Quảng Trị hiện thực hóa mục tiêu trở thành 'Trung tâm năng lượng miền Trung'

Biến những bất lợi thành lợi thế, những năm qua tỉnh Quảng Trị quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp năng lượng trở thành một trong những trụ cột kinh tế chính của tỉnh, phấn đấu đạt mục tiêu là 'Trung tâm năng lượng miền Trung' vào năm 2030. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị rất cần sự chung tay, góp sức của nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác…

 “Thủ phủ” điện gió vùng Tây Quảng Trị

“Thủ phủ” điện gió vùng Tây Quảng Trị

Tây Quảng Trị - “thủ phủ” của điện gió

Từ vùng núi khô cằn, chỉ trong thời gian ngắn, khu vực phía Tây tỉnh Quảng Trị đã trở thành “thủ phủ” điện gió nhờ phát huy tiềm năng đặc trưng vùng đất nắng gió quanh năm.

Theo nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính, từ phát hiện về tốc độ gió tại khu vực Khe Gió, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa đạt trung bình từ 6 - 8m/s, rất thích hợp để phát triển điện gió, một số nhà đầu tư đã đến Quảng Trị tìm hiểu tiềm năng đầu tư điện gió. Nhận thấy tiềm năng, triển vọng, lãnh đạo tỉnh đã tích cực nghiên cứu kinh nghiệm, quyết tâm thúc đẩy, quảng bá, đưa ra các dự án năng lượng tái tạo.

Và những nhà đầu tư tiên phong đó là Tân Hoàn Cầu Group với dự án Điện gió Hướng Linh 2 và Tổng Công ty Phát Điện 2 với dự án Điện gió Hướng Phùng đã đặt “nền móng niềm tin” vững chắc cho phát triển điện gió ở vùng Tây Quảng Trị. Những ngày đầu khi manh nha nhận ra tiềm năng của nắng và gió, lãnh đạo tỉnh đã liên tục cử các đoàn đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở các địa phương đi trước như Ninh Thuận, Bình Thuận và ra nước ngoài khảo sát.

Từ kết quả đi thực tế so sánh với tiềm năng của địa phương cùng tham khảo ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng về vận tốc gió và cường độ nắng, bức xạ nhiệt trên địa bàn cho thấy tỉnh có tiềm năng hiện hữu để phát triển điện gió, điện mặt trời.

Từ đó, trong những sự kiện xúc tiến, thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Trị đã dành sự ưu tiên trong quảng bá, kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án năng lượng. Với sự nỗ lực từ phía chính quyền tỉnh và những cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời, điện gió của Chính phủ, Quảng Trị đã bước đầu thu hút có hiệu quả các dự án năng lượng. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Trị có 19 dự án điện gió đi vào vận hành thương mại, với tổng công suất 671 MW.

Bên cạnh đó, còn 12 dự án đang thi công và nhiều dự án đang trình Bộ Công thương nghiên cứu, xem xét bổ sung vào quy hoạch. Sự phát triển của điện gió đã thay đổi đáng kể diện mạo khu vực phía Tây tỉnh Quảng Trị; góp phần tăng thu ngân sách (các dự án điện gió đóng góp vào ngân sách tỉnh 1.200 tỉ đồng năm 2021), tạo việc làm cho lao động địa phương, đầu tư hạ tầng giao thông (mở trên 80 km đường với tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỉ đồng), hỗ trợ người dân vùng dự án chuyển đổi nghề, tạo sinh kế, đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH của địa phương.

Tiềm năng về năng lượng tái tạo

Theo dự báo, tỉnh Quảng Trị có công suất tiềm năng về năng lượng hơn 14.000 MW. Trong đó, tiềm năng lớn nhất, hiện hữu nhất là công nghiệp năng lượng tái tạo điện gió khoảng 4.000 MW, điện mặt trời khoảng 1.750 MW và điện khí 6.430 MW (là năng lượng hóa thạch nhưng phát thải carbon chỉ chưa bằng 1/2 so với điện than); năng lượng còn lại là thủy điện, điện than, điện sinh khối…

Ngoài các dự án năng lượng đã đi vào vận hành thương mại, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn 27 dự án điện gió đã được Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất 1.067,2 MW. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tiếp tục trình trung ương xem xét bổ sung thêm hơn 54 dự án điện gió; 19 dự án điện mặt trời vào quy hoạch điện VIII.

Đồng thời, khởi động nhiều dự án “siêu năng lượng” về nhiệt điện, điện khí ở vùng phía Đông của tỉnh. Với mục tiêu trở thành “Trung tâm năng lượng miền Trung”, tỉnh Quảng Trị phấn đấu đến năm 2030 đạt từ 8.000 -10.000 MW, quyết tâm này được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII; Chương trình hành động số 15-CT/TU ngày 27/4/2021 của Tỉnh ủy Quảng Trị thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/ TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhấn mạnh, phát triển công nghiệp năng lượng là một trong những trụ cột quan trọng để tỉnh Quảng Trị thúc đẩy phát triển KT - XH cũng như khẳng định vị trí, vai trò của địa phương trong liên kết vùng.

Để thực hiện được mục tiêu này, trong thời gian chờ Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII làm căn cứ pháp lý để các nhà đầu tư đầu tư các dự án, tỉnh tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp năng lượng bài bản trên nguyên tắc phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế.

Các dự án năng lượng được thực hiện trên cơ sở không được xâm phạm rừng tự nhiên, rừng phòng hộ. Ngoài những chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư chung từ phía trung ương, tỉnh Quảng Trị tiếp tục có những cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư trên tinh thần cầu thị, đồng hành với nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc tiếp cận, khảo sát và thực hiện các dự án đầu tư năng lượng trên địa bàn.

BTV

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=170202&title=quang-tri-hien-thuc-hoa-muc-tieu-tro-thanh-%E2%80%9Ctrung-tam-nang-luong-mien-trung%E2%80%9D