Quanh Dinh thự Vua Mèo: Vẫn chưa tìm được tiếng nói chung
Sau khi ông Vương Duy Bảo, cháu nội vua Mèo Vương Chí Thành lên tiếng về lùm xùm công nhận di tích, tu bổ di tích quốc gia cũng như quy chế quản lý Khu nhà Vương, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) tỉnh Hà Giang báo cáo cụ thể gửi UBND tỉnh, Bộ VHTTDL.
Bảo tồn chưa hiệu quả?
Ông Vương Duy Bảo, cháu nội vua Mèo Vương Chí Thành gần đây bức xúc về việc khu di tích nhà Vương (Khu nhà Vương) xuống cấp. Ông dùng từ “gần như phế tích” để nói về hiện trạng di tích quốc gia Khu nhà Vương.
“Sau 12 năm trùng tu (từ 2007), di tích đã xuống cấp. Tường nứt, mái thấm dột, hệ thống hứng nước dẫn nước võng, gãy, tắc. Ván trong khu lô cốt mục, gãy… tất cả có nguy cơ sập đổ. Cứ để khách tham quan nếu xảy ra tai nạn gây chết người, cháy nhà, dòng họ không chịu trách nhiệm. Việc để di tích xuống cấp cần phải bị xem xét, xử lý”, ông Bảo nói trong cuộc họp với Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang chiều 13/6. Ông đề nghị sở và tỉnh đánh giá, xem xét và xử lý việc trùng tu di tích nhà Vương suốt hơn chục năm qua.
Khu nhà Vương xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn được công nhận là di tích quốc gia năm 1993. Sau khi di tích được công nhận, con cháu ông Vương Chí Chư (con trai vua Mèo Vương Chí Thành)sinh sống trong khu Trung dinh; khu Hậu dinh không có người ở; khu Tiền dinh là nơi làm việc của UBND xã Sà Phìn và các đoàn thể mượn làm trụ sở, còn gia đình ông Vương Quỳnh Sơn (cháu ruột vua Mèo Vương Chí Thành) sống ở Hà Nội. Năm 2003, Ban chỉ đạo-Điều hành thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ di tích này, vận động các hộ gia đình sống trong khu di tích chuyển ra ngoài. Sau đó, di tích được giao cho đơn vị thi công thực hiện công tác trùng tu. Ngày 28/5/2005 dự án trùng tu hoàn thành, ngành Văn hóa-Thông tin tỉnh bàn giao di tích cho Bảo tàng tỉnh quản lý.
Đến tháng 12/2006, di tích được bàn giao cho huyện Đồng Văn quản lý. Ông Lâm Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang khẳng định: Từ khi bàn giao cho huyện, về cơ bản di tích được bảo vệ tốt. Khu di tích được tu sửa theo Chương trình mục tiêu chống xuống cấp và tôn tạo di tích của Nhà nước, hằng năm Sở VHTT tỉnh Hà Giang lập kế hoạch xin kinh phí Bộ VHTTDL để sửa chữa thường xuyên như: đảo ngói, bổ sung thêm ngói mới, thay thế rui mè, dầm, xà đã bị mục nát…
Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Hà Giang xây dựng dự án bảo tồn di tích kiến trúc nghệ thuật Khu nhà Vương, được Bộ VHTTDL phê duyệt ngày 28/5/2003 cả về thiết kế lẫn tổng dự toán là: 6,683 tỷ đồng. Trong Ban chỉ đạo-Điều hành thực hiện dự án có cả ông Vương Duy Bảo. Tỉnh hỗ trợ 6 hộ gia đình di dời ra bên ngoài để trùng tu, với tổng tiền hỗ trợ thời điểm đó là 500 triệu đồng.
Lãnh đạo Sở VHTTDL Hà Giang nêu: UBND huyện Đồng Văn có quyết định số 3004 ngày 13/9/2017 về việc thành lập ban chỉ đạo trùng tu Khu nhà Vương. Ban chỉ đạo giao Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Du lịch xây dựng hồ sơ gửi Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy công an tỉnh Hà Giang phê duyệt đã thay thế các bình chữa cháy hết niên hạn sử dụng, sửa chữa hệ thống mái lợp và máng nước.
Vướng mắc khác
Ông Vương Duy Bảo cho rằng, nội dung thuyết minh hiện nay ở Khu nhà Vương có nhiều điểm chưa đảm bảo chân thực lịch sử, không nêu được giá trị về mặt kiến trúc. Đặc biệt, không nêu bật đây là sản phẩm của đường lối đại đoàn kết dân tộc mà Bác Hồ xây dựng. Việc thuyết minh làm du khách hiểu sai về dinh thự này.
Lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang cho biết, sau chuyến làm việc của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên ngày 28/8/2018, Sở VHTTDL phối hợp địa phương chỉnh sửa, bổ sung thuyết minh di tích-vốn là di tích kiến trúc- nghệ thuật nên trước đó chỉ tập trung giới thiệu sâu về kiến trúc nghệ thuật. Bản dự thảo thuyết minh gửi Cục Di sản Văn hóa, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và ông Vương Duy Bảo-con cháu họ Vương góp ý.
Ngày 22/2/2019, Sở họp tư vấn, tiếp tục thảo luận về dự thảo này, ngày 22/5/2019 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có văn bản thẩm định nội dung thuyết minh. Bản thuyết minh được thẩm định gửi cho UBND huyện Đồng Văn và ông Vương Duy Bảo- đại diện dòng họ Vương.
Một trong những nội dung khác mà ông Vương Duy Bảo kiến nghị làm rõ là xây dựng quy chế quản lý Khu nhà Vương thay thế quy chế cũ năm 2007. Trước đó Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và lãnh đạo Bộ VHTTDL yêu cầu tỉnh sớm xây dựng quy chế. Bản dự thảo quy chế do Sở VHTTDL phối hợp UBND huyện Đồng Văn soạn (có tham khảo một số di tích như phố cổ Hội An, làng cổ Đường Lâm, dinh Hoàng A Tưởng) được gửi tới đại diện gia đình họ Vương là ông Vương Duy Bảo. Tuy nhiên ông Bảo không chấp nhận bản dự thảo. Trong cuộc làm việc ngày 13/6 ông đòi hủy bỏ.
Đặc thù Khu nhà Vương: Chủ sở hữu là cá nhân dòng họ, nhưng lại được đầu tư tu bổ bằng nguồn ngân sách nhà nước, vì vậy lãnh đạo Sở cho rằng quy chế quản lý, đặc biệt việc thu và sử dụng nguồn thu phí tham quan di tích phải đảm bảo hài hòa lợi ích, đúng quy định của pháp luật. Sở VHTTDL lấy ý kiến của nhiều sở, ban ngành, đại diện gia đình.
Riêng nội dung quy định về thu phí và sử dụng nguồn thu phí, ngành thống nhất với ông Bảo sẽ mời đại diện dòng họ bàn bạc cụ thể. Trong cuộc làm việc chiều 13/6 với ông Vương Duy Bảo và ông Vương Quỳnh Sèo, lãnh đạo Sở VHTTDL Hà Giang yêu cầu dòng họ Vương cung cấp giấy ủy quyền đại diện 16 hộ gia đình để có cơ sở pháp lý xây dựng quy chế, tổ chức thực hiện quy chế sau này.
Sở VHTTDL kiến nghị UBND tỉnh thành lập Tổ công tác liên ngành để tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề quản lý, khai thác di tích Khu nhà Vương, đảm bảo đúng quy định pháp luật, hài hòa lợi ích giữa nhà nước và dòng họ, tránh nảy sinh phức tạp, đặc biệt là vấn đề phân chia lợi ích từ việc thu phí tham quan giữa cơ quan quản lý nhà nước với con cháu dòng họ Vương.
“Sau 12 năm trùng tu (từ 2007), di tích đã xuống cấp. Tường nứt, mái thấm dột, hệ thống hứng nước dẫn nước võng, gãy, tắc. Ván trong khu lô cốt mục, gãy… tất cả có nguy cơ sập đổ. Cứ để khách tham quan nếu xảy ra tai nạn gây chết người, cháy nhà, dòng họ không chịu trách nhiệm. Việc để di tích xuống cấp cần phải bị xem xét, xử lý”, ông Bảo nói trong cuộc họp với Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang chiều 13/6. Ông đề nghị Sở VHTTDL Hà Giang và tỉnh đánh giá, xem xét và xử lý việc trùng tu di tích nhà Vương suốt hơn chục năm qua.
Sau cuộc làm việc chiều 13/6, ông Vương Duy Bảo cho biết: Nhiều vấn đề chưa được giải quyết gây bức xúc cho ông. Ông nêu, trong quy chế quản lý sắp tới phải xác định rõ đây là di tích quốc gia, cần xác định rõ vai trò nhà nước, vai trò dòng họ Vương chung tay xây dựng và bảo vệ, trên cơ sở đó phát huy giá trị di tích. Việc phân chia quyền lợi, Sở VHTTDL phải bàn với các ban ngành có trách nhiệm, phía gia đình cần thêm sự hỗ trợ từ phía luật sư.