Quảng Trị từ chối tiếp nhận phim trường 'Mưa đỏ'

Thị xã Quảng Trị vừa có văn bản đề nghị từ chối tiếp nhận phim trường 'Mưa đỏ' vì khu vực này thường lũ lụt, phim trường không còn nguyên vẹn.

Ngày 25/2, UBND thị xã Quảng Trị có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị trả lời về đề xuất tặng phim trường Mưa đỏ của Điện ảnh Quân đội nhân dân.

 Phim trường "Mưa đỏ" được đầu tư công phu, hoành tráng. Ảnh: ĐPCC

Phim trường "Mưa đỏ" được đầu tư công phu, hoành tráng. Ảnh: ĐPCC

Văn bản của thị xã Quảng Trị cho hay, đất xây dựng phim trường là đất sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình ở hai xã phường trên.

Mặt khác, phim trường Mưa đỏ được xây dựng cạnh bờ sông Thạch Hãn, đây là vùng trũng thấp, thường xuyên bị ảnh hưởng khi đến mùa mưa lũ. Khi mùa mưa lũ đến, nguy cơ phim trường sẽ bị cuốn trôi về sông Thạch Hãn, làm ảnh hưởng đến dòng chảy.

Phim trường được xây dựng, kết cấu không đảm bảo an toàn, sau khi quay xong, phim trường không còn nguyên vẹn, không thể cải tạo, bảo tồn và phát triển thành một điểm đến tham quan, du lịch.

Do đó, thị xã Quảng Trị báo cáo UBND tỉnh Quảng Trị không tiếp nhận và đề nghị Điện ảnh Quân đội nhân dân thu gom phế liệu, vật dụng, hoàn trả mặt bằng cho các hộ gia đình tiếp tục sản xuất nông nghiệp trước ngày 15/3.

Trước đó, ngày 16/1, Điện ảnh Quân đội đề xuất tỉnh Quảng Trị tiếp nhận phim trường Mưa đỏ bên sông Thạch Hãn.

Theo văn bản đề nghị, phim trường 50 ha có thể tận dụng thành điểm du lịch trải nghiệm, giáo dục lịch sử, tạo ra nguồn thu, việc làm… cho địa phương.

Được biết kịch bản phim truyện điện ảnh Mưa đỏ được viết bởi nhà văn Chu Lai. Đây là dự án có quy mô lớn nhất của Điện ảnh Quân đội nhân dân trong 10 năm trở lại đây. Phim vừa đóng máy giữa tháng 1.

Quá trình làm phim huy động sự tham gia, phối hợp của các quân binh chủng trong quân đội, sử dụng khối lượng lớn vũ khí, đạo cụ.

Mưa đỏ có nhiều cảnh chiến tranh, đòi hỏi đảm bảo hiệp đồng tốt giữa các bộ phận. Bối cảnh phần lớn được thực hiện tại tỉnh Quảng Trị. Một số điểm quay khác được bố trí ở Huế, Hà Nội.

Phim phản ánh cuộc chiến đấu kiên cường của quân dân ta trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, cùng cuộc đấu trí trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, đồng thời ca ngợi khát vọng hòa bình, vừa chuyển tải thông điệp về tình đồng đội, tình yêu đôi lứa.

Hoàng Minh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quang-tri-tu-choi-tiep-nhan-phim-truong-mua-do-post336063.html