Quê hương trong 'Lục bát chiều'
Quê hương - hai tiếng thân thương, nơi đó chúng ta được sinh ra và lớn khôn, nơi lưu giữ những kỷ niệm tuổi thơ và luôn giang rộng vòng tay yêu thương đón chúng ta trở về mà ở đó có gia đình, có những người thân yêu.
Chính vì vậy, chỉ vì cuộc sống mưu sinh chúng ta phải xa quê, nhưng khi cuộc đời đã “ngã bóng về chiều”, theo tiếng gọi thiêng liêng của hai tiếng “Quê hương”, bất kể người đó là ai, dù ở chân trời góc bể nào trên thế gian cũng đều muốn trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình.
Nhà thơ - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Nguyễn Đăng Chế cũng vậy. Nhận thấy mình đã hoàn thành nhiệm vụ của một công dân với đất nước, sau bao năm lăn lộn nơi khói lửa chiến tranh ông đã trở về nơi ông cất tiếng khóc chào đời.
Về sống tại làng quê khi tuổi “đã hoàng hôn” ông cho ra mắt 5 tập thơ. Tập gần đây: “Lục bát chiều” ông thể hiện nỗi niềm tâm tư của người con tìm lại quá khứ nơi quê hương mình bằng những ngôn ngữ giai điệu lục bát quen thuộc của làng quê, thôn dã. Với vốn sống phong phú khi ông đã ở tuổi tám mươi và đã từng sống giữa mưa bom bão đạn để trở về với cuộc sống, ông là người “từ cõi chết trở về” (theo đúng nghĩa đen của nó) nên ông am hiểu nhiều mặt cuộc sống. Nhờ đó, giai điệu lục bát trong thơ ông mang đậm tính nhân văn, ấm áp, gần gũi và trữ tình như những làn điệu dân ca ví giặm, giao thoa giữa quá khứ và hiện tại.
Chính cuộc sống nơi thôn dã với gia đình, với tình yêu quê hương khi trở về đã giúp ông làm thơ. Ông từng thổ lộ: “Không phải tôi muốn trở thành nhà thơ mà tôi chỉ muốn nói lên tình cảm với quê hương, với những gì tôi từng trải thời tuổi thơ và với hiện tại”. Và ông khiêm nhường: “Thơ xoàng bộc bạch dăm câu/ Gọi “lều” còn tạm, tớ đâu nhận “nhà””. Dẫu thế, bằng những câu thơ lục bát nhẹ nhàng, sâu lắng, đậm chất làng quê ông đã vẽ lên trước mắt chúng ta một bức tranh thiên nhiên tươi sáng, sinh động và đầy màu sắc: “Nghiêng nghiêng nắng. Ngẩn ngơ chiều/ Làn mây lửng thửng, cánh diều nhẹ bay/ Phải trời cao nhớ đất dày/ Mà sao nắng - gió - cỏ cây nhuộm màu?”.
Không gian “Lục bát chiều” mở ra với bàng bạc nỗi nhớ, tìm lại quá khứ với những trò nghịch ngợm, hồn nhiên của tuổi thơ: “Trèo lên tổ sáo đỉnh lèn/ Sướng ơi là sướng cưỡi lên lưng trời”. Trong mắt ông ngày ấy, quê hương luôn là điều hạnh phúc nhất: “Dắt bò lên tận chân đồi/ Lần tìm sim chín hát cười nghêu ngao”. Ông mong về với quê hương cũng vì: “Ta về tìm chút thảnh thơi/ Mong sao gặp lại cái thời hồn nhiên” hay: “Ta về tìm lại ta xưa/ Đen như củ súng giữa trưa lội đồng”. Ông rất yêu cái thời hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ: “Cái thời xưa ấy, ta yêu/ Quên trời quên đất liêu xiêu - vẫn cười”, dù vất vả, gian nan: “Với thời cua cáy mò sông/ Với rơm rạ, với gánh gồng trầy vai”, hay: “Vụ năm tiếp nối vụ mười/ Đòn xóc đòn gánh không rời vai tôi”. Người anh hùng muốn trở về quê hương với những mong muốn bình dị, dân dã: “Tôi về tìm lại áo nâu/ Tìm cây rau má mọc sau hồi nhà”, không cao lương mĩ vị mà chỉ: “Quả cà mẹ muối thơm giòn/ Sáng ra với rổ khoai còn bốc hơi”.
Nhưng, trên tất cả, ông “về tìm lại ngày xưa” nơi làng quê không chỉ là những ký ức tuổi thơ mà cái đầu tiên chính là về với người mẹ già đã ở tuổi thượng thọ. Người cha đã mất, anh trai hy sinh trong Nam vẫn chưa tìm được mộ, các em công tác ở xa, nhà chỉ còn người mẹ một mình một bóng và người vợ vô cùng yêu thương đã cùng ông vào sinh ra tử từ những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Đó là quê hương mà ông yêu tha thiết. Đó là tiếng gọi thiêng liêng, mạnh mẽ nhất của con tim Người anh hùng. Ông phải về!
Tình yêu quê hương của ông ngày xưa mộc mạc thơ ngây, “mây gió”, còn giờ đây tình yêu đó lớn hơn, tha thiết hơn, bao quát và trách nhiệm: “Ngày mùa lận đận sớm hôm/ Mẹ trằn trọc với khói sương gánh gồng/ Tháng năm nắng táp gió lồng/ Liêu xiêu dáng mẹ giữa đồng nắng trưa”. Ông lại càng thương quý mẹ khi biết mẹ xuất thân từ nghề dệt vải chưa quen với ruộng đồng, nhưng vì các con mẹ đã: “Cấy cày tập tễnh sớm trưa/ Dần quen mẹ trở thành “vua” cấy cày”. Mẹ đã cố gắng bươn chải để theo kịp mọi người: “Bám đồng mẹ cấy dáng người liêu xiêu/ Nón tơi theo bước dân nghèo/ Bước cao bước thấp sớm chiều lấm thân”.
Puskin từng viết “Linh hồn là ấn tượng của một tác phẩm. Cây cỏ sống được là nhờ ánh sáng, chim muông sống được là nhờ tiếng ca, một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút”. Giai điệu “Lục bát chiều” là tiếng lòng tha thiết yêu quê hương, hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương người vợ của mình, nghĩa tình với đồng đội, với bà con làng xóm của ông. Nhà thơ - Người anh hùng đã để tiếng lòng mình cất lên giai điệu của làng quê, để linh hồn giai điệu lục bát neo đậu mãi trong trái tim người đọc về một miền quê thanh bình, yên ả…
Chúng ta không ngạc nhiên về những đức tính mà ông có: Dũng cảm, dám hy sinh khi Tổ quốc cần, yêu quê hương tha thiết, đồng cảm sẻ chia với đồng đội, với bà con làng xóm, hiếu thảo với cha mẹ, v.v… Nhưng có lẽ cái “nền” quan trọng hơn cả đó là ông được sinh ra và lớn lên trong một gia đình “danh gia vọng tộc” giàu truyền thống cách mạng, yêu nước, thương dân.
Ông nội của ông là cụ Nguyễn Thế Mỹ, một nhà nho, một nhân sĩ yêu nước hoạt động trong những hội kín của các sĩ phu văn thân yêu nước thời Cần Vương bị đày ra Côn Đảo. Cha ông, cụ Nguyễn Thanh Khầm, hoạt động cách mạng từ những ngày tiền khởi nghĩa, nhiều năm cụ là Trưởng phòng của Ty Văn hóa Nghệ An. Một điều đặc biệt là cả ông nội và cha ông đều làm thơ để hoạt động cách mạng, người em trai của ông là nhà văn Nguyễn Đăng An. Bản thân ông không những được hưởng cái “di truyền” truyền thống quý báu đó của gia đình, dòng tộc mà ông còn bồi đắp dày thêm, cao thêm cái nền tảng vinh quang đó.
Với những truyền thống quý giá đó, người anh hùng đã thể hiện nổi bật bản chất nền tảng của gia đình, dòng tộc trong những thời điểm mà lịch sử đặt ra những thách thức quyết liệt, đòi hỏi tính quyết đoán, lòng dũng cảm và sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc của người anh hùng. Trong cuộc chiến đấu ở phà Bến Thủy trên dòng sông Lam, lần đó, đã hơn một tuần, trước tình hình hàng ngàn phương tiện chiến tranh chi viện cho miền Nam bị dồn ứ ở bờ Bắc do nhiều bom Mỹ thả chưa nổ nằm dưới lòng sông.
Tại thời khắc quyết định, ông đã xung phong lái con phà cảm tử kích nổ những quả bom từ trường nguy hiểm đó. Trước khi xung trận, mọi người đã làm lễ truy điệu sống ông cùng 4 đồng đội vì người ta chắc ông và đồng đội “sẽ không trở về”. Và ông đã “chết” thật! Bom nổ. Những cột nước hất cả cái phà và cano nặng hàng chục tấn cùng ông lên cao rồi “thả” ông nổi bồng bềnh trên mặt nước. Đồng đội ông đã khóc, thương xót người phà trưởng anh hùng và chuẩn bị làm lễ truy điệu. Mẹ và vợ ông nghe tin cũng đã khóc hết nước mắt.
Nhưng kỳ lạ thay, sự dũng cảm, sức sống của người anh hùng đã chiến thắng! Ông đã hồi tỉnh sau đó. Sau gần nửa năm điều trị tích cực trong bệnh viện ông đã bình phục. Người ta vào tận bệnh viện đề nghị ông làm hồ sơ để Nhà nước phong anh hùng. Ông nghĩ: Hôm ông bị, đúng hai tuần trước đó, 8 đồng đội của ông đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Họ hoàn toàn xứng đáng làm hồ sơ, sao chỉ có mình ông? Ông không nỡ! Ông không cảm thấy sung sướng nhận cái vinh quang đó về riêng mình khi nhiều đồng đội của ông mới vừa ngã xuống.
Từ xa xưa, cha mẹ ông dạy các con: “Thanh cao - gắng giữ cho tròn/ Đạo người tiếp nối ngọn nguồn ông cha”, “Mẹ dặn con cháu chữ Tâm ở đời” và với các con ông cũng nhắc nhở: “Áo rách còn giữ được lề/ Nón rách vẫn giữ lấy mê đội đầu/ Tình người đâu phải sang giàu”. Bản thân ông, tuy đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, tuổi đã cao nhưng ông vẫn cố gắng gìn giữ mình trong cuộc sống thường ngày: “Và nay ta nhắc với ta/ Lời dày tâm mỏng chỉ là lời suông", và ông nói với vợ: “Dẫu sao cũng gắng làm gương chiều tà”.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/que-huong-trong-luc-bat-chieu-i689762/