Quảng Ninh tìm giải pháp cải thiện PCI: Không chỉ là cuộc đua về thứ hạng

Dù đã có 5 năm liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh vẫn khẳng định: Mục tiêu của tỉnh không phải thứ hạng mà là hướng tới cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực chất và hiệu quả.

Tiếp tục giữ ngôi đầu PCI 2021, Quảng Ninh đạt 73,02 điểm trên thang điểm 100, là tỉnh duy nhất được xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế "rất tốt" và cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về quản trị dịch bệnh cao nhất trong cả nước. Các chuyên gia đánh giá, đây là kết quả sau một quá trình thực hiện chiến lược dài hơi, tiếp nối những nỗ lực, quyết tâm xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, xây dựng nền quản trị địa phương hiện đại, tự chủ, năng động, hiệu quả và được doanh nghiệp ghi nhận, tin tưởng.

Quảng Ninh đứng đầu Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2021. Tỉnh cũng xếp thứ nhất về Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính SIPAS năm 2021, xếp thứ 2 về Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX năm 2021

Quảng Ninh đứng đầu Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2021. Tỉnh cũng xếp thứ nhất về Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính SIPAS năm 2021, xếp thứ 2 về Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX năm 2021

Tuy vậy, trăn trở của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh vẫn là làm sao “vượt lên chính mình”, “không tự hài lòng” để tiếp tục cải thiện PCI một cách bền vững. Ngày 25/5, trong Hội nghị thúc đẩy triển khai Nghị quyết số 02 của Chính phủ và phân tích chuyên sâu về PCI, Quảng Ninh đã mời các chuyên gia để “mổ xẻ” nguyên nhân, tham góp ý kiến cho PCI trong năm tới.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, Giám đốc dự án PCI quốc gia cho rằng, điểm số và thứ hạng các chỉ số thành phần PCI của tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa thực sự bền vững. Năm 2021, tỉnh đạt thứ hạng cao nhưng điểm số lại thấp hơn năm trước 2,07 điểm. Trong 10 chỉ số thành phần, Tính minh bạch, Cạnh tranh bình đẳng, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động đều giảm điểm. Một trong những vấn đề nổi cộm là khó khăn về đất đai, vẫn còn nhiều lĩnh vực hành chính gây nhiều phiền hà cho doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết: "Chúng tôi có hỏi các doanh nghiệp những khó khăn lớn nhất về đất đai là gì? Hàng đầu vẫn là những thủ tục hành chính, liên quan đến chuyển nhượng, thuê đất phức tạp, khó khăn. Vấn đề quy hoạch chưa đáp ứng được, việc cung cấp thông tin về đất đai chưa thuận lợi, nhanh chóng, giá đất quá cao, thiếu quỹ đất sạch. Chính vì vậy, có lẽ những giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng kinh doanh thuận lợi hơn, công khai, minh bạch hơn là một ưu tiên của tỉnh trong thời gian tới."

Quảng Ninh tổ chức Hội nghị phân tích chuyên sâu về PCI, tìm giải pháp cải thiện bền vững PCI 2022

Quảng Ninh tổ chức Hội nghị phân tích chuyên sâu về PCI, tìm giải pháp cải thiện bền vững PCI 2022

Theo khảo sát, Tính minh bạch và Tiếp cận thông tin có chiều hướng giảm sút; việc triển khai hỗ trợ doanh nghiệp về các hiệp định thương mại tự do của các cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Ninh khá khiêm tốn; nguồn lao động có kỹ năng, chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng… Quảng Ninh cần mở rộng và nâng cấp hơn nữa các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, không chỉ nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn mà phải coi trọng cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương kiến nghị: "Sự thay đổi của lĩnh vực này mà kéo theo sự trì trệ trong một lĩnh vực khác có thể làm giảm đi, triệt tiêu các tác động của cải cách. Người dân và doanh nghiệp không thể chỉ thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh trong một lĩnh vực. Vì thế cải cách phải đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị, tạo được sự lan tỏa và tạo ra sự cạnh tranh, không phải cạnh tranh về thứ hạng mà là mang lại chất lượng dịch vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp."

Ghi nhận ý kiến trực tiếp từ các doanh nghiệp, nhiều giải pháp được đưa ra để hiến kế, duy trì bền vững PCI năm 2022. Nhận định có tình trạng một số lãnh đạo sở ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm sâu sát đến việc cải cách, ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, Quảng Ninh phải tiếp tục tập trung cho công tác tổ chức bộ máy, con người, sự phối hợp liên thông giữa các cấp, các ngành, công nghệ, chuyển đổi số.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, doanh nghiệp qua nhiều kênh khác nhau

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, doanh nghiệp qua nhiều kênh khác nhau

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh - Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: "Cần tập trung vào người đứng đầu các cấp, đây là tâm điểm của vấn đề có tiếp tục đổi mới sáng tạo hay không. Mục tiêu cuối cùng là người dân được gì, doanh nghiệp được gì, tỉnh sẽ được gì. Tôi yêu cầu phải ngày càng hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, ngày càng phân công, phân cấp rõ ràng. Đi liền với đó càng phải xem xét hiệu quả công việc bằng những sản phẩm đầu ra một cách kỹ lưỡng, căn cơ hơn với những chu trình thanh tra, kiểm tra, giám sát một cách nghiêm ngặt."

Liên tục đứng đầu bảng xếp hạng PCI nhiều năm, kỳ vọng của doanh nghiệp với Quảng Ninh đang ngày càng cao hơn. Năm 2022, Quảng Ninh đề ra mục tiêu tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện bền vững năng lực cạnh tranh, hướng tới tăng dần điểm tổng PCI qua từng năm. Mục tiêu cốt lõi có được khi môi trường kinh doanh được cải thiện, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn đó là tăng trưởng GRDP, nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống của người dân một cách thực chất và hiệu quả./.

Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quang-ninh-tim-giai-phap-cai-thien-pci-khong-chi-la-cuoc-dua-ve-thu-hang-post946422.vov