Quảng Trị ơi một tiếng lòng
Sáng 5-5, tại thị trấn Chư Sê, tỉnh Gia Lai tươi đẹp, những người con của Quảng Trị đang học tập, sinh sống và công tác trên địa bàn huyện Chư Sê, Chư Pưh tỉnh Gia Lai đã có buổi gặp mặt chân tình, gần gũi, nhân kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2024). Đây là hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm gắn kết những người con Quảng Trị xa quê hương, đồng thời ghi nhận, động viên, khích lệ bà con với những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua.
“…Quảng Trị ơi quê mẹ của tôi ơi/Chẳng thể nào quên tiếng mẹ ru hời/Từ Khe Sanh ta đi về Cửa Việt/Từ Ô Lô ta ra bến Nhị Hồ/ Qua Quảng Trị đến Đông Hà/ Đẹp biết mấy mảnh đất quê nhà/ Truyền thống ấy góp sức ta cùng vun đắp/ Cho nảy mầm vùng đất đỏ quê hương/ Vùng đất màu và vùng lúa vàng/ Quảng Trị mình cất cánh vút bay…” (Trần Hoàn).
Xa quê hương ai mà không nhung nhớ, ngày tháng trôi qua ai ai cũng mang theo mình những kỷ niệm, những hình ảnh và nỗi nhớ về nơi chôn nhau, cắt rốn quê hương mình. Họp mặt đồng hương Quảng Trị đã trở thành một nét đẹp văn hóa, bởi ai cũng hướng về quê hương với những tình cảm trân quý nhất, để rồi triệu triệu trái tim như vỡ òa trong niềm vui đoàn tụ, gặp mặt tràn ngập khắp nơi.
Nhớ về quê hương, nhà thơ Huỳnh Phong Hải đã trải lòng: Ai quê Ba Lòng ta đó/ ai quê Đông Hà, Cửa Việt/ Có về xem xác tàu giặc chìm dưới dòng sông xanh/ Ai về Gio Linh, Cam Lộ, hỏi dứa thơm còn ngọt đất quê mình/ Ai về Hải Lăng, hỏi ruộng dâu vẫn mướt/ Ai xem cờ trên nóc buồm xuôi ngược/ Có ghé qua Thạch Hãn và nhớ ghé qua Bồ Điền…
Xa Quảng Trị rồi đến vùng đất thủ phủ của hồ tiêu, cao su, sầu riêng nam Gia Lai để lập nghiệp. Mỗi người một nghề, một công việc riêng, người già, lớn - bé, đủ mọi lứa tuổi. Nhiều gia đình cả 3 thế hệ, con gái, con trai, con dâu, con rể cùng đến gặp mặt đồng hương. Trong không khí rộn ràng, nét văn hóa quê hương, nhất là “giọng nói: chi mô răng rứa…” không pha tạp vào đâu được, tay bắt mặt mừng đón chào nhau, niềm vui vỡ òa sau một năm làm ăn vất vả, xuôi ngược mưu sinh. Không gian gặp mặt mỗi lúc một đông, nụ cười và ánh mắt mừng rỡ trên từng khuôn mặt.
Thay mặt BCH Hội đồng hương Quảng Trị nam Gia Lai, anh Nguyễn Ngọc Thức – Hội trưởng đã báo cáo với bà con một số chi tiết, kết quả thực hiện các nhiệm vụ, tình hình đổi thay trên quê hương, rồi cùng bà con ôn lại những kỷ niệm, những nổi nhớ, những tình cảm sâu nặng về gia đình, bạn bè, quê hương…nhất là kỷ niệm vấn vương của thời “ áo trắng sân trường” , … “Góc phượng vĩ ai ngồi giấu mặt/ Nước mắt rơi theo tuổi học trò/ Trang giấy trắng viết rồi sao lại xóa/ Áo trắng sân trường giữ mãi kỷ niệm xa…(Lê Quang Hồi).
Trong thời gian qua, Ban liên lạc Hội đã thực hiện và duy trì các hoạt động với nội dung và hình thức phong phú. Đặc biệt, các hội viên đã phát huy sự nhiệt huyết, trách nhiệm, đóp góp cho sự phát triển của Gia Lai nói chung và của Quảng Trị nói riêng. Luôn hướng về quê hương, đoàn kết nhằm thắt chặt tình cảm, cùng động viên cổ vũ nhau làm ăn, phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái thành đạt cùng nhiều hoạt động, như: thăm hỏi đồng hương đau ốm, bệnh tật, tang ma, cưới hỏi, tặng quà cho các cháu học sinh giỏi, đạt các giải trong các hội thi.
Trong niềm vui gặp mặt, anh Lê Thiện An chia sẻ: “Tôi đã gần 60 tuổi, nhưng vẫn gắn bó với Hội đồng hương. Xa quê nên ai cũng khao khát có được dịp gặp mặt những người con quê hương. Đây là dịp để mọi người cùng nhau hướng về bà con, hướng về quê hương, tri ân tiền nhân và cầu mong cho nhau những gì tốt đẹp nhất. Chăm lo cho anh chị em cùng quê nhà là nhiệm vụ thường xuyên của hội. Dành cho nhau tình cảm thân tình, chia sẻ, trân quý. Điều đó đã tạo nên những điều tốt đẹp, đáng được trân quý, đáng được tri ân. Vì đó là tấm lòng, lá rách ít đùm lá rách nhiều, là nét đẹp của cuộc sống, của cuộc đời, hướng chúng ta đến những điều thiện, để mầm thiện tiếp tục sinh sôi, nảy nở”.
Với mục đích tăng cường tổ chức, kết nối, xây dựng hội đồng hương vững mạnh, trở thành “mái nhà chung” của con em quê hương Quảng Trị. Chị Nguyễn Thị Thu Hồng ở Chư Sê bộc bạch: Không có niềm vui nào lớn hơn khi những người con xa quê gặp lại nhau. Văn hóa làng quê, tiếng nói quê hương mộc mạc mà chân thành như mời gọi mọi người xích lại gần nhau hơn. Thông qua những buỗi họp mặt và tiếp xúc với anh chị em đồng hương đã giúp tôi hiểu hơn về tình yêu của những người con đối với quê hương. Do điều kiện và hoàn cảnh mà mỗi người đành phải xa làng quê để đến nơi khác sinh sống, làm việc và học tập nhưng tất cả họ đều hướng về quê hương với tình cảm sâu sắc và nỗi nhớ da diết nhất.
Trong cuộc sống, nhất là khi đi xa, đồng hương nhiều khi trở thành những người thân sẻ chia vui buồn, vất vả, đỡ đần khi khó khăn, hoạn nạn, qua đó mới thấy hết tình nghĩa quê hương luôn chảy trong mỗi con người, bởi “Quê hương mỗi người chỉ một/Như là chỉ một mẹ thôi/Quê hương nếu ai không nhớ/Sẽ không lớn nổi thành người”.
Buổi họp mặt Hội Đồng hương Quảng Trị trên vùng đất nam Gia Lai chỉ diễn ra trong vài giờ đồng hồ, nhưng nó đã để lại cho mỗi người con xa quê nhiều cảm xúc xen lẫn với niềm xúc động khi được gặp gỡ, chuyện trò với những người xa quê nhưng được sinh ra trên những làng quê Quảng Trị. Và chúng tôi cảm nhận, mọi người đến đây, dù già hay trẻ, dù là một doanh nhân hay công chức…thì họ đều có một điểm chung đó là luôn hướng về làng quê Quảng Trị, gữi gắm niềm tin, tình cảm sâu nặng nhất về nơi chôn nhau, cắt rốn của mình.
Gia Lai lại mưa, những cơn "mưa vàng" đầu mùa đã làm dịu mát lòng người xa xứ, cây trái trong vườn xanh tươi, hy vọng một mùa bội thu hồ tiêu, cà phê, sầu riêng...Đúng như ông cha ta từng nói " đất lành chim đậu".
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/quang-tri-oi-mot-tieng-long-a24653.html