Quê hương Tiền Giang khởi sắc từ một phong trào

Thời gian qua, bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã triển khai có hiệu quả phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' (viết tắt là Phong trào) để lại nhiều dấu ấn với những đổi thay tích cực về diện mạo nông thôn.NGÀY CÀNG LAN TỎA

Về Cái Bè trong những ngày mưa tháng 7, chạy xe bon bon trên những tuyến đường trải nhựa thẳng tắp, xuyên qua những vườn cây ăn trái bạt ngàn, dễ dàng nhận thấy sự “thay da đổi thịt” từng ngày trên quê hương Cái Bè.

Mô hình “Tuyến đường hoa, cờ hoa sáng - xanh - sạch - đẹp” trên đường Lê Việt Thắng, khu phố 7, phường 5, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Phương Mai

Mô hình “Tuyến đường hoa, cờ hoa sáng - xanh - sạch - đẹp” trên đường Lê Việt Thắng, khu phố 7, phường 5, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Phương Mai

Các tuyến đường nối liền từ thị trấn đến các xã nông thôn mới (NTM) không chỉ được đầu tư xây dựng rộng rãi, sạch sẽ mà còn được điểm tô bởi những mảng hoa tươi nhiều màu sắc, làm cho bức tranh làng quê thêm rực rỡ, đầy sức sống.

Xác định tính chất, tầm quan trọng của Phong trào, các ngành, các cấp huyện Cái Bè đã chú trọng công tác tuyên truyền, phát động Phong trào gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, từ đó nhận được sự đồng thuận, gắn kết cộng đồng dân cư với nhau.

Chủ tịch UBND xã Thiện Trí (huyện Cái Bè) Nguyễn Kim Tiến cho biết: “Phong trào đã tạo nền tảng vững chắc để xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Hằng năm, 100% ấp trên địa bàn xã giữ vững danh hiệu Ấp văn hóa, xã giữ vững danh hiệu Xã đạt chuẩn văn hóa NTM. Phong trào đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững, huy động được sức mạnh cộng đồng cùng nhau nỗ lực đưa quê hương Thiện Trí ngày càng thêm giàu đẹp”.

Nét nổi bật trong xây dựng đời sống văn hóa là thực hiện tốt các nhiệm vụ: Đoàn kết giúp nhau “xóa khó, giảm nghèo”; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường sạch - đẹp - an toàn; xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh.

Cùng với đó là xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa NTM, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; học tập, lao động sáng tạo; xây dựng người tốt - việc tốt, các điển hình tiên tiến được triển khai đồng bộ và đạt được những kết quả quan trọng.

Chất lượng môi trường văn hóa được nâng lên, các hủ tục từng bước được đẩy lùi; đa số các hộ gia đình, khu dân cư thực hiện nghiêm túc quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Theo UBND huyện Cái Bè, những kết quả mà Phong trào mang lại rất khả quan. Trong năm 2023, toàn huyện có 80.385 hộ đăng ký danh hiệu Gia đình văn hóa đạt 100%, kết quả bình xét có 76.767 hộ đạt 3 tiêu chuẩn Gia đình văn hóa, đạt 95,5%; công nhận lại 111/111 ấp, khu phố văn hóa, đạt 100%; 25/25 xã đạt chuẩn văn hóa NTM.

Cùng với đó, huyện đã công nhận mới 2 cơ sở thờ tự văn hóa, 3 con đường văn hóa nâng đến nay toàn huyện công nhận 63 cơ sở thờ tự văn hóa, 43 con đường văn hóa, 12 chợ văn hóa và 1 công viên văn hóa.

Còn tại huyện Cai Lậy, phong trào cũng đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Một trong những điểm nhấn của phong trào là ngày càng xuất hiện các mô hình, điển hình tiên tiến lan tỏa trong cộng đồng như “Tuyến đường thanh niên tự quản sáng - xanh - sạch - an ninh”, “Đoạn đường không rác”, “Tuyến đường ánh sáng an ninh”, “Chi hội Phụ nữ 5 không, 3 sạch”, “Tổ Phụ nữ giúp nhau giảm nghèo”...

Qua hơn 23 năm thực hiện phong trào, huyện Cai Lậy đã có nhiều tập thể, cá nhân sản xuất, kinh doanh giỏi, xây dựng gia đình hạnh phúc, đóng góp cho công tác an sinh xã hội, hiến đất xây dựng giao thông nông thôn… được biểu dương, khen thưởng.

TIẾP TỤC NÂNG CHẤT

Hơn 23 năm thực hiện Phong trào, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã để lại dấu ấn bằng những đổi thay tích cực về diện mạo nông thôn, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Thông qua Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hiện toàn tỉnh có tỷ lệ 94,72% hộ đạt 3 tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”, tăng 0,7% so với năm 2022; đạt 100% ấp, khu phố văn hóa và có 172/172 xã đạt chuẩn văn hóa NTM; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 69 chợ văn hóa, 18 công viên văn hóa, 951 con đường văn hóa, 569 cơ sở thờ tự văn hóa.

Tuyến đường giao thông tại khu phố Bình Sơn, thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy luôn thông thoáng, sạch đẹp. Ảnh: Quế Ngân

Tuyến đường giao thông tại khu phố Bình Sơn, thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy luôn thông thoáng, sạch đẹp. Ảnh: Quế Ngân

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, từ Phong trào đã giúp giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các hộ gia đình. Phong trào xây dựng ấp, khu phố văn hóa những năm gần đây phát triển nhanh, huy động được sự chung tay, góp sức của nhân dân. Nhiều thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Để triển khai tốt Phong trào trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 43 triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2022 - 2026” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với nhiều chỉ tiêu cụ thể như: 80% người dân được nâng cao mức hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có trung tâm văn hóa - thể thao; 70% ấp, khu phố giữ vững danh hiệu văn hóa, tiêu biểu; 80% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa…

Để Phong trào ngày càng lan tỏa sâu rộng, các ngành, các cấp, các địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, tiêu biểu; khu dân cư văn hóa, tiêu biểu; thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” trong giai đoạn mới gắn với việc xây dựng “Xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em”, góp phần thực hiện mục tiêu của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, đô thị văn minh; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa.

Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, an toàn ở địa bàn dân cư; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; đồng thời chú trọng xây dựng môi trường văn hóa học đường…

V.PHƯƠNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202407/que-huong-tien-giang-khoi-sac-tu-mot-phong-trao-1016297/