Quảng Ninh và tầm nhìn bền vững: Nhiều quyết sách xây dựng và phát triển con người, chấn hưng văn hóa
Văn hóa và con người luôn được xác định là những trụ cột quan trọng của sự phát triển kinh tế - xã hội. Hơn nửa thế kỉ được thành lập, quân và dân Quảng Ninh đã chứng minh là một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam với truyền thống 'kỷ luật và đồng tâm', là lực lượng xung kích thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
LTS: Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 – 30/10/2023) là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Cột mốc năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, có tính bản lề và ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường. Đây cũng là dịp tổng kết, nhìn nhận, đánh giá, khẳng định những kết quả đạt được qua 6 thập kỷ xây dựng và phát triển của tỉnh đối với sự phát triển chung của đất nước.
“Đa dạng trong thống nhất”
Quảng Ninh mang nhiều giá trị văn hóa riêng biệt, độc đáo, cùng hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc, đồng thời là một trong những “cái nôi” của giai cấp công nhân Việt Nam, có truyền thống cách mạng của Công nhân Vùng Mỏ với di sản tinh thần vô giá “kỷ luật và đồng tâm”. Văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ, văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số, hiện nay còn có thêm văn hóa số, là những thành tố chính tạo nên sự “đa dạng trong thống nhất” của văn hóa Quảng Ninh.
Là một vùng đất lịch sử lâu đời, theo các tài liệu, ở khu vực Vịnh Hạ Long đã khảo cổ được di chỉ của người tiền sử từ 3000 – 1500 năm trước Công nguyên. Đặc trưng đó là nền Văn hóa Soi Nhụ, làm cơ sở để sau đó hình thành các loại hình văn hóa tiến bộ mới tại Cái Bèo, tiếp theo nền Văn hóa Hạ Long nổi tiếng.
Thời Hùng Vương, vùng đất Quảng Ninh là trung tâm của bộ Ninh Hải, Lục Hải – một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Lịch sử Ninh Hải - Lục Châu và sau này là Hải Đông là cả một thời kỳ dài liên tục đấu tranh chống ngoại xâm và xây dựng, phát triển.
Trong suốt mười thế kỷ ấy, đất Hải Đông đã ghi dấu những chiến công lừng lẫy nhất trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, với ba lần chiến thắng trên sông Bạch Đằng, chứng kiến những công cuộc phát triển kinh tế phồn vinh nhất dưới thời phong kiến, đặc biệt với thương cảng Vân Đồn lịch sử mang tầm vóc khu vực và liên khu vực vào thời đại Lý – Trần, khẳng định Việt Nam từ sớm là quốc gia biển, vươn ra biển, phát triển kinh tế biển.
Đến thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, vùng đất Đông Bắc giàu tài nguyên than đá này lại trở thành Vùng Mỏ anh hùng bất khuất, là cái nôi sinh thành đội ngũ công nhân. Ngày 22/2/1955, theo sắc lệnh của Chủ tịch nước, khu Hồng Quảng gồm đặc khu Hồng Gai và tỉnh Quảng Yên được thành lập. Ngày 30/10/1963, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã quyết định hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh chính thức.
Tỉnh Quảng Ninh là tỉnh có di sản văn hóa đồ sộ, đa dạng và giàu bản sắc nhất trong cả nước. Hiện Quảng Ninh có 6 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt gồm: Danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long, khu di tích lịch sử nhà Trần (Đông Triều), Khu di tích lịch sử Bạch Đằng, Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử, Đền Cửa Ông – Cặp Tiên và Khu di tích Bác Hồ trên đảo Cô Tô, 54 di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh.
Kho tàng di sản văn hóa phi vật thể khổng lồ trải dài theo thời gian và không gian với tổng số 541 di sản văn hóa vật thể, hơn 2.800 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, 119 lễ hội, trong đó có 76 lễ hội được kiểm kê đưa vào danh mục di sản văn hóa, 07 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia... Văn hóa, lịch sử lâu đời và độc đáo của Quảng Ninh trở thành nguồn tài nguyên vô giá trong phát triển du lịch, kinh tế, xã hội và hun đúc lên bản sắc văn hóa con người Quảng Ninh.
Trong một thập kỷ trở lại đây, tỉnh đã huy động hiệu quả nhiều nguồn lực để tập trung xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ. Đơn cử, ở cấp tỉnh, nhiều công trình được tỉnh đầu tư với nguồn vốn cả nghìn tỷ đồng, mang tầm quốc gia, khu vực, như Bảo tàng – Thư viện tỉnh, Cung quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm, Trung tâm Thể thao tỉnh, Trung tâm Văn hóa – Thể thao vùng Đông Bắc…
Cùng với đó, Quảng Ninh cũng quan tâm dành nguồn lực đầu tư và ban hành các cơ chế, chính sách cho bảo tồn, phát triển văn hóa, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030” đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội tại các địa phương.
Mặt khác, tỉnh xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành một thị trường tiềm năng, hướng tới “xuất khẩu văn hóa”, thông qua khai thác các thế mạnh, tiềm năng về cảnh quan, truyền thống, ẩm thực, làng nghề, …
Nhiều đề án được chú trọng hoàn thiện sớm và triển khai có hiệu quả như: Đề án về phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Đề án xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030; Đề án Bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030... Từ đây, tạo cơ sở để thúc đẩy phát triển văn hóa gắn với kinh tế, du lịch góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
Xây dựng và phát triển con người Quảng Ninh
Văn hóa và con người đều là những trụ cột quan trọng của sự phát triển. Ngày 9/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong đó, xác định mục tiêu chung là “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Một mốc quan trọng khác là năm 2021, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã định hướng giai đoạn 2021 – 2030, phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương lớn của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 9/3/2018, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Trên cơ sở xác định rõ văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển bền vững, Nghị quyết đưa ra các mục tiêu: Gìn giữ và phát huy bền vững bản sắc văn hóa; các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng “Năng động – sáng tạo – hào sảng - lành mạnh – văn minh – thân thiện”.
Đến nay, đã trải qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, các cấp ủy, chính quyền của tỉnh đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực, ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển văn hóa, con người. Văn hóa, con người Quảng Ninh đã thực sự trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển Quảng Ninh với các đặc trưng Hành chính minh bạch – Kinh tế phát triển – Văn hóa đặc sắc – Xã hội văn minh – Nhân dân hạnh phúc.
Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh do UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 1310/QĐ-UBND ngày 20/4/2020, đã và đang trở thành cẩm nang hướng dẫn cách ứng xử trong gia đình, dòng họ, cộng đồng nơi cư trú, nơi công cộng, trên mạng xã hội, yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện thường xuyên, lâu dài.
Điển hình, một số nội dung đã và đang tiếp tục được cụ thể hóa thành các quy hoạch, đề án, chuyên đề về văn hóa, thể thao, tạo tiền đề cho việc hình thành những nét đặc trưng riêng của tỉnh Quảng Ninh.
Đơn cử, như việc ban hành Chương trình “Nụ cười Hạ Long”, Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, Bộ tiêu chí Người Quảng Ninh, Tủ sách Văn hiến Quảng Ninh, Đề án bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, Đề án bảo tồn, phát huy các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian, giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến 2030, Đề án Phát triển tài năng thể thao thành tích cao tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến 2030...
Gần đây nhất, ngày 8/5/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1151/QĐ-UBND về Bộ Tiêu chí Văn hóa số của người Quảng Ninh văn minh, lịch sự trên môi trường số. Phạm vi áp dụng Bộ Tiêu chí là các hành vi, chuẩn mực văn hóa của tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động trên môi trường số. Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân đang sinh sống, công tác, tham quan, học tập và làm việc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khi tham gia các hoạt động trên môi trường số.
Trong thời đại kỹ thuật số, cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng xã hội số và văn hóa số là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn, đồng thời đây cũng là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Phát huy vị thế là một trong những địa phương “đón đầu”, chủ động trong công tác xây dựng và phát triển con người trên không gian mạng, Bộ Tiêu chí góp phần xây dựng, dần hình thành các giá trị chuẩn mực đạo đức, lối hành xử có văn hóa trên mạng xã hội; từng bước giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người Quảng Ninh trên môi trường số có văn hóa, văn minh, lịch sự, an toàn, lành mạnh.
Ngày nay, nhắc đến con người Quảng Ninh, rất nhiều ý kiến ngay lập tức khẳng định, cũng như đặc trưng văn hóa “đa dạng trong thống nhất”, con người nơi đây hội tụ từ nhiều vùng miền, có khí chất phóng khoáng, mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm.
Quảng Ninh và tầm nhìn bền vững: Bền bỉ đi qua chiến tranh, vững vàng thời kỳ hội nhập Từ những bước gian nan khởi đầu
Từng được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ví như “Một Việt Nam thu nhỏ”, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn được Trung ương xác định có vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; có vị trí rất quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước.
Nhìn về 6 thập kỷ trước, chính quyền được thành lập vào năm 1963, ngay lập tức đã gặp phải sự khởi đầu vô cùng gian nan. Đó là vừa phải thúc đẩy sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế xã hội, vừa phải chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Ngày 5/8/1964, máy bay Mỹ ném bom mở đầu thời kỳ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Cũng trong năm 1964, Quảng Ninh còn hoàn thành vượt mức khai thác 1 triệu tấn than đề ra, đưa tỉnh trở thành đầu tàu trong ngành công nghiệp khai thác than của cả nước.
Trải qua thời kỳ chiến tranh, quân và dân tỉnh Quảng Ninh vẫn cố gắng giữ vững và duy trì sự ổn định và phát triển các lĩnh vực hoạt động trên đất mỏ, bên cạnh việc anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm.
Trong thời kỳ đầu đổi mới 1986 – 2010, việc thực thi cơ chế chính sách đổi mới đã tạo cho Quảng Ninh một diện mạo mới và bước phát triển nhanh chóng. Thực hiện công cuộc đổi mới theo đường lối Đại hội lần thứ VI của Đảng tháng 12/1986, tỉnh Quảng Ninh chú trọng phát triển các ngành khai thác than đá, sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu.
>>>>>>>> đọc tiếp