Quảng Trị: Cảnh báo 'bẫy' việc nhẹ, lương cao lừa người lao động
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan trên địa bàn về việc tăng cường công tác quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến người lao động bị các đối tượng lừa đảo đưa sang các nước lân cận để làm các công việc bất hợp pháp. Nhiều vụ bẫy việc nhẹ lương cao được báo chí phản ánh, nhưng vẫn có nhiều lao động mắc bẫy và dẫn đến gây thiệt hại nặng cho người lao động.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị, người lao động rơi vào bẫy việc nhẹ lương cao thường là những người không có trình độ, chuyên môn và trẻ tuổi. Trong khi đó các đối tượng lừa đảo lại tung ra nhiều hình thức tinh vi mà người trẻ chưa đủ nhận thức, kinh nghiệm, năng lực để nhận diện được. Hình thức lừa đảo chủ yếu trên mạng và có sự lôi kéo từ người quen biết là một cách thức thường sử dụng nhất với những lời mời hấp dẫn.
Đơn vị này cũng cho đưa ra khuyến cáo, tìm việc làm là nhu cầu chính đáng của mỗi người, thay vì tìm việc từ những trang mạng không tin cậy, để đảm bảo an toàn, người lao động hãy đến Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh để được tư vấn, hỗ trợ, giới thiệu đến các công ty được cấp phép. Tốt nhất là tìm việc ở các kênh chính thống như sàn giao dịch việc làm hoặc trực tiếp tại các công ty có uy tín và đủ tư cách pháp nhân.
Người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài cần liên hệ trực tiếp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài được cấp phép và tuyệt đối không thông qua trung gian. Người lao động nên tìm hiểu thông tin tuyển dụng lao động tại các đơn vị có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài qua địa chỉ của Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc cơ quan quản lý lao động tại địa phương.
Các chiêu trò quảng cáo như "Việc nhẹ lương cao", "lương cao, chi phí thấp, đi nhanh", "không cần ngoại ngữ, không cần tay nghề"… là một trong những dấu hiệu để nhận biết về doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân có mục đích lừa đảo lao động, vì trên thực tế không có công việc nào nhẹ nhàng mà lương cao.
Người lao động, các cơ quan địa phương, cơ quan truyền thông khi có thông tin từ người dân, người lao động về tình trạng các tổ chức, cá nhân quảng cáo, đưa tin người lao động đi làm việc với cam kết "việc nhẹ, lương cao" cần cung cấp, thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, và cơ quan Công an để tiến hành xác minh, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trong công văn, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các ban, ngành liên quan, UBND cấp xã tổ chức, thực hiện và quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong phạm vi địa phương; Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về vấn đề đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thị trường lao động, pháp luật lao động, về bảo hiểm các loại liên quan đến người lao động và quyền lợi chính đáng của người lao động.
Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát vấn đề đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng như vấn đề giới thiệu, cung ứng việc làm của các đơn vị, doanh nghiệp; kịp thời phát hiện các vấn đề nóng và nổi cộm liên quan đến người lao động để xử lý, bảo vệ quyền lợi người lao động.
Nghiêm cấm để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật đã được quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.