số, hạ tầng kết nối thông minh, phát triển các ngành giáo dục, y tế, giao thông, đô thị thông minh... Từng bước thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong quản trị công, sản xuất, kinh doanh, tổ chức xã hội với chính sách thúc đẩy và quản lý phù hợp.

Thứ ba, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật; phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo

Tỉnh sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và thực chất hơn nữa về chất lượng cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch; công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển ngành, lĩnh vực, danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư.

Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, công khai hóa, minh bạch hóa quy trình thủ tục hành chính. Thực hiện tốt nguyên tắc “5 tại chỗ” trong giải quyết thủ tục hành chính, phấn đấu hết năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4.

Hoàn thành đề án chính quyền điện tử, thực hiện lộ trình xây dựng chính quyền số, thành phố thông minh; năm 2021 tỉnh Quảng Ninh cơ bản hoàn thành chuyển đổi số toàn diện trong các cơ quan hành chính các cấp. Hoàn thiện hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng dịch vụ công các cấp kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; quản lý, khai thác vận hành hiệu quả Trung tâm điều hành thành phố thông minh của tỉnh.

Tỉnh Quảng Ninh cũng xác định chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, khu vực dân doanh; hỗ trợ chuyển đổi hộ cá nhân sản xuất, kinh doanh thành doanh nghiệp; phấn đấu năm 2021 thành lập mới trên 2.000 doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Quỳnh Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/quang-ninh-tiep-tuc-muc-tieu-phat-huy-hieu-qua-3-dot-pha-chien-luoc-1609159714419.htm