Quay cuồng với thời tiết thất thường
Vừa nóng hầm hập đã mưa xối xả rồi ngược lại là đặc điểm thời tiết tại Nam Bộ gần đây. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân mà còn có nguy cơ gây thiệt hại vật chất nếu xảy ra cháy nổ
Với chứng viêm mũi dị ứng, 2 tuần gần đây, anh Trần Văn Thanh (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) luôn trong tình trạng nhức đầu, sổ mũi, hắt xì hơi. Anh cho biết nguyên nhân là do cơ thể phản ứng trước sự thay đổi chóng mặt của thời tiết.
Bức bối
Theo anh Thanh, trong những ngày thời tiết "đỏng đảnh", anh phải thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt và làm việc vì nếu lơ là thì không những dễ mắc bệnh mà bệnh còn chuyển nặng. Vợ con anh cũng thế, rất cân nhắc thời điểm đi lại ngoài đường cũng như trang bị kỹ lưỡng trang phục chống nắng, ngăn mưa.
Chị Đoàn Mai Hương (ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) khi nhận xét về tình hình thời tiết ở TP HCM cũng than trời. "Có những sáng vừa thức dậy đã thấy ngột ngạt vì oi bức. Rồi mưa, vừa mừng một chút bỗng tạnh, khó chịu càng dồn thêm, thật bức bối" - chị Hương cảm thán và cho biết do dính trận mưa chiều 15-5 nên người thân của chị đã đổ bệnh.
Chung sự khó chịu, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) phàn nàn thời tiết trong những ngày qua đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. "Tôi bị đau đầu cả ngày. Những lúc như thế, tôi thường xin nghỉ làm, vào phòng có nhiệt độ ổn định để tập trung nghỉ ngơi lấy lại sức" - chị Hiền nêu "mẹo" ứng phó.
Thời tiết xoay như chong chóng cũng tác động đến túi tiền của nhiều gia đình. Theo anh Trần Hải Phong (ngụ quận 3, TP HCM), nhà anh mỗi tháng dùng chỉ hơn 500.000 đồng tiền điện nhưng hóa đơn mới đây lên đến 800.000 đồng, do máy lạnh phải mở liên tục mỗi khi người nhà đi làm về.
Nắm thông tin để ứng phó
Nhiều ngày nay, thời tiết tại Nam Bộ nói chung và TP HCM nói riêng liên tục thay đổi. Theo đó, từ kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đến hết ngày 9-5, người dân trải qua một đợt nắng nóng dữ dội, nhiệt độ liên tục duy trì trên 37 độ C.
Sau ngày 9-5 đến 13-5, ở TP HCM dễ chịu hơn một chút, xuất hiện những đợt mưa dù không lớn. Tận hưởng trạng thái này chưa được bao lâu thì người dân thành phố tiếp tục đối mặt kiểu thời tiết khó lường. Cụ thể, từ ngày 14-5 đến nay, đợt nắng nóng lại xuất hiện. Đây cũng là thời gian "cửa ngõ của mùa mưa" nên xảy ra tình trạng ban ngày nắng gắt nhưng về chiều tối lại có mưa lớn.
Liên tiếp trong 2 ngày gần nhất là 15 và 16-5, TP HCM liên tục có mưa lớn vào chiều tối. Tuy nhiên, mưa lớn cũng chỉ xuất hiện tại một số khu vực nhất định.
Trong các bản tin của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, đơn vị này luôn cảnh báo do ảnh hưởng của nắng nóng nên nguy cơ cao xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng vọt. Ngoài ra, nắng nóng kết hợp với mưa về chiều cũng gây bất lợi cho sức khỏe đối với những ai thường làm việc ngoài trời.
Ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng Phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, xác nhận trong những ngày qua, Nam Bộ có một vài điểm có mưa. Đây là đặc điểm của mưa đầu mùa khi phạm vi hẹp, không đồng đều.
Lý giải về tình trạng tuy đã vào mùa mưa nhưng thời tiết vẫn nắng nóng, ông Quyết cho biết hiện tại ở phía Bắc, hệ thống tác động vẫn là hình thế gây nắng nóng. Trên cao, hệ thống dòng giáng có trục ở Nam Trung Bộ hạ trục xuống Nam Bộ.
Điều này làm hạn chế mây phát triển. Nhưng vào thời gian này, gió Tây Nam đang hoạt động mang không khí nóng, ẩm, gây mưa vào chiều tối. Chính vì vậy, dù bắt đầu mùa mưa song trời vẫn oi, nóng vào trưa, chiều. Người dân nên tìm hiểu, nắm bắt để có những phương án phù hợp cho việc đi lại, kế hoạch làm việc cũng như sức khỏe của mình.
Thông thường, một đợt nắng nóng xảy ra trong 3-5 ngày nhưng năm nay có thể 5-7 ngày, riêng khu vực Trung Bộ có thể kéo dài hơn; khả năng cao xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt.
Cộng hưởng biến đổi khí hậu và El Nino
Tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) trưa 16-5, nhiều người vẫn miệt mài khuân vác hàng dưới ánh nắng gay gắt. Anh Vũ Văn Quỳnh - ở quận Nam Từ Liêm - cho biết công việc của anh là giao hàng cho khách nên dù thế nào vẫn phải đúng hẹn. "Đi làm dưới thời tiết này thật sự rất dễ kiệt sức. Cứ chạy 3-4 đơn là phải dừng nghỉ để tiếp nước, chạy xe liên tục rất dễ bị say nắng" - anh Quỳnh lo ngại.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ khoảng 12 giờ đến 16 giờ ngày 16-5, nắng nóng gay gắt cộng với hiệu ứng đô thị của nhiều nhà cao tầng, khiến nhiệt độ ngoài trời tại nhiều khu vực ở TP Hà Nội lên tới hơn 40 độ C. Cơ quan khí tượng cảnh báo nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho hay năm nay, do áp thấp nóng phía Tây - một trong những hệ thống thời tiết gây nắng nóng - phát triển sớm và mạnh nên hiện tượng nắng nóng diện rộng đã xảy ra sớm và gay gắt ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Thời tiết đã thiết lập những mốc nhiệt độ cực đoan. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối đo được trong lều khí tượng tại trạm Tương Dương (Nghệ An) ngày 7-5 là 44,2 độ C.
Bên cạnh đó, năm nay dự báo toàn cầu tiếp tục là năm thứ 10 liên tiếp có nhiệt độ tăng cao so với thời kỳ tiền công nghiệp do tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, hiện tượng El Nino đang dần được thiết lập cũng là nguyên nhân gây ra những kỷ lục về nhiệt độ tuyệt đối ban ngày.
"Cao điểm của nắng nóng dự báo là trong tháng 6-7 ở Bắc Bộ, tháng 6-8 ở Trung Bộ. Trong khi đó, nắng nóng ở Nam Bộ có thể suy giảm dần từ khoảng giữa tháng 5" - ông Khiêm cho biết.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/quay-cuong-voi-thoi-tiet-that-thuong-20230516220739546.htm