Quấy rối - nhận diện để đối mặt

Tháng 3 nói chuyện về phái đẹp hẳn là đề tài muôn thuở, nhưng có một điều mà một bộ phận bạn trẻ vẫn còn bỏ lửng - chính là nhận diện quấy rối phụ nữ từ cuộc sống đến trên không gian trực tuyến. Cứ thế mà mọi thứ ậm ừ trôi qua, thậm chí không ít lời phán xét khiến nạn nhân chẳng khác nào người có tội, nhưng vẫn đành chịu đựng trong im lặng.

Người trẻ cần được sinh hoạt trong một môi trường văn hóa lành mạnh từ trực tiếp đến trực tuyến

Người trẻ cần được sinh hoạt trong một môi trường văn hóa lành mạnh từ trực tiếp đến trực tuyến

Nhận diện

Danh sách những người nổi bật dưới 30 tuổi vừa qua (do Tạp chí F. bình chọn) trở thành tâm điểm được giới trẻ quan tâm. Một nam thanh niên trong mười gương mặt được công bố bị tố quấy rối tình dục, những người liên quan đến câu chuyện cũng đồng loạt lên tiếng, và 3 gương mặt nổi bật khác trong danh sách xin rút tên vì không muốn xuất hiện trong một đề cử quá lùm xùm… Ai đúng ai sai người trong cuộc rõ nhất, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu có bao nhiêu người trẻ hiện nay nhận diện được quấy rối tình dục để tự bảo vệ mình?

Chuyện quấy rối tình dục không phải là điều quá lạ và quá hiếm. Từ khi mạng xã hội bùng nổ, quấy rối phái nữ ẩn mình dưới hình thức trực tuyến mà nạn nhân rất khó nhận diện, và chỉ cần thao tác khóa tài khoản thì coi như xóa sạch dấu vết. Một tài khoản mạng xã hội từng học cùng trường đại học kết nối và trò chuyện, Phạm Huỳnh Hồng Ngân (27 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) vui vẻ nhận lời vì biết là một người bạn cùng khóa. Những tin nhắn qua lại sẽ chẳng có gì, cho đến khi phía bên kia màn hình bắt đầu những câu chuyện đề cập đến cơ thể nữ giới. Hồng Ngân kể lại: “Qua ảnh đại diện và trò chuyện, tôi biết bạn này học cùng khóa đại học với tôi nhưng khác lớp, rồi tôi nghĩ bây giờ ra trường chắc là bạn bè cũ kết nối với nhau cho vui. Khoảng một tháng đầu là trò chuyện công việc, công nghệ mới, quan điểm sống rồi sở thích. Khi nhắn tin nhiều hơn, tôi bắt đầu cảm thấy không ổn khi bạn này chia sẻ hình phụ nữ mặc áo tắm, nói chuyện đường cong và những nhu cầu sinh lý. Tôi tỏ vẻ khó chịu thì bạn này bắt đầu chuyển sang đề tài khác hoặc nói xin lỗi, rồi hôm sau lại tiếp tục. Đỉnh điểm khiến tôi chặn tài khoản này chính là việc bạn săm soi những tấm hình tôi chia sẻ lên mạng xã hội và cho rằng người tròn trịa như tôi chắc “nhu cầu” sẽ cao”.

Hồng Ngân nói thêm: “Gần đây, khi làm việc trực tuyến nhiều hơn, tôi mới mở lại trang cá nhân. Đúng là mình bị quấy rối mà không hay, ngày trước cứ nghĩ phải đụng tay đụng chân thì mới là quấy rối, nhưng thật ra kiểu nhắn tin như vậy đã là một sự quấy rối rồi, chỉ có điều tôi chủ quan là bạn bè cùng trường nên không nhận diện được sớm”.

Bản lĩnh

Không chỉ là sự đụng chạm cơ thể, quấy rối trong môi trường mạng xã hội gần như đủ chiêu trò để “ẩn mình” từ tin nhắn, hình ảnh, video… Phần lớn người bị quấy rối rất khó nhận diện, bởi nó đến từ những mối quan hệ quen biết, khiến người ta chủ quan. Mạng xã hội hiện tại gần như là mảnh đất màu mỡ cho câu chuyện từ “thả thính” đến “thả dê”, nếu không kịp chụp màn hình, phía bên kia chỉ cần khóa tài khoản thì tin nhắn hay bình luận cũng không còn… Mọi dấu vết gần như xóa sạch.

Các nhóm kín trên mạng với tên gọi chia sẻ hình ảnh “art” (nghệ thuật) thường tập trung hàng loạt tài khoản nam. Mỗi bài viết chia sẻ hình ảnh phái nữ ăn mặc gợi cảm lập tức có hàng trăm bình luận tập trung vào đường cong và 3 vòng của người nữ trong ảnh… Còn người trong ảnh gần như hoàn toàn chẳng hay biết gì về việc hình ảnh của mình trở thành “miếng mồi” ở những nhóm này. Thậm chí, nền tảng Telegram có hẳn những nhóm chat 18+ chỉ để bàn luận về đường cong nữ giới, muốn vào nhóm này phải có số điện thoại người chủ trì và mất phí.

Theo ThS giáo dục Chế Dạ Thảo: “Để tự bảo vệ an toàn cho chính mình, chúng ta không đợi bệnh đến mới chữa, mà cần phải tự phòng tránh trước cho mình. Chúng ta có rất nhiều nguồn và kênh thông tin để tìm hiểu về vấn đề này, để học cách nhận diện. Và khi đối mặt với những tình huống như nhận tin nhắn, hình ảnh, video nhạy cảm, cần thẳng thắn bày tỏ thái độ. Luôn nhớ rằng, chúng ta có quyền từ chối và quyền được bảo vệ một cách hợp pháp. Tình huống đi xa hơn, chúng ta cần báo cho những người thân cận, như gia đình, bạn bè, và nếu bạn là sinh viên thì vẫn còn Phòng công tác sinh viên để hỗ trợ…, không nên quá hoảng sợ, hoang mang”.

“Vì tính chất công việc, tôi buộc phải quảng giao nhiều hơn. Không ít lần trong lúc làm việc cùng, một số người là nghệ sĩ hoạt động trong các lĩnh vực hội họa, nhiếp ảnh… ngỏ lời với tôi đi chụp hình từ “kín” đến “hở”; hoặc khéo léo hơn, họ thường đề cập đến câu chuyện “em gái mưa” trong những tin nhắn trò chuyện, trao đổi công việc. Tất nhiên, trong mọi chuyện, phần lớn vẫn nằm ở thái độ và bản lĩnh của mỗi người, tôi đủ bình tĩnh để biết làm gì an toàn cho chính mình, nhưng tôi nhìn nhận đó là một dạng quấy rối”, một phóng viên mảng VHNT cho hay.

THIÊN BÌNH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/quay-roi-nhan-dien-de-doi-mat-796889.html