Quay quắt trong 'bão giá'
Những ngày đầu năm 2022, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang hoành hành, cơn 'bão giá' quay cuồng khiến cho người dân lẫn doanh nghiệp phải than trời.
Đổ xăng 30 ngàn đồng mới qua vạch đỏ
Chiều ngày 11/3, giá xăng E5RON92 được điều chỉnh lên 28.980 đồng/lít, giá xăng RON95-III cũng lên mức 29.820 đồng/lít. Nhiều người dân buồn bã, khi việc di chuyển là không thể tránh khỏi.
Chị Kim Hảo (ngụ tại Long An) có con trai chị bị suy thận mạn giai đoạn cuối đã nhiều năm. Định kỳ, mỗi tuần chị phải chở con bằng xe máy lên Bệnh viện Nhi đồng 2 để chạy thận 3 lần. Cùng với nỗi lo nguy cơ nhiễm Covid-19, nhiều tháng nay, vợ chồng chị lại càng chật vật chống chọi với “bão giá”.
Chị Hảo tâm sự: “Dù xăng mắc (đắt-PV) đến mấy cũng phải chở bé đi chứ bỏ cả chạy thận là con mệt lắm, chịu không nổi”.
Bởi con trai bệnh nên chị phải nghỉ việc công nhân để chăm sóc, còn chồng chị đi làm mướn, chẳng lo nổi chi phí thuốc thang cho con trai. Cuộc sống vốn đã chật vật nên giờ đây cả gia đình càng phải “bóp mồm, bóp miệng” qua ngày.
Những ngày con trai không phải đi chạy thận, chị Hảo nhận đồ gia công về, 2 mẹ con cùng làm. Đứa con trai hiểu chuyện, thậm chí làm xuyên buổi trưa để kịp tiến độ giao hàng. Thương con trai, chị Hảo cũng chỉ có thể động viên chồng ráng làm để bù vào chi phí sinh hoạt.
Dù không áp lực nhiều như gia đình chị Hảo, nhưng chàng trai trẻ Hữu Sinh (ở trọ huyện Nhà Bè) cũng đang lao đao khi mọi thứ đều đang đắt đỏ hơn. Sinh hiện đang thực tập tại một công ty cách nhà trọ khoảng 5km.
Từ khi rời quê vào thành phố đi học, Sinh đã đi làm thêm để tự trang trải tiền sinh hoạt. Tuy nhiên, đợt giãn cách xã hội kéo dài năm ngoái khiến em mất việc làm, phải phụ thuộc hết vào cha mẹ. Ngay khi thành phố mở cửa, chàng thanh niên lại đi thực tập nên chưa thể kiếm việc làm trở lại.
Sinh chia sẻ, ngày thường, em chỉ dám đổ 30 ngàn tiền xăng, đi lại giữa nhà trọ và công ty cũng được khoảng 5-6 ngày. Thế nhưng, sau đợt tăng giá ngày 11/3, đổ 30 ngàn đồng chỉ mới vừa qua vạch đỏ (mức cảnh báo).
“Phải ráng thôi chứ sao giờ hả chị. Chỉ mong đừng bị Covid-19 để em thực tập cho xong”, Sinh buồn bã.
Không tránh được nỗi lo chung, anh Lê Bi, tài xế xe công nghệ chỉ biết lắc đầu. Giá cước vận chuyển cũng được tăng nhẹ nhưng chẳng thể bù lại giá xăng. Trước đó, anh chỉ cần 80 ngàn đồng để đổ đầy bình, thì nay phải mất 90 ngàn hoặc hoặc hơn.
Để có tiền nuôi người cha lớn tuổi ở quê, anh Bi phải cố làm tới 12 giờ đêm, ăn uống qua quýt để dằn túi. “Ngày nào tôi cũng ăn cơm ở quán bình dân quen vì chưa tăng giá. Đến lúc nào họ tăng thì tôi kiếm quán khác. Tự nấu ăn mất thời gian mà lại tốn kém nhiều thứ khác”, anh Bi tâm sự.
Cũng đang điêu đứng vì giá xăng dầu, anh Nguyễn Chí Anh, Giám đốc công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây dựng County Cons tại TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đứng ngồi không yên. Công ty của anh chuyên về san lấp mặt bằng, làm đường, xây nhà, thường xuyên sử dụng số lượng lớn các loại máy múc, xe lu, xe tải. Vì vậy, giá xăng dầu tăng mạnh khiến chi phí bị phát sinh.
Anh Nguyễn Chí Anh cho biết: “Một số hợp đồng cũ, giá nguyên/nhiên/vật liệu đều đã tăng so với thời điểm ký, chúng tôi không thể tăng giá. Trong khi đó, áp lực giá cả khiến công nhân, tài xế ồ ạt đòi tăng lương. Nếu không thỏa hiệp thì không có người làm, nên chúng tôi thậm chí phải bù lỗ để duy trì”.
Không chỉ vậy, anh Anh lo ngại, giá xăng dầu tăng kéo theo rất nhiều thứ khác cũng tăng, những doanh nghiệp nhỏ rất khó để có thể cầm cự.
Không tăng giá thì phải làm cố hoặc nghỉ bán
Theo khảo sát của PV VietNamNet, hiện nay, một số mặt hàng như thịt, cá, trứng hiện vẫn đang bình ổn giá, còn các mặt hàng rau, củ, quả tăng mạnh. Giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng ảnh hưởng trực tiếp tới các ngành dịch vụ khác.
Chị Liên, chủ sạp rau trên đường Lê Văn Lương cho biết: “Bông cải xanh giá nhập đã tăng từ 70 ngàn lên 110 ngàn đồng/ 1 ký. 1 gói nấm kim châm cũng tăng giá từ 15 ngàn lên hơn 20 ngàn. Hạt sen tươi tuy có giảm so với mấy ngày cao điểm Tết Nguyên Đán, nhưng còn cao hơn 3 ngàn đồng so với trước Tết. Các loại rau củ nhập khẩu càng bị tăng mạnh”.
Chị Liên tâm sự, thỉnh thoảng có nghe vài lời than thở của khách, nhưng phải giả bộ không nghe thấy, vì nếu không tăng lên thì gia đình chị lại bị lỗ.
Đó cũng là lo lắng của anh Đỗ Chiến, chủ một quán cà phê tại TP. Thủ Đức, đang trong quá trình xây dựng thương hiệu. Anh Chiến bắt đầu khởi nghiệp từ tháng 10 năm ngoái. Chỉ trong vòng vài tháng, giá nguyên/vật liệu đều tăng.
Trước đây, quán anh nhập trái dừa tươi chỉ khoảng 7-8 ngàn đồng/1 trái. Hiện tại, giá dừa đã tăng lên 10-11 ngàn đồng, có khi đắt hàng còn tăng giá lên 12 ngàn. Hoặc táo Mỹ trước chỉ khoảng 50-60 ngàn đồng/1 ký, hiện tại lên hơn 80 ngàn đồng.
Anh Chiến dự tính sẽ phải điều chỉnh giá sản phẩm, tuy nhiên cũng chưa biết nên tăng như thế nào mới hợp lý.
“Tăng cao quá sợ khách hàng chạy hết, nhưng không tăng thì mình lỗ, mà đã lỗ thì kinh doanh làm gì nữa”.
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, tiệm cắt tóc của chị Duyên (Nhà Bè, TP.HCM) phải chịu cảnh hòa vốn để giữ khách.
2 mẹ con chị mở chung cửa tiệm mấy năm nay. Giá các dịch vụ gần như không thay đổi. Vài tháng vừa rồi, chi phí cho các loại nguyên/vật liệu đều tăng, nhưng mẹ con chị vẫn giữ nguyên mức giá của các dịch vụ như: sơn móng tay/chân là 50 ngàn đồng, gội đầu 50 ngàn đồng…
“Ngày trước chỉ có một mình chúng tôi làm thì dễ, giờ chỉ chưa đầy 500m đã có tới 4-5 cửa hàng cạnh tranh. Chỉ cần lên giá 10 ngàn thôi là cũng có thể bị mất khách rồi, thành ra cứ phải cố bỏ công làm lãi. May là không mất tiền thuê mặt bằng, chứ mỗi ngày lãi vài chục ngàn đồng thì may ra đủ ăn”, chị Duyên bày tỏ.
Còn chị Bùi Thủy, chủ một quán nước nhỏ ở Q.10 đã phải tạm ngưng bán do giá nguyên liệu tăng cao. Chị Thủy cho biết, giá cam tươi tăng từ 22 lên 30 ngàn đồng, chanh leo cũng tăng từ 20 lên 28-30 ngàn đồng, đường tăng từ 18 lên 24 ngàn đồng.
Trước đó, chị bán 1 ly nước cam 20 ngàn đồng, bây giờ phải bán lên 30 ngàn cũng chỉ lãi được chút ít. Trong khi khách hàng của chị đều là những người bình dân, không chấp nhận mức giá cao hơn trước.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/ban-doc/hoi-am/quay-quat-trong-con-bao-gia-822287.html