Quảng Trị phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung
Chủ trương phát triển công nghiệp năng lượng của tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả trên thực tế khi hạ tầng điện năng đang dần được định hình để phát triển thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Đây là lời giải cho bài toán khó 'biến khó khăn, thách thức thành lợi thế' để phát triển.
Đạt quy mô 10.000MW sau năm 2030
Đối với thủy điện, toàn tỉnh hiện có 15 dự án được quy hoạch và bổ sung quy hoạch với tổng công suất 250,5MW. Trong đó, 10 dự án với tổng công suất 167,5 MW đã đưa vào vận hành; các dự án còn lại với tổng công suất 83MW đang được triển khai đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2020 - 2024.
Điện gió có 85 dự án được đề xuất với tổng quy mô công suất khoảng 4.000MW, trong đó có 31 dự án được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 1.177MW, 54 dự án còn lại với tổng công suất khoảng 2.800 MW đã trình Bộ Công thương xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch. Trong 31 dự án điện gió được phê duyệt quy hoạch, đã có 2 dự án công suất 60MW đi vào hoạt động; 15 dự án với công suất 548 MW được UBND tỉnh Quảng Trị cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư, dự kiến hoàn thành trước tháng 11 năm 2021; 14 dự án với tổng công suất 569MW đang thực hiện thủ tục để cấp chủ trương đầu tư.
Điện mặt trời hiện có 3 dự án với tổng công suất 149,5MWp, trong đó 1 dự án (LIG - Quảng Trị) công suất 49,5MW đã hoàn thành, phát điện thương mại; 2 dự án (Gio Thành 1 và Gio Thành 2 công suất 100MWp) đang thi công và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020. Bên cạnh đó, có 14 dự án điện mặt trời đã trình Bộ Công thương xem xét bổ sung quy hoạch với tổng công suất 1.293,02MWp, 5 dự án đang triển khai khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với quy mô công suất khoảng 310,10MWp. Như vậy, khả năng phát triển điện mặt trời theo đề xuất đến thời điểm hiện tại là 22 dự án với tổng công suất khoảng 1.750MWp.
Đối với điện than và điện khí, tại địa điểm quy hoạch trung tâm điện lực Quảng Trị là Khu Kinh tế Đông Nam có 2 dự án nhiệt điện than với tổng công suất 2.400MW; 3 dự án nhiệt điện khí với tổng công suất 6.340MW, trong đó có 1 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch vào điện lực quốc gia và chỉ định nhà đầu tư, 2 dự án đang khảo sát, bổ sung quy hoạch.
Như vậy, với hiện trạng quy hoạch, tiến độ triển khai, dự kiến nguồn điện sản xuất trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 khoảng 6.500MW, sau năm 2025 là 8.000MW và sau năm 2030 có khoảng trên 10.000MW.
Hoàn thiện hạ tầng truyền tải điện
Giám đốc Sở Công thương Lê Quang Vĩnh chia sẻ: Với mục tiêu đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung, tạo bước đột phá quan trọng trong phát triển công nghiệp của tỉnh, hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối đang được đầu tư để đón đầu. Theo hướng Bắc - Nam, lưới điện truyền tải quốc gia đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có đường dây 500kV (mạch kép), đường dây 220kV (mạch đơn) và đường dây 110kV (mạch kép), với tổng chiều dài khoảng 79 km. Bên cạnh đó, đường dây 500kV (mạch 3) và đường dây 220kV (mạch 2) đang được Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành trong năm 2020. Các tuyến đường dây này sẽ giải tỏa công suất của các dự án nhà máy nhiệt điện than, điện khí tại Khu kinh tế Đông Nam và điện mặt trời khu vực ven biển.
Theo hướng Đông - Tây, Quảng Trị hiện có đường dây 110kV Đông Hà - Lao Bảo (mạch kép) dài khoảng 65 km, đã dùng hết công suất truyền tải khoảng 130MW. Hiện nay, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đang triển khai đầu tư nâng cấp thêm 1 đường dây 110kV song song cùng tuyến cũ (phân pha), theo kế hoạch sẽ giải tỏa thêm được khoảng 100MW cho các dự án chuẩn bị phát điện dự kiến hoàn thành vào quý III/2020. Bên cạnh đó, dự án đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo dài 52 km và trạm 220 kV (bao gồm 2 máy biến áp 250 KVA), đã được EVN khởi công vào cuối tháng 12/2019, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020. Hai tuyến đường dây này (110 và 220KV) hoàn thành sẽ giải tỏa khoảng 1.200 MW công suất các dự án thủy điện và điện gió khu vực miền Tây Quảng Trị giai đoạn đến năm 2021.
Phát triển công nghiệp năng lượng là hướng đi đúng đắn được Quảng Trị lựa chọn, phù hợp với Nghị quyết 55-NQTW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó chú trọng khuyến khích, thu hút kinh tế tư nhân đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là đầu tư hạ tầng đấu nối các dự án năng lượng trên địa bàn. Từ đó, hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng, địa phương có lợi thế, như điện gió, thủy điện phía Tây, điện khí, than tại Khu Kinh tế Đông Nam, điện mặt trời ven biển phía Đông tỉnh, sớm đưa Quảng Trị phát triển vững mạnh.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=152345