Quảng Ninh tiếp tục nâng cao Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 duy trì nhóm các địa phương trong cả nước dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương, về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học, công nghệ.
Năm 2023, Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) của tỉnh Quảng Ninh đạt 48,03 điểm, xếp hạng 09/63 tỉnh, thành phố cả nước; xếp thứ 09 trong 10 địa phương dẫn đầu Chỉ số PII.
Nhằm duy trì, cải thiện và nâng cao Chỉ số PII của tỉnh Quảng Ninh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 28/4/2023 về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Đây là Nghị quyết then chốt để thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ hoàn thành mục tiêu chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch số 153/KH-UBND về nâng cao Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương tỉnh Quảng Ninh năm 2024 và những năm tiếp theo. Mục tiêu chung của kế hoạch là đến năm 2025, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương duy trì trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về Chỉ số PII, về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học, công nghệ và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn cho doanh nghiệp, người dân, các nhà đầu tư phát triển bền vững.
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 28/4/2023, các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ninh có những chuyển biến tích cực. Nhiều chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa các nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được ban hành như: Chương trình phát triển doanh nghiệp Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, Chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh, “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy suất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030…
Đến nay, một số chỉ tiêu về số lượng đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ sáng chế; sản phẩm xuất khẩu được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế; tỷ lệ sáng chế được khai thác, thương mại… đã đạt và vượt so với yêu cầu đặt ra của Nghị quyết.
Tỷ lệ đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt trên mức 50%. Hạ tầng khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ được củng cố với 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 39 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn LAS, VILAS.
Tỉnh đã khai thác và phát triển thương hiệu cho 74 sản phẩm là đặc sản, thế mạnh của địa phương, góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm. Công tác quản lý nhà nước về công nghệ được tăng cường. 100% dự án đầu tư được thẩm định hoặc tham gia ý kiến về công nghệ, kiên quyết không chấp thuận các dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu đầu tư trên địa bàn tỉnh. Hệ thống phần mềm ISO điện tử theo tiêu chuẩn quốc gia được triển khai áp dụng vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh. Hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ tiếp tục được mở rộng, đổi mới hình thức theo hướng hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với các công nghệ từ các nước phát triển.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, Quảng Ninh đã ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách nhằm thúc đẩy và phát triển ứng dựng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Điều này thể hiện sự quan tâm của chính quyền trong việc xây dựng để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngày 13/8, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội thảo khoa học “Đổi mới hoạt động quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở và nâng cao Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) tỉnh Quảng Ninh”.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Hội thảo nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cải thiện và nâng cao Chỉ số PII, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ gia tăng giá trị sản phẩm, hàng hóa để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh”.
Hội thảo đã được nghe đại diện các cơ quan chuyên môn của Bộ Khoa học và công nghệ thông tin nội dung quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, hướng dẫn quy trình quản lý nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở. Giới thiệu về Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương và vai trò trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng đó, phân tích, đánh giá kết quả chỉ số PII năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh và hướng dẫn 13 chỉ số do các sở, ban, ngành, địa phương cung cấp. Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cải thiện và nâng cao Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) tỉnh Quảng Ninh, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, gia tăng giá trị sản phẩm, hàng hóa để phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khuôn khổ hội nghị, đã có nhiều ý kiến, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn từ các cơ quan địa phương, tổ chức Khoa học và Công nghệ về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cụ thể.
“Bộ chỉ số PII cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương. Bộ chỉ số này cung cấp căn cứ và bằng chứng về điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương. Dựa trên bộ chỉ số, các nhà hoạch định chính sách và các cấp lãnh đạo của địa phương sẽ có cơ sở thực tiễn để xác định, lựa chọn phù hợp cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, ông Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ.
Trước đó, vào tháng 5/2024, tỉnh Quảng Ninh đã đưa Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ chuyển đổi số vào hoạt động. Trung tâm có chức năng cung cấp không gian, tiện ích, phương tiện phục vụ cho các hoạt động phát triển thử nghiệm thực tế ý tưởng, sáng kiến phục vụ cộng đồng.