Quảng Trị: Trụ sở tiền tỷ bỏ mặc nắng mưa
Hàng loạt trụ sở công cũ hoặc vẫn đang còn công năng sử dụng nhưng bị bỏ hoang phế, không chỉ gây mất mĩ quan đô thị và còn gây lãng phí cũng như bất bình trong dư luận.
Mất mĩ quan đô thị
Chỉ trong vòng bán kính chưa đầy 1 km2, nhưng ngay trung tâm huyện Vĩnh Linh là hàng loạt trụ sở bỏ hoang hoặc xuống cấp nghiêm trọng kéo dài qua nhiều năm vẫn gây bức xúc. Đa phần các trụ sở này đều nằm ở các mảnh "đất vàng".
Nhà văn hóa thiếu nhi huyện Vĩnh Linh (thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh) nằm ngay sau lưng UBND huyện – nơi từng diễn ra các sự kiện văn hóa, văn nghệ lớn của huyện đã bỏ hoang nhiều năm nay khi xuống cấp nghiêm trọng.
Được xây dựng từ hàng chục năm trước và dần xuống cấp, đến nay các hạng mục đã hư hỏng và tạm dừng sử dụng nhiều năm nay. Toàn bộ khuôn viên cỏ dại mọc đầy, nhiều mảng tường, mái bê-tông đổ xuống bên dưới.
Địa phương đã có bảng thông báo cấm người dân vào khu vực này, tuy nhiên toàn bộ hàng rào cũng như cổng ra vào không hề có khóa. Một số người dân vẫn chủ quan vào khuôn viên chơi thể thao hoặc bày bán cây cảnh. Với tình trạng trên, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi những bức tường, mái hiên có thể đổ sập xuống bên dưới bất cứ lúc nào.
Cách đó chỉ vài trăm mét là các trụ sở khác cũng bỏ hoang, cỏ dại và rêu xanh mọc um tùm. Trong đó, trụ sở cũ của Chi cục Thuế huyện Vĩnh Linh, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cùng trụ sở Công an huyện nằm ngay các trục đường chính của huyện này và ngay mặt tiền đường Quốc lộ 1A.
Không chỉ ở trung tâm mà ở các xã của huyện Vĩnh Linh cũng có có hàng loạt trụ sở khác bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng. Tại thị trấn Bến Quan (huyện Vĩnh Linh), nằm ngay mặt tiền đường Hồ Chí Minh, trụ sở Xí nghiệp cấp nước Bến Quan bỏ hoang nhiều năm nay.
Sân trụ sở đầy rác và cỏ dại, trong khi đó hàng loạt phòng làm việc buộc dây thép hoặc khóa kín cửa. Lâu ngày không hoạt động, rễ cây mọc đầy vào các phòng làm việc. Dù bỏ hoang, nhưng hệ thống điện nơi đây vẫn hoạt động.
Nằm trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn huyện Gio Linh cũng là hàng loạt trụ sở cũ bỏ hoang. Một phần trụ sở Công an huyện, nhà khách UBND huyện, Phòng Nội vụ - LĐTB&XH huyện, TAND huyện và trụ sở Công an thị trấn cũ (trụ sở kho bạc cũ)… toàn bộ đều hoang hóa, hư hỏng xuống cấp, không một ai trông coi kéo dài nhiều năm qua.
Ông Võ Đắc Hóa – Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết: Năm nào địa phương cũng có kế hoạch, báo cáo thống kê về các trụ sở công, đất công để có phương án quản lý. Hiện 2 trụ sở liền kề là nhà khách UBND huyện và Phòng Nội vụ - LĐTB&XH huyện đang có phương án để bố trí cho các hộ tái định cư do ảnh hưởng dự án hầm chui đường sắt trên địa bàn.
“Một số trụ sở cũ ngành dọc ở địa phương cũng sẽ giao địa phương quản lý nhưng do vướng mắc các thủ tục liên quan nên kéo dài” - ông Hóa cho hay.
Lãng phí đầu tư
Không chỉ các trụ sở cũ mà tình trạng các trụ sở vẫn còn công năng sử dụng nhưng vẫn bỏ không hoặc chưa được đưa vào sử dụng, trong khi đó địa phương không có kinh phí để bảo trì, sửa chữa, bảo vệ dẫn đến tình trạng trụ sở xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí.
Tại thị trấn Bến Quan, trụ sở trường THCS và THPT Bến Quan cũ với phương án sửa chữa, đầu tư xây dựng bổ sung các hạng mục nhằm xây dựng trường mầm non Bến Quan, thay cho trụ sở cũ nhưng vẫn kéo dài thời gian. Điều đó khiến địa phương cũng như người dân bức xúc.
Bởi lẽ, nhu cầu ra ngôi trường mới (đang được chỉnh trang, xây dựng thêm các hạng mục) cấp bách khi trường cũ đã không đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học. Thế nhưng, việc sửa chữa, bàn giao vẫn kéo dài, trong khi đó các phòng học, phòng công năng xuống cấp dần khi không sử dụng. Thậm chí, các gói thầu sửa chữa, xây dựng mới sau này đã hoàn thiện nhưng vẫn chưa được đưa vào sử dụng.
Cách đó không xa, dãy nhà điểm trường tiểu học Rào Trường (xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh) được đầu tư, xây dựng mới hoàn toàn với 1,6 tỷ đồng cũng hoang phế, vắng bóng học sinh. Với 3 phòng học, nhà vệ sinh được xây mới cùng nhiều thiết bị phục vụ việc dạy học nhưng điểm trường này chưa bao giờ có học sinh.
Khánh thành từ năm 2017 nhưng 6 năm qua, ngôi trường vẫn bỏ hoang, đến giờ này, nhiều hạng mục như hệ thống chiếu sáng, cửa kính đã bị hư hỏng, xuống cấp. Gần đó, dãy nhà ở cùng trụ sở của Ban quản lý dự án làng thanh niên lập nghiệp cũng đã hoang phế nhiều năm qua. Toàn bộ gần như đã xuống cấp, hư hỏng. Cây dại và cỏ hoang chen lấn um tùm.
Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Linh, tổng số cơ sở nhà, đất địa phương này đang quản lý là 376 cơ sở. Trong đó, khối các cơ quan hành chính, Đảng, đoàn thể là 245 cơ sở và khối đơn vị sự nghiệp 131 cơ sở. Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị, trường học chưa chú trọng đến công tác quản lý cơ sở nhà, đất trên sổ sách kế toán, các cơ sở nhà đất của đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp đa số xây dựng trụ sở từ 25-30 năm.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Thái Văn Thành cho biết, để tăng cường công tác quản lý tài sản công nhất là các cơ sở nhà, đất tránh tình trạng sử dụng không đúng mục đích gây thất thoát lãng phí, UBND huyện đã trình Đề án xử lý cơ sở nhà, đất theo hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện. Nguồn kinh phí thu được sẽ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình trọng điểm trên địa bàn.
Sở Tài chính tỉnh Quảng Trị cho biết: Đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt phương án xử lý 1.867 cơ sở nhà, đất thuộc quản lý của các huyện, thị xã, thành phố trên khoảng 2.300 cơ sở nhà, đất toàn tỉnh. Trong đó, đối với các cơ sở nhà, đất thuộc cấp tỉnh: chưa được xem xét, phê duyệt.
Riêng đối với 63 các cơ sở nhà, đất thuộc quản lý của các huyện, thị xã, thành phố đề xuất xử lý theo hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đang được UBND tỉnh xem xét, quyết định theo phương án riêng.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quang-tri-tru-so-tien-ty-bo-mac-nang-mua.html