Quảng Trị sẵn sàng các phương án ứng phó với bão số 5

(QTO) - Sáng nay 17/9/2020, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Tiến cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về công tác chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó với bão số 5. Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

 Đoàn công tác Tổng cục Phòng chống thiên tai làm việc với UBND tỉnh - Ảnh: T.T

Đoàn công tác Tổng cục Phòng chống thiên tai làm việc với UBND tỉnh - Ảnh: T.T

Thực hiện Công điện số 1258/CĐ-TTg ngày 16/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó với cơn bão số 5, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công điện khẩn chỉ đạo quyết liệt công tác ứng phó với bão số 5 và mưa lũ. Trong đó, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 8h sáng 17/9/2020, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú ẩn an toàn, chỉ đạo việc hoàn thành sắp xếp tàu thuyền vào các khu neo đậu tránh trú an toàn trên địa bàn tỉnh trước 18h ngày 17/9/2020. Triển khai công tác sơ tán dân tránh bão hoàn thành trước 20h ngày 17/9/2020 với tổng số lượng người dự kiến di dời là 94.089 người, thuộc 125 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Các trường học cho học sinh nghỉ học từ ngày 18/9/2020 đến khi kết thúc tình thế thời tiết nguy hiểm, tạm hoãn các cuộc họp không cần thiết từ chiều 17/9/2020. Tỉnh cũng chỉ đạo triển khai việc gia cố chằng chống nhà cửa, trụ sở, kho tàng, hệ thống điện, thông tin liên lạc…thực hiện xong trước ngày 17/9/2020.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đã có 2.312 tàu thuyền của tỉnh với 7.163 lao động nhận thông tin về diễn biến của bão, có thông tin liên lạc thường xuyên. Hiện có 93 tàu thuyền của tỉnh với 874 lao động đang hoạt động trên vùng biển xung quanh đảo Cồn Cỏ và đang trên hành trình vào bờ, có 2.219 tàu thuyền của tỉnh đang neo đậu tại các bến nội tỉnh và ngoại tỉnh. Tỉnh cũng đã kêu gọi 14 tàu thuyền ngoại tỉnh vào neo đậu tránh trú trên địa bàn.

Tính đến ngày 17/9/2020, toàn tỉnh đã thu hoạch được 21.658 ha lúa hè thu. Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch gần 1.000 ha lúa còn lại và diện tích hoa màu nhằm hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra. Các công trình hồ, đập chứa nước trên địa bàn tỉnh đã được kiểm tra, rà soát hiện trạng, sẵn sàng đón lũ.

Phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, vật tư thiết yếu, lực lượng, phương tiện phục vụ phòng chống bão số 5 đã sẵn sàng. Các địa phương cũng vận động người dân chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo khi có sự cố thiên tai xảy ra. Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị xây dựng phương án ứng phó thiên tai với các tình huống dịch bệnh; tổ chức dự trữ đầy đủ thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý môi trường, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cấp cứu.

Tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến đánh giá cao công tác chủ động bám sát thực tế, triển khai các phương án ứng phó với bão số 5 của tỉnh. Bão số 5 là cơn bão lớn và đầu tiên đổ bộ trực tiếp vào đất liền nước ta trong năm 2020, ngay sau đợt nắng nóng, hạn hán nên dự báo bão có thể kèm theo nhiều nguy cơ gây giông lốc, gió mạnh, mưa lớn. Vì vậy đề nghị tỉnh cần tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm như tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào bờ, bố trí sắp xếp đảm bảo an toàn trong khu vực neo đậu. Sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện đi ứng cứu, hỗ trợ sơ tán dân, triển khai lực lượng chốt chặn đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm sơ tán. Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân để chủ động ứng phó với bão số 5.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, đồng thời yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh về sẵn sàng các phương án ứng phó với bão số 5.

Ngay sau cuộc họp, UBND tỉnh thành lập 4 đoàn công tác về trực tiếp các địa bàn xung yếu để kiểm tra, chỉ huy, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 5 và mưa lũ.

Trước đó, Đoàn công tác Tổng cục Phòng chống thiên tai đã đi kiểm tra thực tế một số điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao trên sông Hiếu, khu neo đậu tàu thuyền ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=151639