Quảng Trị giải ngân vốn đầu tư công thấp do đâu?
Giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Quảng Trị đạt tỷ lệ thấp so với trung bình chung của cả nước, trong đó có những nguồn vốn giải ngân dưới 10%.
Nhiều dự án mới chưa lựa chọn được nhà thầu
Ngày 19/7, tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Trị Trương Chí Trung cho biết, tính đến hết tháng 6/2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của tỉnh đạt 20,4%, đây là tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước, không đáp ứng được kỳ vọng của tỉnh.
Trong đó, đối với nguồn vốn cân đối tiêu chí, giải ngân đạt 23,9%; nguồn sử dụng đất đạt 11%, xổ số kiến thiết đạt 18%; nguồn vốn Trung ương trong nước đạt 23,5%, nguồn vốn Trung ương nước ngoài đạt 8%; chương trình mục tiêu quốc gia đạt 20,6% và chương trình phục hồi phát triển KT-XH đạt 1,4%.
Đáng chú ý, ngoài do thu ngân sách không đạt kế hoạch nên không có nguồn để thực hiện giải ngân, đặc biệt nguồn đấu giá quyền sử dụng đất ở cấp tỉnh qua 6 tháng chỉ thu được hơn 10 tỷ đồng (khoảng 2,6% kế hoạch).
Ông Trung cho biết, đối với nhóm khởi công mới năm nay Quảng Trị có 43 dự án với tổng kế hoạch vốn khoảng 470 tỷ đồng, những dự án này mất nhiều thời gian cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán cũng như phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và đấu thầu. Tính đến ngày 30/6 vẫn còn 19 dự án với tổng kế hoạch vốn khoảng 240 tỷ đồng chưa lựa chọn được nhà thầu.
Đặc biệt, trong nhóm dự án này, dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM) có kế hoạch vốn 124 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa ký Hiệp định được nên chưa thể giải ngân. Ngoài ra, nhóm dự án mới này có 10 tiểu dự án sử dụng nguồn của lĩnh vực y tế, phục hồi phát triển KT-XH đến tháng 3 Trung ương mới giao vốn, quá trình triển khai đến nay cũng chưa lựa chọn được nhà thầu.
Đối với các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, trong đầu năm nay các chủ đầu tư cũng đang tập trung giải ngân nguồn vốn của năm 2022 kéo dài sang năm 2023 (số lượng vốn kéo dài này khoảng 243 tỷ đồng). Đồng thời với đó, những dự án 3 chương trình mục tiêu thường là những dự án nhỏ và chủ đầu tư cũng có tâm lý để chờ hoàn thành dứt điểm công trình mới thực hiện giải ngân.
“Quá trình triển khai dự án chương trình mục tiêu quốc gia có một số nội dung đang còn vướng mắc liên quan đến các văn bản của Trung ương, như việc triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở, đất ở bằng nguồn vốn đầu tư công, hoặc việc triển khai thực hiện dự án 10 về hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin tại cộng đồng... cũng phải chờ hướng dẫn của Trung ương. Vì vậy, tỷ lệ giải ngân của 3 chương trình mục tiêu quốc gia cũng chưa cao”, giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết thêm.
Bên cạnh đó là các vướng mắc về GPMB, chủ yếu là người dân không đồng thuận với phương án đền bù GPMB; việc xác định nguồn gốc đất, chủng loại đất, việc quy chủ cũng còn những tranh chấp, hồ sơ thu hồi đất còn sai sót.
“Hiện nay, hầu hết những dự án giao thông quy mô lớn của tỉnh đều đang gặp vướng mắc về GPMB như: Dự án Phát triển đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) triển khai năm thứ 7 nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm các vấn đề GPMB; dự án Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Quảng Trị (BIIG2), dự án GPMB mở rộng cảng Cửa Việt cũng đều là những dự án triển khai 3-4 năm nhưng vẫn còn vướng mắc về GPMB...”, ông Trung cho hay.
Khan hiếm đất san lấp, nhà thầu trì hoãn thi công...
Ông Trung cũng cho rằng, vấn đề khan hiếm đất san lấp đã được chỉ ra trong các kỳ họp của năm 2022, tuy nhiên đến nay vấn đề này vẫn đang trong quá trình giải quyết. Tính đến ngày 30/5, toàn tỉnh vẫn chỉ có ba mỏ đang thực hiện khai thác với sản lượng khai thác khoảng 300.000m3.
Các mỏ nạo vét lòng hồ thì không ổn định và có thời gian khai thác ngắn, thường bắt đầu khai thác cuối tháng 6 và đến khoảng đầu tháng 9 không thể tiếp tục khai thác. Trong khi đó, các mỏ mới vẫn đang trong quá trình triển khai các thủ tục, cho nên vấn đề khan hiếm đất san lấp vẫn còn tác động đến tỷ lệ giải ngân.
Ông Trung cũng cho biết, một số nhà thầu đã trúng thầu với giá khá thấp và trong bối cảnh giá nhiên liệu, vật liệu tăng cao cũng như khan hiếm đất san lấp có xu hướng trì hoãn không thi công. Tuy nhiên, những nhà thầu này cho rằng GPMB chưa dứt điểm, nên một số chủ đầu tư dù rất muốn xử lý dứt điểm nhưng cũng đang còn khó khăn...
“Đối với các dự án ODA của tỉnh năm nay còn vận hành 8 dự án, hầu hết các dự án này đều đã đến cuối chu kỳ triển khai thực hiện thì phát sinh các nhu cầu về điều chỉnh cơ cấu vốn, điều chỉnh thời gian thực hiện hoặc gia hạn Hiệp định vay vốn. Những thủ tục này đòi hỏi sự đồng thuận của nhà tài trợ cũng như phải thực hiện các thủ tục tài chính tại các cơ quan Trung ương mất nhiều thời gian, đây cũng là lý do làm cho tỷ lệ giải ngân chung về đầu tư công bị thấp xuống”, giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Trị cho biết thêm.
Giải pháp nào?
Cũng tại kỳ họp, giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Trị đề xuất 8 giải pháp, trong đó đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tập trung giải quyết để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác GPMB.
Ông Trung cũng đề nghị trước mắt nên xây dựng quy trình về GPMB một cách thống nhất từ tỉnh đến cấp huyện rõ ràng với các bước về quy trình và thời gian thực hiện, đây cũng là cơ sở để các bên liên quan cùng phối hợp thực hiện công tác GPMB cũng như thực hiện giám sát, đánh giá công tác này.
Sớm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về khan hiếm đất san lấp, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các mỏ khai thác mới, đồng thời có giải pháp khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản để phục vụ cho các dự án đầu tư công.
Các chủ đầu tư nghiêm túc chỉ đạo các nhà thầu triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch tiến độ thi công, triển khai thi công một cách quyết liệt, tranh thủ thời tiết thuận lợi để thi công ngay khi có mặt bằng, nghiệm thu ngay khi có khối lượng và tiến hành thanh toán ngay sau khi được nghiệm thu. Đối với những nhà thầu trì hoãn thi công, không nỗ lực thực hiện thì kiên quyết xử lý đảm bảo theo quy định pháp luật...
Ông Trung cũng cho rằng, cần thực hiện tốt khâu quản lý chất lượng các hồ sơ tư vấn nhằm giảm bớt việc chỉnh sửa hồ sơ làm kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan; bố trí đủ nhân lực nhằm rút ngắn thời gian thẩm định, rà soát kỹ hồ sơ ngay từ đầu để tiết kiệm thời gian chỉnh sửa; cải cách rút ngắn thời gian kiểm soát chi...
Tiếp tục giám sát, theo dõi chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư để kịp thời tham mưu điều chuyển vốn từ các dự án kết quả giải ngân chậm, thấp sang các dự án giải ngân tốt. Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện giải ngân, đôn đốc quyết liệt và xử lý nghiêm những trường hợp cố tình chây ỳ trong thực hiện giải ngân cũng như gắn việc đánh giá hoàn thành nhiệm vụ với kết quả giải ngân.