Quảng Trị sẽ hoàn thành di dời dân trước 15 giờ ngày 14/11
Ngày 13/11, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã ký ban hành Công điện khẩn về ứng phó với bão số 13 và mưa lũ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng thông báo kịp thời đến chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, hướng dẫn kêu gọi các tàu, thuyền về nơi tránh trú an toàn; kiểm tra, hướng dẫn việc chằng, neo tại các khu neo đậu, nhất là khu neo đậu quanh đảo Cồn Cỏ; thực hiện cấm biển từ 14 giờ ngày 13/11.
Các địa phương, đơn vị khẩn trương kiểm tra, rà soát sơ tán dân để tránh bão; đồng thời di dời dân ở vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ven sông suối, ven biển, vùng thấp trũng đến nơi an toàn; việc di dời phải hoàn thành trước 15 giờ ngày 14/11; khẩn trương thực hiện phương án bảo đảm an toàn cho các công trình, nhà cửa; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu. Các đơn vị quản lý hồ chứa thực hiện nghiêm quy trình vận hành đảm bảo an toàn công trình.
Lực lượng chức năng tuyên truyền, khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà từ 18 giờ ngày 14/11 cho đến khi có thông báo mới; cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước không được ra đường khi có gió lớn, trừ lực lượng làm công tác cứu hộ cứu nạn và trường hợp đặc biệt.
Cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị đã lên các phương án di dời dân để tránh bão số 13, ngập lụt và sạt lở đất. Cụ thể, trong trường hợp bão không trực tiếp đổ bộ, sẽ di dời 6.355 hộ với gần 18.000 người đến khu vực an toàn; trường hợp bão đổ bộ trực tiếp sẽ di dời gần 25.000 hộ với trên 94.000 người dân. Nếu có lũ vừa và lớn sẽ di dời hơn 8.500 hộ với gần 26.000 người; nếu có lũ đặc biệt lớn di dời hơn 15.000 hộ với gần 50.000 người ở 99/124 xã, phường, thị trấn đến nơi an toàn.
Tỉnh cũng dự kiến di dời hơn 1.900 hộ với gần 7.800 người ở vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống tập trung ở hai huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa và các xã miền núi của các huyện: Gio Linh, Vĩnh Linh.