Quê hương trong trái tim Bác Hồ
Mỗi dịp kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác, chúng ta, nhất là các nhà nghiên cứu, thường nêu câu hỏi: Những gì đã tạo dựng, đã hun đúc nên thiên tài Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất? Gia đình, quê hương, đất nước có vai trò như thế nào trong việc hình thành nhân cách, trí tuệ, bản lĩnh, tầm vóc văn hóa của Người?
Xa nhà chốc mấy mươi niên
Đêm qua nghe giọng mẹ hiền ru con!
Chỉ đôi câu thơ ngắn nhưng đã chất chứa bao điều về tình cảm với quê hương, đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi bất chợt được nghe người mẹ Việt kiều ru con trên đất khách quê người ở Thái Lan. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng, tới lúc đi xa chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Năm 1906, Người theo cha rời Nghệ An vào Huế. Có lẽ chính bản thân Người cũng không nghĩ rằng lần tạm biệt quê hương này phải đến 51 năm sau mới trở lại. Ra đi tìm đường cứu nước, bôn ba hơn 30 năm ở nước ngoài, rồi trở về nước lãnh đạo nhân dân giành độc lập, người trai chí lớn của làng Sen nay đã trở thành vị Chủ tịch nước, bộn bề việc nước, nén cả tình riêng. Nhưng trong trái tim bao la của Người, chúng ta hiểu, vẫn có góc thẳm sâu dành cho gia đình, quê hương. Bởi như Bác đã từng nói: “Người kiên quyết cách mạng nhất lại là người đa tình, chí hiếu nhất”( 1).
Tháng 10-1946, đoàn đại biểu Nghệ An ra Hà Nội họp kỳ họp thứ hai của Quốc hội, Bác đã đến thăm đoàn ngay hôm đoàn vừa tới. Bác đến theo lối "du kích" khiến cho mọi người bất ngờ, xúc động phát khóc. Bác cũng bồi hồi cảm kích trước cảnh sum vầy, hàng chục năm trời xa cách, nay mới gặp được người quê hương. Nhưng Bác đã rất nhanh chóng lấy lại không khí vui vẻ, chan hòa và nói: “Tôi đến thăm đoàn đại biểu quê nhà thì các đồng chí phải vui chứ răng lại khóc rứa? Thôi ai có câu chuyện chi ta kể cho nhau nghe mô”. Cả đoàn thật không ngờ khi Bác đi xa quê lâu gần nửa thế kỷ mà vẫn còn giữ tiếng quê cha đất tổ. Và lại càng trân trọng hơn từng phút giây thiêng liêng mà Bác đã dành cho đoàn đại biểu quê nhà, khi tình hình trong nước thời điểm đó có nhiều vấn đề rất quan trọng và phức tạp khiến Bác vô cùng bận rộn.
Ngày 27-10-1946, bà Thanh (chị gái Chủ tịch Hồ Chí Minh) ra thăm Người ở Hà Nội, bà có hỏi: “Thế chị muốn biết khi nào cậu về thăm quê được?”. Người đưa mắt nhìn ra cửa sổ một lát, rồi trả lời: “Chị ơi, em cũng muốn về thăm quê, nhưng chắc chắn còn lâu, vì việc nước còn nặng nề lắm”. Ngày 3-11-1946, anh trai Người là ông cả Khiêm ra Hà Nội thăm Người cũng hỏi: “Chú có ý định khi nào về thăm quê?”. Người thong thả trả lời: “Về đến đây cũng là về đến nhà rồi, tình hình và công việc này chưa cho phép nghĩ tới, chắc việc đó còn lâu”. Người cũng hứa với ông cả Khiêm sẽ về thăm quê.
Điều Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với bà Thanh và hứa với ông cả Khiêm năm 1946, mãi 11 năm sau Người mới thực hiện được. Ngày 14-6-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê nhà lần đầu tiên. Người dồn nén nỗi xúc động trong hai câu thơ đọc tại Hội trường Tỉnh ủy, trước đông đủ đại biểu các đoàn thể, các giới đồng bào đến chào đón Người:
Quê hương nghĩa trọng tình cao
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình!
Làng Sen hôm ấy như một ngày hội lớn. Niềm vui của Bác lan khắp mọi người, ai ai cũng vui mừng như được thăm lại chính quê hương mình sau nhiều năm xa cách. Bác đi thong thả, gặp bà con chòm xóm, Bác vẫn nhắc đến tên cũ, thăm hỏi cặn kẽ những thay đổi, ai mất, ai còn và kể lại những kỷ niệm cũ. Bác còn nhớ từ đồ vật trong nhà, cái cây ngoài vườn, lối ngõ nhỏ, cho đến giếng nước, bờ ao...
Ngày 9-12-1961, quê nhà lại náo nức đón Bác về thăm lần thứ hai. Lần này Bác thăm quê ngoại ở làng Hoàng Trù trước. Bác vào nhà cụ Hoàng Xuân Đường (ông ngoại của Bác), Bác đi từ gian này đến gian kia, nơi thân mẫu Bác ra đời, chiếc án thư nơi cụ Hoàng Xuân Đường ngồi giảng sách. Vào ngôi nhà tranh ba gian ở phía tây nhà cụ Hoàng Xuân Đường, nơi đã chứng kiến sự miệt mài đèn sách của người cha - Nguyễn Sinh Sắc, sự tần tảo của người mẹ - bà Hoàng Thị Loan; nơi Bác và anh, chị mình đã cất tiếng khóc chào đời, được bồng bế nâng niu bởi ông bà, cha mẹ trong những ngày ấu thơ… Bác vô cùng xúc động. Cảnh vật và kỷ niệm cũ còn đó, mà những người thân yêu đã đi xa, mắt Bác rưng rưng.
Những năm sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh không có điều kiện để về thăm quê hương Nghệ An nhưng Người vẫn dành cho Nghệ An sự quan tâm sâu sắc. Bác đã viết những bức thư, những bài nói chuyện gửi cho quê nhà, chứa đựng nhiều tình cảm yêu thương, quan tâm đối với đất và người nơi Bác đã sinh ra, khơi dậy truyền thống hào hùng và khích lệ nhân dân đoàn kết, phấn đấu xây dựng tỉnh nhà vững mạnh.
Ôm trọn trong tim hình bóng dân tộc, Bác dành ở đó một phần cho quê hương: Người vẫn giữ cho mình giọng Nghệ nằng nặng, trầm ấm, chân chất, vang vọng. Người còn thuộc nhiều làn điệu hát ví, hát dặm, hát phường vải của quê nhà đến độ nhớ và nhắc giúp ca sĩ quê nhà về cách phát âm, cách luyến láy một số từ giọng Nghệ khi hát xướng. Trong bữa ăn thường nhật, Người ưa món tương, cà, nhút, vừng của quê nhà. Hình bóng quê hương còn hiện diện nơi Bác ở trong khu Phủ Chủ tịch với những hàng cau thẳng tắp, hàng rào dâm bụt đỏ hoa... Những giá trị văn hóa dân tộc đẹp đẽ vẫn luôn song hành cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên hành trình cách mạng, tiếp thêm sức mạnh cho Người, cũng chính là bài học sâu sắc thấm thía mà Người đã để lại cho các thế hệ mai sau: Tất cả mọi tình cảm vĩ đại trước hết được bắt nguồn từ tình yêu quê hương tha thiết.
VŨ KIM YẾN (Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.8, tr.99
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/que-huong-trong-trai-tim-bac-ho-777488