Quảng Ninh: Triển khai công tác tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ các cấp
Công tác tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ các cấp tỉnh Quảng Ninh đã được quán triệt, triển khai đến 13 huyện, thị xã, thành phố và 177 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Ngày 24/8, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai công tác tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ các cấp nhiệm kỳ 2024 – 2029; Tuyên truyền, phổ biến Luật thực hiện dân chủ cơ sở; Hướng dẫn lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về Chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Đại hội là “đợt sinh hoạt chính trị của các tầng lớp nhân dân”
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hồi, UVBTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh nhấn mạnh Đại hội là sự kiện chính trị không chỉ của mặt trận, cần tuyên truyền, nâng cao nhân thức tới các cấp, các ngành. Đặc biệt cần xác định Đại hội là đợt sinh hoạt chính trị của các tầng lớp nhân dân theo Chỉ thị 22 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 36 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, góp phần nâng cao vị thế MTTQ và củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
Công tác tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ các cấp tỉnh Quảng Ninh cần phải đảm bảo trang trọng, thiết thực, hiệu quả, đúng tiến độ, tiết kiệm đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ MTTQ Việt Nam. Theo đó, thời gian tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam cấp xã sẽ hoàn thành trong tháng 4/2024, cấp huyện là tháng 6/2024 và cấp tỉnh là tháng 8/2024.
Cùng với đó, những nội dung liên quan đến công tác tổ chức Đại hội gồm Công tác chuẩn bị văn kiện Đại hội, xây dựng đề án nhân sự nhiệm kỳ 2024-2029, hiệp thương cử đại biểu dự Đại hội cấp trên, xây dựng chương trình Đại hội, việc tổ chức Hội nghị Ban Công tác Mặt trận, trang trí khánh tiết và tuyên truyền Đại hội… cũng đã được phân tích và cụ thể hóa rõ ràng đến các cấp.
Hội nghị đặc biệt yêu cầu đến Ủy ban MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh cần chuẩn bị kỹ toàn bộ nội dung liên quan một cách đầy đủ, khách quan, toàn diện, “làm đến đâu nói đến đó” và thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm tồn tại tại địa phương. Đồng thời xây dựng phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới trên cơ sở đúng, khách quan, thực tiễn, tránh sao chép máy móc, lấy ý kiến trong tầng lớp nhân dân…
Trước những điểm mới trong công tác chỉ đạo Đại hội, các đại biểu đến từ các cấp đã đặt ra những câu hỏi liên quan đến vấn đề cách thức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, công tác nhân sự Đại hội, quy định tiêu chuẩn trưởng ban công tác mặt trận. Các đại biểu cũng mong muốn có thêm những chỉ đạo, hướng dẫn trong việc xây dựng văn kiện, đánh giá hiệu quả các mô hình đã triển khai hay vấn đề kinh phí tổng kết của ban công tác mặt trận.
Trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ có thêm những chỉ đạo, bước triển khai cụ thể để đảm bảo các cấp nắm rõ tinh thần, nội dung cốt lõi để triển khai Đại hội thành công tốt đẹp.
Lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về chương trình xây dựng NTM
Bên cạnh những nội dung liên quan đến tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp, Hội nghị cũng đã tuyên truyền, phổ biến Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, bao gồm những điểm mới, nội dung trọng tâm của Luật và các quy định của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng. Đặc biệt làm rõ những nội dung liên quan đến phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Về việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, cần đảm bảo thực hiện theo đúng hướng dẫn số 90/HD-MTTW-BTT ngày 20/9/2022 và Kế hoạch của Ban thường trực MTTQ tỉnh. Theo đó, công tác lấy ý kiến cần đảm bảo thời gian quy định, đúng đối tượng, đúng các bước và đảm bảo tỷ lệ người dân tham gia lấy ý kiến và đáp ứng được tỷ lệ chưa hài lòng của người dân, đảm bảo thời gian hoàn thành trước 5/9.
Theo kế hoạch, tổng số phiếu lấy ý kiến sẽ là 29.150 phiếu trên toàn bộ 13 địa phương, 230/727 thôn và 63/98 xã. Đối với huyện thì cần lấy 30% số xã, mỗi xã lấy 50% số khu dân cư, mỗi khu dân cư lấy 70% số hộ gia đình. Đối với thị xã, thành phố thì lấy 100% số xã, mỗi xã lấy 50% số khu dân cư, mỗi khu dân cư lấy 70% hộ gia đình.