Quảng Trị sau khi sáp nhập sẽ cắt giảm được 19 xã và gần 400 thôn, khu phố.
Theo kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, khu phố của tỉnh Quảng Trị, các đơn vị hành chính cấp xã được thực hiện sắp xếp từ quý IV-2019 và hoàn thành chậm nhất vào quý I-2020.
Xã Hải Hòa không đủ 2 tiêu chí, dự kiến sẽ sáp nhập với xã Hải Tân, (huyện Hải Lăng) (Ảnh: Cái Phúc Lân).
Quảng Trị hiện có 141 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 117 xã, 13 phường, 11 thị trấn); 858 thôn, 224 khu phố. Theo đề án của UBND tỉnh Quảng Trị thực hiện sáp nhập 23 xã, thị trấn; trong đó 21 xã, thị trấn không đạt 50% về hai tiêu chí diện tích và dân số, 1 xã có dân số dưới 1.000 người, 1 xã có diện tích dưới 3 km2.
Ðó là các đơn vị: Thị trấn Hải Lăng, các xã Hải Thọ, Hải Thành, Hải Thiện, Hải Khê, Hải Hòa, Hải Tân (huyện Hải Lăng), các xã Triệu Vân, Triệu Thành (huyện Triệu Phong), xã Cam Thanh (huyện Cam Lộ), xã Hải Phúc (huyện Ða Krông), xã Xy và xã A Xing (huyện Hướng Hóa), các xã Gio Hòa, Gio Sơn, Vĩnh Trường, Gio Bình và Gio Thành (huyện Gio Linh), các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Trung, Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch, Vĩnh Nam, Vĩnh Hiền, Vĩnh Tân, Vĩnh Khê (huyện Vĩnh Linh).
Sau khi sáp nhập, sẽ giảm được 19 đơn vị cấp xã, số đơn vị hành chính cấp xã còn lại 122 đơn vị. Tỉnh cũng xem xét sáp nhập 730 thôn, khu phố có quy mô số hộ dưới 50% theo quy định.
Như vậy, sau khi sáp nhập sẽ giảm từ 300 - 400 thôn, khu phố; số thôn, khu phố còn lại là 600 - 750. Tỉnh Quảng Trị phấn đấu đến năm 2030 có 100% đơn vị hành chính cấp xã, thôn, khu phố đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Nghiên cứu thành lập một phường mới thuộc TP. Ðông Hà trên cơ sở tách một phần diện tích, dân số của các phường: Ðông Lễ, Ðông Lương và Phường 5.
Sau khi thành lập thêm phường mới, TP Ðông Hà có 10 phường, đạt tiêu chuẩn số đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố.
Thôn Trầm Sơn dự kiến sẽ sáp nhập với thôn Tân Điền, Khe Mương, thôn Tân Lý (xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng) (Ảnh: Cái Văn Long).
Việc sắp xếp, tổ chức lại quy mô đơn vị hành chính cấp xã và thôn, bản, khu phố làm cho tổ chức bộ máy tinh gọn hơn, sẽ giảm được số lượng cán bộ, công chức cấp xã là 378 người; giảm số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khoảng 432 người và ở thôn, khu phố khoảng 950 người. Từ đó giảm ngân sách chi trả lương, phụ cấp cho đội ngũ này; tiết kiệm được nguồn kinh phí cho đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, việc sắp xếp các đơn vị không đơn giản, liên quan các mặt của đời sống xã hội, đến quá trình lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán ở địa phương...
Vì vậy, để thực hiện thành công, tỉnh yêu cầu sự phối hợp đồng bộ, quyết tâm và trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là vai trò người đứng đầu. Công tác tuyên truyền, vận động cần được đẩy mạnh để tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân. Các nội dung phải được giải quyết một cách khách quan, công tâm, dựa trên luận cứ khoa học để mang lại kết quả như mong muốn.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng, ở cấp xã, cấp thôn, giao cho Huyện ủy, HĐND, UBMTTQ Việt Nam huyện tính toán lộ trình thực hiện sáp nhập các xã thiếu hai tiêu chí.
Đối với các thôn tách ra từ làng trước đây và thôn tách ra từ thôn cũ tiến hành sáp nhập trước; tiếp đến sáp nhập các thôn không đủ về số hộ theo tiêu chuẩn quy định.
Các thôn ở vùng miền núi thực hiện sáp nhập linh hoạt, không máy móc theo các tiêu chí; tính toán cân nhắc kỹ sáp nhập các thôn ở vùng biên giới, không gây xáo trộn làm ảnh hưởng đến an ninh biên giới.
Đồng thời, thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh nhằm giảm ít nhất 10% những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn; cần có phương án sắp xếp cán bộ dôi dư một cách hợp lý, có khoa học.