Quay cảnh xô xát, thiếu niên tự kỷ bị đánh bất tỉnh

Thời gian qua, một đoạn clip ghi lại cảnh nhóm thanh niên đang đánh hội đồng một thiếu niên tự kỷ khiến dư luận bức xúc. Bị đánh vô cớ, đến người bình thường cũng sẽ cảm thấy bức xúc. Thế nhưng với một người tự kỉ, những cảm xúc nóng giận hoàn toàn không có. Sự khép mình và chỉ biết chịu đựng là những gì họ thể hiện mỗi khi rơi vào trạng thái bị bạo hành.

Thiếu niên trong clip mắc chứng phổ tự kỷ. Em có thói quen dùng điện thoại quay các hoạt động diễn ra xung quanh mình. Sau khi thấy một thanh niên đang đánh nhân viên của quán cà phê cạnh nhà tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội, em đã vô tư dùng điện thoại ghi hình lại.

Sau đó nhóm thanh niên đã xông vào đánh khiến em bất tỉnh tại chỗ. Ngay sau đó nạn nhân đã được đưa tới bệnh viện. Hiện công an phường Ngọc Khánh đã tiếp nhận vụ việc, củng cố hồ sơ để điều tra, làm rõ sự việc.

Ám ảnh với những gì xảy ra tối ngày hôm đó, Phong không dám xem lại đoạn clip ghi lại hình ảnh em bị một nhóm thanh niên hành hung ngay trước cửa nhà. Vốn là một thiếu niên mắc chứng phổ tự kỷ, bản thân em lúc đó chỉ biết sợ hãi mà không thể phản kháng lại.

Chị BÙI THỊ KIM DUNG - Quận Ba Đình, Hà Nội: “Thật sự cháu bảo mẹ con đau lắm, cảm giác như có gì đâm vào tim con, con không ngủ được. Thiếp vào cháu ngủ là cháu nói sảng. Nói nó đánh con, đau mẹ ơi nó đánh con. Thật ra tôi rất phẫn nộ và tôi cũng chờ ngày một ngày hai ngày ba ngày xem bên gia đình kia có tiếng nói không thì không một tiếng nói.”

Mặc dù đã được ra viện sau khi khâu 6 mũi ở cằm, nhưng đến nay Phong vẫn trong tình trạng hoảng loạn. Người tự kỷ vốn dĩ đã gặp khó khăn trong việc kiểm soát ngôn ngữ, hành vi, cảm xúc của bản thân. Đa phần mọi hoạt động đều lặp lại theo thói quen hàng ngày. Bởi vậy khi gặp những cú sốc tâm lý, họ sẽ khó có thể vượt qua, thậm chí nó ám ảnh đến suốt quãng thời gian còn lại.

Chị LƯU THỊ NGÀ - Quận Đống Đa, Hà Nội: “Khi xảy ra đánh đập hay thế nào đó thì tâm lý các bạn ý sẽ lưu lại, thường ám ảnh rất lâu. Mặc dù con mình chưa xảy ra như thế vì chưa để một mình nhưng xem những cảnh như thế tôi thấy rất lo, không biết mình rơi vào tình trạng như thế mình sẽ thế nào được.”

Chị ĐỖ XUÂN BÌNH - Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội: “Các bạn ý cả ý thức và hành vi đều không được như bình thường nên có những nguy hiểm xảy đến với các bạn ý. Khi bị thế bạn ý sẽ thụ động, bất ngờ và bạn ý sợ. Phản xạ tự vệ gần như không có.”

Bức xúc khi con bị bạo hành là điều khó tránh đối với các bậc phụ huynh, nhất là với các gia đình có con là trẻ tự kỷ. Trong Bộ Luật hình sự 2017 cũng đã có những quy định cụ thể về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Hình phạt áp dụng có thể cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Chị HÀ THỊ SON - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: “Đối với những trường hợp như em Phong, em là người có tiền sử mắc bệnh chậm phát triển, rối loạn hành vi, không có khả năng nhận thức hành vi giống như một người bình thường. Trong trường hợp này bị tác động vật lý, bị xâm hại sức khỏe thì có tác động ảnh hưởng cực kì lớn làm cho sức khỏe của em bị trầm trọng thêm. Ngoài quy định của Bộ Luật hình sự bảo vệ em như các công dân bình thường thì còn có các luật người khuyết tật, ngoài ra em chưa đủ 18 tuổi còn có các bộ luật khác để bảo vệ em.”

Người tự kỷ vốn là đối tượng yếu thế của toàn xã hội, các họ phải đối mặt với những nguy hiểm không đáng có xung quanh mình. Những vết xước, nỗi đau thể xác có thể lành lại nhưng điều còn đọng lại là vết thương tinh thần, cuộc sống sẽ càng khép mình, việc hòa nhập với xã hội sẽ càng khó khăn mỗi khi trải qua bạo hành.

Thực hiện : Thảo Nguyên Khánh Hoàng Đức Minh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/quay-canh-xo-xat-thieu-nien-tu-ky-bi-danh-bat-tinh