Quảng Trị và Quảng Bình tiếp tục đối diện lũ đặc biệt lớn

Đêm nay và ngày mai, trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị mực nước sẽ lên vượt mức báo động 3, lũ đặc biệt lớn sẽ xuất hiện, không ngoại trừ các sông tiếp tục lên vượt mức lịch sử.

Mực nước trên các sông đang lên rất nhanh

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT trong cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tổ chức sáng 18/10, tại Hà Nội, từ nay đến ngày 21/10 ở Trung Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng mưa đặc biệt to.

Tổng lượng mưa từ ngày 18/10 đến ngày 21/10 ở Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị phổ biến 400-600mm, có nơi trên 700mm; ở Nghệ An, Thừa Thiên Huế phổ biến 200-350mm, có nơi trên 400mm; ở Đà Nẵng, Quảng Nam phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm; từ Quảng Ngãi đến Phú Yên phổ biến 80-150mm, có nơi trên 150mm.

Sau ngày 21/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ còn có khả năng xảy ra mưa lớn kéo dài. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2.

Toàn cảnh cuộc họp.

Toàn cảnh cuộc họp.

Ngày 18/10, khu vực Vịnh Bắc Bộ và Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh. Vùng biển phía Bắc của khu vực Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Ở Nam Vịnh Bắc Bộ, khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1

Theo ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, trong 9 giờ qua, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-180mm/09h.

“Do mưa lớn, lũ đặc biệt lớn đã xảy ra trên các sông tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, đỉnh lũ trên sông Kiến Giang (Quảng Bình) sông Hiếu, sông Thạch Hãn (Quảng Trị) đều ở mức tương đương và cao hơn lũ lịch sử. Sạt lở đất và ngập lụt sâu diện rộng đã xảy ra nghiêm trọng tại 2 tỉnh trên”, ông Khiêm thông tin.

Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định trong 6 giờ tới ở Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục có mưa rất to, lượng mưa từ 50-150mm/06h. Ở Nghệ An có mưa, phía Nam có mưa to với lượng mưa 30-70mm/06h. Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có mưa với lượng mưa 10-20mm/06h. Trong 48h tiếp theo (từ nay đến ngày 20/10), ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to với lượng mưa từ 400-600mm; ở Nghệ An 100-200mm, riêng phía Nam có nơi trên 300mm.

Dự báo trong ngày hôm nay, lũ trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục lên rất nhanh, các sông ở Quảng Trị dao động ở mức cao (trên báo động 3). Đêm nay, ngày mai, trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị mực nước sẽ lên vượt mức báo động 3, lũ đặc biệt lớn sẽ xuất hiện, không ngoại trừ các sông tiếp tục lên vượt mức lịch sử. Dự báo mưa lũ ở Trung Bộ còn kéo dài trong nhiều ngày tới.

Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia.

Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia.

Theo ông Khiêm, ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất diện rộng tiếp tục diễn ra, ngoài các khu vực đã và đang bị ảnh hưởng thì khu vực bắc Quảng Bình và tỉnh Hà Tĩnh là khu vực trọng tâm bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ngập lụt sâu, sạt lở, lũ quét từ nay đến ngày 20/10. Nguy cơ cao mất an toàn đối với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi vừa và nhỏ, các hồ chứa xung yếu tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Ngoài ra, các khu vực miền núi các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam tuy mưa đã giảm nhưng nguy cơ sạt lở đất ở vùng núi vẫn rất cao, do đất đá đã bão hòa nước và nước rút gây sạt lở bờ sông.

Người dân vẫn còn chủ quan trước mưa lũ

Phát biểu tổng kết cuộc họp, Phó tổng cục trưởng Tổng cục PCTT Nguyễn Văn Tiến cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các nhà mạng nhắn tin hàng triệu tin nhắn đến từng số điện thoại người dân rất kịp thời để có phương án ứng phó nhưng vẫn còn có nhiều gia đình ngồi kêu cứu trong đêm, nhiều gia đình nhận được thông tin rất sớm nhưng không tuân thủ khuyến cáo của chính quyền địa phương. Trong thời gian tới, tập trung đưa tin về cứu hộ, cứu nạn, hướng dẫn kĩ năng giúp dân thoát nạn. Chấp hành nghiêm túc chỉ đạo, công điện về ứng phó với mưa lũ”.

Ông Tiến đề nghị các địa phương tiếp tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện: số 1372 ngày 8/10 về tập trung ứng phó với mưa lũ lớn tại các tỉnh miền Trung và Công điện số 27 ngày 17/10 của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban chỉ đạo TW về PCTT về việc tập trung ứng phó với mưa lũ.

Ngập lụt cục bộ do mưa lớn tại huyện Cam Lộ, Quảng Trị.

Ngập lụt cục bộ do mưa lớn tại huyện Cam Lộ, Quảng Trị.

Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; cứu chữa người bị thương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại; bảo đảm khám chữa bệnh cho người dân vùng lũ; khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ; hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực còn bị ngập sâu và kể cả người dân ở vùng lũ đã rút, tránh tâm lý chủ quan.

Chỉ đạo, tổ chức giám sát, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du, dành dung tích để đón đợt lũ tiếp theo, đặc biệt là đối với các hồ chứa lưu vực sông Hương.

Tiếp tục tổng hợp, đánh giá thiệt hại do mưa lũ và nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp; rà soát xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ về lương thực, thuốc, hóa chất xử lý nước, khử khuẩn, xử lý môi trường và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

Duy trì tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo TWPCTT và Ủy ban Quốc gia ƯPSC TT&TKCN./.

Văn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/quang-tri-va-quang-binh-tiep-tuc-doi-dien-lu-dac-biet-lon-787007.vov