Quay đầu là bờ
Trong xã hội, nếu các bậc chức sắc, cán bộ có quyền mà không nghiêm khắc với chính mình, thì làm sao xứng với vị thế là 'hoa tiêu' cho người dân nhìn vào, tin tưởng? Nếu những người 'cầm cân nảy mực' trong các cơ quan công quyền khi mắc khuyết điểm, sai phạm mà không thành tâm sám hối, cải tà quy chính thì làm sao lấy lại được sự rộng lượng, vị tha của đồng bào?
Cuối tuần, tôi đến tham quan một ngôi chùa và gặp một vị thượng tọa ở độ tuổi thất thập. Khuôn mặt vị chân tu toát lên vẻ điềm đạm, minh triết nhưng từ thẳm sâu đôi mắt của thầy không giấu được nét trầm tư của người đã xuất gia tu hành. Trong không gian thanh tịnh, tôi may mắn được thầy dành chút ít thời giờ trò chuyện.
Tuy gắn bó với nghiệp tu hành, song thầy vẫn nặng lòng với chuyện nhân sinh, nhân tình, nhân thế. Tôi mạo muội hỏi: “Dạo này người ta hay nhắc đến cụm từ “Quay đầu là bờ”, vậy ý nghĩa sâu xa là gì, thưa thầy?”.
Lời thầy nhã nhặn: “Khi đang chơi vơi giữa sông sâu vực thẳm, nếu ta thật sự mong muốn quay lại thì sẽ nhìn thấy bờ. Đó là lời khuyên chân thành giúp con người tự thức tỉnh mình nếu không muốn lún sâu vào con đường lầm lạc, tội lỗi. “Quay đầu là bờ” cũng mang hàm ý cảnh tỉnh con người hãy biết dừng ngay những điều sai trái lại trước khi quá muộn. Ở chiều sâu hơn, câu thành ngữ như muôn nhắc nhớ chúng ta khi đã sai lầm thì thành tâm hối cải, thực lòng sửa chữa khuyết điểm bằng những suy nghĩ hướng thiện, việc làm tích cực để trở về những bản tính tốt đẹp của con người. Dám đối mặt với nỗi đau quá khứ, buông bỏ những ham hố tầm thường, không chùn bước trước chông gai phía trước, đó cũng là thông điệp mà thành ngữ “Quay đầu là bờ” muốn gửi tới muôn kiếp người”.
Tôi bạch lại với thầy: “Con từng đọc một câu châm ngôn đại ý, con người là tác giả của lịch sử, nhưng cũng là nỗi đau của chính mình. Phải chăng mỗi kiếp người sướng - khổ, vui - buồn, vinh - nhục, được - mất là do mình khởi tạo, làm nên, đúng không ạ?”.
Vị thượng tọa chia sẻ: “Nhà Phật có nói rằng, phàm làm việc gì cũng phải nghĩ đến kết quả của nó. Đời người thành công hay thất bại cũng chủ yếu do nhân tố chủ quan quyết định. Người hiểu luật nhân quả sẽ không cho phép mình nghĩ sai, nói xấu, làm ác. Nhưng nếu miệng trót nói điều gở, tay lỡ làm điều dở, thân nhất thời hành xử trái đạo lý, gây ra phiền toái, hệ lụy cho xã hội thì rất nên, rất cần có tâm ý, thiện chí “Quay đầu là bờ”, nếu không sẽ khó tránh khỏi tai họa”.
Vốn am tường giáo lý nhà Phật lại am hiểu lẽ đời, nhân tình thế thái, vị thượng tọa giãi bày rằng, thật ra đã là con người, ai cũng có tính tốt - tính xấu, ai cũng có ưu điểm - nhược điểm, ai cũng có sở trường - sở đoản, ai cũng có lúc này - lúc khác. Vấn đề là ở chỗ, muốn trở thành người thiện tâm, hữu ích, thì mỗi người phải không ngừng tu thân tích đức, tự gột bỏ dần những thói hư tật xấu trong bản thân mình. Trong một ngôi chùa, nếu các bậc ngôi cao vọng trọng mà không giữ gìn từng lời ăn tiếng nói thì làm sao có đủ tư cách để tròn làm phận sự truyền đạo, khuyên bảo các tăng ni phật tử? Trong gia đình, nếu các bậc cha mẹ không tự giác tu dưỡng, rèn tâm hay, luyện tính tốt thì con cái làm sao có điểm tựa để trông cậy, học theo? Trong xã hội, nếu các bậc chức sắc, cán bộ có quyền mà không nghiêm khắc với chính mình, thì làm sao xứng với vị thế là “hoa tiêu” cho người dân nhìn vào, tin tưởng? Nếu những người “cầm cân nảy mực” trong các cơ quan công quyền khi mắc khuyết điểm, sai phạm mà không thành tâm sám hối, cải tà quy chính thì làm sao lấy lại được sự rộng lượng, vị tha của đồng bào?
Nghe thầy tâm sự như vậy, tôi bỗng nhớ lại lời nhắc nhở của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, rằng nếu cán bộ, đảng viên nào “để tay nhúng chàm và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác tự gột rửa” và hãy nhìn vào “tấm gương tày liếp” của hơn 70 vị quan chức cấp cao, tướng lĩnh tay đã nhúng chàm từng bị xử lý kỷ luật, thậm chí nhiều trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, để dừng lại ngay, để “tự soi, tự sửa”, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng để không đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất khôn lường. Đó là biểu hiện của những người biết “Quay đầu là bờ”! Và trong đầu tôi bất chợt hiện về những lời ca trong bài hát “Quay đầu là bờ” đậm chất từ bi mà cũng là lời cảnh tỉnh sâu sắc cho mỗi chúng ta: “Nhân quả không sai, ai làm nấy chịu / Thượng đế phân minh không sai chút nào / Nghèo hay sang, tội hay phước / Thì địa ngục đã có trên trần gian”./.
Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/cung-suy-ngam/quay-dau-la-bo-125276