Quê hương là nơi trở về

Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, huyện Kim Sơn đã đón gần 1,2 nghìn con em quê hương đang công tác và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh trở về quê tránh dịch COVID-19, trong đó chủ yếu là thành phố Hồ Chí Minh.

Đưa cơm đến các khu cách ly tập trung trên địa bàn huyện Kim Sơn. Ảnh: Minh Quang

Đưa cơm đến các khu cách ly tập trung trên địa bàn huyện Kim Sơn. Ảnh: Minh Quang

Thương rất nhiều những gia đình đông con nheo nhóc, gia đình con còn bế ẵm trên tay, những lao động xa quê sau vài tháng mất việc và cầm cự tại Sài Gòn không còn nổi 1 nghìn đồng, ở lại gặp muôn vàn khó khăn và nguy hiểm. Chỉ có con đường duy nhất của họ là được trở về quê hương - nơi sinh ra và lớn lên của mình, trong vòng tay những người thân, của tình làng nghĩa xóm, để được hỗ trợ, chở che, động viên nhau cùng vượt qua khó khăn, cũng là để giảm gánh nặng quá tải cho thành phố Hồ Chí Minh trước cơn đại dịch.

Cùng các y bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Kim Sơn đến một số điểm cách ly y tế tập trung của huyện Kim Sơn nhận thấy, tâm lý những người con quê hương Kim Sơn về quê tránh dịch rất xúc động, yên tâm và vui vẻ, khi nhận được sự quan tâm, động viên, tạo điều kiện về nơi cách ly tập trung, các điều kiện đảm bảo cuộc sống sinh hoạt, những bữa ăn nóng hổi, đủ chất dinh dưỡng, đầy tình thương yêu. Trước sự quan tâm và tình cảm đó, mỗi người dường như thấy có trách nhiệm trong việc thực hiện các biện pháp phòng dịch, đảm bảo an toàn trong các điểm cách ly tập trung, giữ an toàn cho bản thân, gia đình, lực lượng làm nhiệm vụ tại đây cũng như cộng đồng.

Mặc dù đứng khá xa nhau hơn 2m và đeo khẩu trang y tế an toàn, đặc biệt là chị Trần Thị Huyền, xã Yên Lộc đã được xét nghiệm kết quả âm tính 3 lần với SARS-CoV-2, nhưng qua ánh mắt, giọng nói, tôi vẫn cảm nhận được sự xúc động, nghẹn ngào của chị, những giọt nước mắt đã rơi khi được hỏi cảm nhận trở về quê hương tránh dịch.

Chị Huyền chia sẻ, gia đình chị có 5 người, 3 con còn nhỏ, cháu bé nhất mới được gần 10 tháng tuổi. Cả 2 vợ chồng làm nghề tự do, chồng là thợ xây, vợ đi bán hàng rong. Những ngày thành phố Hồ Chí Minh bình yên, vợ chồng chăm chỉ làm ăn, cuộc sống cũng tạm ổn trong khu nhà trọ. Nhưng sau 2 tháng phải tạm nghỉ tránh dịch, cuộc sống đã đảo lộn tất cả. Gia đình chị không còn tiền trả thuê nhà, duy trì các chi phí trong cuộc sống, trong khi dịch bệnh tại khu phong tỏa càng diễn biến phức tạp. Anh chị bàn nhau, tình hình dịch bệnh còn kéo dài, không biết bao giờ mới kết thúc, cuộc sống sẽ nhiều khó khăn và nguy hiểm, nên tạm thời về quê tránh dịch. Anh chị liên hệ và cùng những đồng hương trong khu trọ thuê xe ô tô đi riêng biệt, cử người liên hệ trước với chính quyền địa phương để được trở về cách ly y tế tập trung theo quy định.

"Chúng tôi đều có ý thức đi lấy mẫu xét nghiệm bằng hình thức text nhanh nhiều lần trước khi trở về. Trong chặng đường dài hơn 2 ngày, với quãng đường xấp xỉ 2 nghìn km, lại từ vùng dịch phức tạp và nguy hiểm nhất cả nước, chúng tôi ý thức rõ sự nguy hiểm của bệnh dịch, nên đeo khẩu trang suốt chuyến đi, ăn uống qua loa, hạn chế tất cả các tiếp xúc gần giữa bản thân với người khác, kể cả với người thân. Chúng tôi đếm từng km, từng cột mốc, biển chỉ dẫn giữa các tỉnh, qua từng quãng đường dài, xe chạy xuyên ngày đêm... Những giấc ngủ chập chờn, mong nhanh nhất chạm đất Ninh Bình, về đến quê hương Kim Sơn.

Khoảnh khắc lúc trở về, vỡ òa cảm xúc và thực sự xúc động khi xuống khu tập trung ban đầu tại Trung tâm văn hóa thể thao xã Quang Thiện, được chính quyền địa phương, những y bác sĩ, lực lượng làm nhiệm vụ như công an, quân đội, dân quân tự vệ dù đêm muộn vẫn túc trực tại đây, động viên, trấn an tâm lý và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để từng người được lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn khai báo y tế, xịt khử khuẩn con người, phương tiện, đồ dùng, đưa đến khu cách ly tập trung... Chúng tôi chỉ biết trân trọng và biết ơn rất nhiều tình cảm của quê hương, đã giang rộng vòng tay đón chúng tôi trở về..." - chị Huyền xúc động chia sẻ.

Trao đổi với đại diện lực lượng làm nhiệm vụ tại các điểm cách ly y tế tập trung, được biết, bà con quê hương trở về tránh dịch rất có ý thức, thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch trong các khu cách ly tập trung. Chị Trần Thị Xuân, y sĩ Trạm y tế xã Kim Hải, điều động làm nhiệm vụ theo dõi sức khỏe công dân tại điểm cách ly tập trung trường mầm non xã Yên Lộc cho biết: Thương lắm những bà con quê hương, có những người là người thân, họ hàng, hàng xóm của chúng tôi... Vì dịch bệnh phức tạp, không còn con đường nào khác mà phải vượt quãng đường xa trở về. Do đi xe ô tô đường dài quá mệt, cùng với tâm lý lo lắng, bất an, khi về 2-3 ngày đầu, ai cũng ngủ mê mệt, điểm cách ly không một tiếng động.

Đặc biệt những gia đình có con nhỏ, có cháu bé mới vài tháng tuổi rất đáng thương... Tại điểm cách ly y tế tập trung trường mầm non xã Yên Lộc, hiện đang cách ly cho 93 công dân, tại 10 phòng, theo hộ gia đình và nhóm người thân, trong đó có 10 trẻ em dưới 6 tuổi. Rất may, sau 3 lần lấy mẫu xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime PCR, tất cả đều cho kết quả âm tính, tâm lý ai cũng phấn khởi, yên tâm thực hiện cách ly đủ thời gian theo quy định.

Thượng tá Ngô Xuân Nam, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Kim Sơn cho biết: Hiện nay, Ban CHQS huyện được BCĐ phòng chống dịch COVID-19 huyện giao nhiệm vụ chuẩn bị và phục vụ các bữa ăn cho công dân cách ly y tế tập trung và lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch tại các điểm cách ly, với khoảng 1,3 nghìn suất ăn/bữa. Để phục vụ đúng giờ, kịp thời các bữa ăn cho 15 điểm cách ly tập trung trên địa bàn huyện, Ban CHQS huyện đã huy động 30 cán bộ, nhân viên của đơn vị và nhận được sự trợ giúp, ủng hộ của các tình nguyện viên là các cán bộ đoàn, dân quân tự vệ, giáo viên... và cả những người dân có xe vận chuyển.

Cùng với các suất ăn theo quy định của Nhà nước là 80 nghìn đồng/ngày, Ban CHQS huyện cũng nhận được sự đóng góp, ủng hộ gồm tiền mặt, các phần quà, nhu yếu phẩm của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn cho các công dân. Những ngày chiến đấu với dịch bệnh COVID-19, là những ngày nhiều vất vả, bất an, nhưng cũng hơn bao giờ hết, tình quân - dân lại bền chặt và sâu nặng như vậy, Thượng tá Ngô Xuân Nam khẳng định.

Mỹ Hạnh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/que-huong-la-noi-tro-ve/d2021080616480519.htm