Quảng Trị - đất thiêng khát vọng hòa bình

Lễ hội Vì hòa bình - dự kiến tổ chức lần đầu vào tháng 7-2024, định kỳ 2 năm một lần - được kỳ vọng sẽ tạo nhiều điểm nhấn cảm xúc, mang cả thế giới hòa bình đến Quảng Trị và mỗi người dân sẽ trở thành một đại sứ vì hòa bình

Hiếm có nơi nào như Quảng Trị - địa phương chỉ rộng trên 4.700 km2 nhưng có đến 72 nghĩa trang với gần 60.000 liệt sĩ an nghỉ. Trải qua cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc bi hùng, trong trái tim mỗi người dân nơi đây luôn cháy bỏng khát vọng gìn giữ, vun đắp nền hòa bình của dân tộc

Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng...

Cuối tháng 8, cỏ gianh bung cờ nhuộm trắng Thành cổ Quảng Trị, thị xã Quảng Trị. Nhiều đoàn du khách đến đây dường như lặng đi trong tiếng ve ngân. Bước chân mỗi người đều khẽ khàng, như câu thơ nhắn nhủ ở lối vào Đài Tưởng niệm Thành cổ - ngôi mộ chung của các anh hùng liệt sĩ: Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/ Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/ Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng (Phạm Đình Lân).

Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị

Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị

Để có hòa bình như hôm nay, không biết bao nhiêu máu xương của cha ông, của các anh hùng liệt sĩ đã đổ xuống. Hãy nhìn từ thị xã Quảng Trị với "trái tim" là Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm "mùa hè đỏ lửa" năm 1972. Thời điểm đó, mảnh đất rộng chưa đầy 4 km2 này đã hứng chịu trên 300.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử.

Các nhà khoa học quân sự đã ước tính trung bình, mỗi chiến sĩ quân giải phóng ở Thành cổ Quảng Trị phải hứng chịu trên 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. Thế nhưng, bom đạn không ngăn được quyết tâm của các cán bộ, chiến sĩ. Các anh đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, kiên cường bám trụ, giành giật với địch từng chiến hào, từng đống đổ nát tại Thành cổ Quảng Trị.

Sau 81 ngày đêm (từ 28-6 đến 16-9-1972) chiến đấu anh dũng, kiên cường, các chiến sĩ quân giải phóng đã hoàn thành nhiệm vụ chiến lược được giao, làm thất bại ý đồ tái chiếm Thành cổ Quảng Trị của địch. Điều này đã góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, mở đường cho Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị - nơi an nghỉ của hơn 10.200 anh hùng liệt sĩ

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị - nơi an nghỉ của hơn 10.200 anh hùng liệt sĩ

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, hơn 4.000 anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương, ngã xuống vì sự nghiệp hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Báo Quân đội Nhân dân thời điểm đó đã viết: "Mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta giành được ở Thành cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu". Để rồi, nhiều năm sau cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, cựu binh Phạm Đình Lân viết lời thơ như nhắn nhủ mọi người đến đây: Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ…

Sau gần nửa thế kỷ thống nhất đất nước, điều đặc biệt là ở thị xã Quảng Trị, hầu như nhà người dân nào cũng có một am thờ vọng liệt sĩ. Cứ đến ngày rằm hằng tháng, người dân lại kính cẩn khói hương, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống.

Cũng chẳng biết từ bao giờ, cứ sau thời khắc giao thừa thiêng liêng, người dân thị xã Quảng Trị lại chọn Thành cổ Quảng Trị làm nơi xuất hành đầu năm. Tại Đài Tưởng niệm Thành cổ, không lúc nào vắng bóng người dân thành kính dâng lên những nén hương thơm tỏ lòng biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho hòa bình hôm nay.

Bà Cáp Thị Thiên Trang, Trưởng Ban Quản lý Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, cho biết không chỉ tháng 7 - tháng tri ân anh hùng liệt sĩ - mà tất cả các tháng trong năm đều có rất nhiều du khách đến đây tham quan, tưởng niệm. Từ đầu năm 2023 đến nay, Thành cổ Quảng Trị đã đón khoảng 264.000 người đến viếng thăm, trong đó có nhiều đoàn du khách nước ngoài.

Cùng với Thành cổ, vùng đất thiêng Quảng Trị được xem như bảo tàng sinh động về chiến tranh cách mạng Việt Nam với hệ thống trên 500 di tích lịch sử. Trong đó, nhiều di tích gắn liền với cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc như: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Đường Hồ Chí Minh, Địa đạo Vịnh Mốc... cùng các địa danh lừng lẫy: Dốc Miếu, Đường 9, Khe Sanh, Làng Vây, Tà Cơn…

Tâm nguyện, khát vọng cháy bỏng

Có thể nói, trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Quảng Trị là một trong những địa phương chứng kiến nhiều nhất sự tàn khốc, đau thương. Vì vậy, hòa bình lúc nào cũng là khát vọng cháy bỏng, là mong muốn chung của người dân Quảng Trị cũng như toàn thể nhân dân Việt Nam. Đó cũng là tâm nguyện của hàng chục vạn anh linh liệt sĩ, các nạn nhân chiến tranh đang nằm lại trong lòng đất mẹ Quảng Trị.

Đến với Quảng Trị hôm nay, có thể chúng ta không còn chứng kiến những hình ảnh khốc liệt, tang thương của chiến tranh nhưng sẽ cảm nhận được sâu sắc giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Tưởng niệm, tri ân những người con ưu tú đã hy sinh vì Tổ quốc và các nạn nhân chiến tranh ở đây, chúng ta sẽ thấy rằng với lịch sử hào hùng, Quảng Trị không chỉ là địa danh của một địa phương mà còn trở thành biểu tượng chung của cả nước về khát vọng hòa bình của dân tộc.

Cựu chiến binh và du khách tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị

Cựu chiến binh và du khách tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị

Xuất phát từ ý nghĩa đó, UBND tỉnh Quảng Trị đang xây dựng đề án tổ chức Lễ hội Vì hòa bình. Lễ hội nhằm tôn vinh các giá trị của hòa bình, chuyển tải thông điệp về hòa bình của nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Theo ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, từ năm 2021, Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép địa phương này tổ chức lễ hội với thông điệp vì hòa bình. Lễ hội Vì hòa bình dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 7, định kỳ 2 năm một lần, nằm trong danh mục các sự kiện văn hóa lớn của quốc gia nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh, gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình, thịnh vượng cho quê hương, đất nước và nhân loại.

Lễ hội Vì hòa bình dự kiến sẽ tổ chức lần đầu vào tháng 7-2024, gồm các hoạt động chính: Thả hoa đăng, thắp nến tri ân; giao lưu - quảng bá văn hóa, du lịch với các hoạt động trình diễn, giao lưu nghệ thuật các nước... Không gian chính của lễ hội là ở Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn.

Lễ hội Vì hòa bình được kỳ vọng sẽ tạo ra các điểm nhấn cảm xúc, mang cả thế giới hòa bình đến Quảng Trị và mỗi người dân tỉnh này sẽ trở thành một đại sứ vì hòa bình. Những du khách đến với Quảng Trị sẽ hòa nhập với lễ hội, đặt trên vai sứ mệnh mang giá trị vì hòa bình đi khắp nơi...

"Lễ hội Vì hòa bình nhằm tôn vinh các giá trị của hòa bình, chuyển tải thông điệp về hòa bình của nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Cần có bảo tàng chứng tích chiến tranh tầm cỡ quốc gia

Đó là gợi ý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Quảng Trị vào tháng 7-2023 vừa qua. Chủ tịch Quốc hội cho rằng Quảng Trị là mảnh đất gánh chịu nhiều bom đạn khốc liệt nhất trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Quảng Trị là nơi thích hợp để nói lên khát vọng hòa bình.

"Nếu Quảng Trị muốn thu hút khách quốc tế đến đây thì cần có một bảo tàng chứng tích chiến tranh tầm cỡ quốc gia. Nên đưa thành tố này vào chương trình mục tiêu quốc gia chiến lược phát triển văn hóa" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bài và ảnh: ĐỨC NGHĨA

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/quang-tri-dat-thieng-khat-vong-hoa-binh-20230831193829988.htm