Quảng Ninh và hành trình 60 năm chuyển mình phát triển (Bài 1)
Chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, Quảng Ninh đã trải qua muôn vàn khó khăn, chông gai để giờ đây vươn mình trở thành cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
LỜI TÒA SOẠN
Ngày 30/10/1963, tỉnh Quảng Ninh được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng. Trải qua 60 năm xây dựng, trưởng thành, quân và dân các dân tộc Quảng Ninh đã không ngừng thi đua lao động, sáng tạo, thực hiện nghiêm túc mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước ĐỂ từng bước vượt khó đi lên...
Có thể nói, Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963-30/10/2023) là dịp quan trọng để người dân cả nước nói chung, những người con Quảng Ninh nói riêng ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng, vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh trải qua 6 thập kỷ xây dựng và phát triển. Đây cũng là dịp đặc biệt để đánh giá, khẳng định những thành tựu nổi bật cùng với những đóng góp to lớn và vị thế quan trọng của tỉnh đối với sự phát triển chung của đất nước.
Với tuyến bài 5 kỳ Quảng Ninh và hành trình 60 năm phát triển Năng động – Toàn diện – Bền vững, Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn cảnh về chặng đường vượt khó để phát triển; những thành tựu về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa…của tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó, tuyến bài còn nhằm “hiến kế”, đưa ra những ý kiến mang tính chuyên sâu của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường với mong muốn tỉnh Quảng Ninh có thể phát huy những động lực, tiềm năng, dư địa để có thêm đà “cất cánh”.
Nằm nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, Quảng Ninh từ lâu được ví như một “Việt Nam thu nhỏ” vì có cả biển, đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi và biên giới trên đất liền, trên biển và trên không. Cùng với đó, Quảng Ninh cũng được thiên nhiên ưu đãi với nhiều tài nguyên khoáng sản cùng tiềm năng lớn về cảnh quan.... Nơi đây còn là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, một trong những cái nôi của người Việt cổ và là nơi có nhiều di tích lịch sử gắn với quá trình dựng nước, giữ nước vẻ vang của dân tộc.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, với rất nhiều tên gọi khác nhau đến thời Pháp thuộc được đặt tên là Quảng Yên và Hải Ninh. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến hòa bình lập lại năm 1954, tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai hợp nhất thành khu Hồng Quảng. Ngày 30/10/1963, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa II, kỳ họp thứ 7 phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và Khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là Quảng Ninh.
Ngay sau khi thành lập, Quảng Ninh đã phải cùng cả nước bước vào cuộc chiến đấu ác liệt chống chiến tranh phá hoại của địch. Ngày 5/8/1964, máy bay Mỹ ném bom mở đầu thời kỳ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Nhưng dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, nhân dân Quảng Ninh đã không chỉ giữ vững mặt trận sản xuất mà còn kịp thời đập tan các cuộc ném bom của Mỹ, bắn rơi nhiều máy bay, bảo vệ vùng trời, vùng biển Đông Bắc. Qua 10 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân Quảng Ninh đã đánh trả 7.417 đợt máy bay phá hoại, bắn rơi trên 200 máy bay hiện đại, đánh chìm nhiều tàu chiến, diệt và bắt sống hàng chục phi công.
Bên cạnh chiến đấu chống chiến tranh, giai cấp công nhân, lực lượng nông dân và các tầng lớp người lao động vẫn luôn “Vững tay cày, chắc tay súng”, duy trì nhịp độ sản xuất, đảm bảo giao thông thông suốt. Năm 1964, lần đầu tiên Quảng Ninh khai thác vượt mức một triệu tấn than, trở thành địa phương đầu tàu trong khai thác than của cả nước. Năm 1975 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.169 tỷ đồng, tăng gấp 1,37 lần; giá trị sản lượng nông nghiệp tăng 1,21 lần so với năm 1965.
Đại thắng mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội theo cương lĩnh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976). Song, ngay tức thì, đất nước ta lại đứng trước những khó khăn, thách thức không hề nhỏ.
Trong bối cảnh chung của đất nước, Quảng Ninh đã tự tháo gỡ khó khăn, tiếp tục phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hàng vạn thợ mỏ vẫn bám tầng, bám máy để sản xuất thật nhiều than cho nền kinh tế quốc dân. Quảng Ninh đã thành lập đoàn tàu viễn dương để xuất khẩu hàng hóa, giao thương với nước ngoài thu ngoại tệ. Từ năm 1981 đến 1985, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 26,7 triệu đồng Rúp – Đô la; góp phần đẩy mạnh đầu tư phát triển, cải thiện đời sống nhân dân và bước đầu có tích lũy.
Với việc chú trọng phát triển khai thác than đá, sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu; giai đoạn 1996 – 2005, tăng trưởng GDP của Quảng Ninh đã đạt 12,65% năm; tăng 3,05 điểm % so với giai đoạn 1986 -1985; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 18 đến 20% năm… Từ một tỉnh Trung ương phải hỗ trợ 90% nhu cầu lương thực, thực phẩm, 70% - 80% về ngân sách, đến năm 1995 đã cân đối được ngân sách, có đóng góp cho Trung ương, tự giải quyết được những khó khăn lớn về hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm…
Từ năm 2005, sản lượng khai thác than liên tục tăng cao; năm 2011, lần đầu tiên đạt 48,2 triệu tấn than, doanh thu vượt ngưỡng 93 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2006-2011, Quảng Ninh có mức tăng trưởng GDP 12%/năm, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng trung bình của cả nước; GRDP năm 2011 cao gấp 1,6 lần mức trung bình cả nước, bình quân đạt 46,7 triệu đồng/đầu người; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; dịch vụ chiếm 37% trong GDP.
Năm 2011 so với năm 2006, tổng vốn đầu tư phát triển tăng gấp đôi, từ 16,5 lên 38,4 nghìn tỷ đồng (bình quân vốn đầu tư hằng năm đạt 96% GDP, lớn gấp 2,3 lần mức đầu tư trung bình của cả nước); thu ngân sách Nhà nước tăng hơn 5 lần (từ 6,679 tăng lên 37,398 nghìn tỷ đồng).
Giai đoạn 2010 - 2016, Quảng Ninh bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đặc biệt khó khăn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết một lòng, quyết tâm duy trì sự phát triển ổn định. GDP nửa nhiệm kỳ tăng 8,53% mỗi năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Thu ngân sách bình quân tăng 12,37% năm, số tăng tuyệt đối cao gấp 2,79 lần nửa nhiệm kỳ trước.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh, nhất là đầu tư nước ngoài; các dự án, công trình quan trọng, nhất là các công trình giao thông huyết mạch được tập trung nguồn lực triển khai. Tổng vốn đầu tư cho giao thông nửa nhiệm kỳ đạt 4.633 tỷ đồng, tăng 128% so với cả nhiệm kỳ trước. Chi an sinh xã hội nửa nhiệm kỳ đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng 640% so với giai đoạn trước. Giải quyết 2,69 vạn lao động mỗi năm, góp phần giảm 1,72% tỷ lệ hộ nghèo hằng năm.
Trải 60 năm xây dựng và phát triển, đến nay Quảng Ninh đã trở thành trung tâm đổi mới của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, khu vực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc; 7 năm liên tục (2016 – 2023) đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên hai con số. Trong đó năm 2020 đạt 10,05%, năm 2021 và năm 2022 đều đạt 10,28% trong bối cảnh dịch COVID-19 (xếp thứ 13/63 toàn quốc và 3/7 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ).
Đi cùng với đó là tốc độ đô thị hóa đứng ở top đầu cả nước. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh"; quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 ước đạt 269 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD, cao nhất khu vực phía Bắc; năng suất lao động tăng trên 13%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2020-2022 đạt trên 156,2 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt trên 117,8 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 10%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tổng chi đầu tư phát triển đạt trên 48,3 nghìn tỷ đồng, tỉ lệ giải ngân hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch; tỉ trọng chi đầu tư tăng lên, đạt khoảng 57-58% tổng ngân sách.
Trong khó khăn, tỉnh đã có nhiều cách làm hiệu quả để huy động nguồn lực thông qua hợp tác công tư. Giai đoạn 2020-2022, tổng thu hút vốn ngoài ngân sách đạt trên 475,2 nghìn tỷ đồng, trong đó FDI đạt 2,15 tỷ USD, tăng bình quân 54%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 267 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 10%/năm; bình quân mỗi năm thành lập mới khoảng 2 nghìn doanh nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7.684 triệu USD, tăng bình quân trên 9%/năm.
Tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng đầu cả nước 5 năm liên tiếp từ 2017-2021.
Diện mạo Quảng Ninh cũng đã có bước thay đổi ngoạn mục khi nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng được hoàn thành, đưa vào khai thác, phá thế "độc đạo" của Quảng Ninh khi trước đây chỉ có Quốc lộ 18 trở thành địa phương có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước hiện nay (176/1.046 km), cùng với đó là hệ thống sân bay, cảng biển, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra cơ hội và không gian phát triển mới.
Phát huy thành tích đã đạt được, Quảng Ninh đặt mục tiêu tới năm 2025 trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 10%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 10.000 USD.
Tỉnh xác định ba khâu đột phá giai đoạn 2020-2025. Thứ nhất, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số. Thứ hai, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể. Thứ ba, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh.
Với tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ trung chuyển của khu vực Đông Nam Á, động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP của cả giai đoạn 2025-2040 khoảng 10%; GRDP bình quân đầu người trên 15.000 USD; khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.
Đến năm 2045, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế; một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh.
Nhìn lại chặng đường 60 năm cũng đã khẳng định, sự đầu tư đúng đắn của tỉnh Quảng Ninh, thể hiện vai trò to lớn sự lãnh đạo Đảng bộ tỉnh, cùng những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền, quân và nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Tiếp nối những thành công đó, Quảng Ninh lại mang trong mình những kỳ vọng lớn hơn trong thời kỳ phát triển kinh tế mới. Có thể thấy, chặng đường chặng đường phía trước đang mở ra cho Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn và thách thức. Nhưng tin rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng kiên cường, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của giai cấp công nhân vùng mỏ, đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường; không ngừng đổi mới, quyết tâm xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp.
Bài 2: Những “đại dự án” góp phần thay đổi diện mạo Quảng Ninh
Nội dung: Phạm Giang
Đồ họa: Hải An
Ảnh: Huy Tình