Quê hương trong trái tim

Long An 'Trung dũng kiên cường' và cũng rất thơ mộng, trữ tình. Vùng đất với đôi dòng Vàm Cỏ nổi tiếng ấy trở thành nguồn cảm hứng cho bao thi sĩ, nhạc sĩ. Và cũng từ đây, nhiều tác phẩm thơ, ca, vở diễn đã đi vào lòng người, nhẹ nhàng, mộc mạc và bình dị như chính con người và vùng đất Long An nghĩa tình.

Dệt tình thơ qua từng vùng đất

Nhà thơ Trần Ngọc Hưởng có khoảng 70 sáng tác về vùng đất, con người Long An

Nhà thơ Trần Ngọc Hưởng có khoảng 70 sáng tác về vùng đất, con người Long An

Quê hương chính là nguồn cảm hứng để nhà giáo, nhà thơ Trần Ngọc Hưởng gửi gắm bao ân tình. Gần như dành trọn cuộc đời mình cho Long An nên hầu hết các sáng tác của ông được "dệt" bằng chất liệu quê hương. Khoảng 70 bài thơ về quê hương của ông là những góc nhìn khác nhau về nét đẹp hiền hòa, dung dị của một miền quê:

Ta về Mộc Hóa đi em,

Lại ngồi vỏ lãi ngắm sen trổ hồng.

Đồng vàng hoe lúa trĩu bông,

Xôn xao trăng mật hương đồng mơn man.

(Trích bài thơ Lại về Mộc Hóa, 2023)

Những ai chưa đến, chưa yêu Mộc Hóa cũng cảm thấy mến vùng đất này qua những câu thơ khắc họa của nhà thơ Trần Ngọc Hưởng. Miền đất chua phèn ngày nào giờ đã nặng trĩu những mùa vàng. Từng hơi thở, nhịp sống mới đang về với Mộc Hóa thân thương.

Đến với thơ Trần Ngọc Hưởng, người đọc như được chiêm ngưỡng vẻ đẹp từng vùng đất của quê hương "Trung dũng kiên cường". Từ Mộc Hóa, theo chân nhà thơ về với Tầm Vu, Bến Lức, nơi nào cũng cũng đẹp, cũng thơ:

Đến Tầm Vu để tầm duyên

Tầm xuân anh đã gặp em rạng ngời

Hòa chung một tiếng tình ơi

Vòng tay quấn chặt chẳng rời nhau ra

(Trích Tầm xuân, 2024).

Hay trong đoạn trích bài thơ Về chơi Bến Lức được sáng tác năm 2023, nhà thơ cũng bộc bạch:

Về chơi Bến Lức đi em

Hai ta một góc bình yên đây rồi

Chẳng mơ chi chốn xa xôi

Cà phê quán cũ lại ngồi nhẩn nha.

Tự hào truyền thống anh hùng

Bên dòng Long Khốt là vở diễn đặc sắc, tái hiện giai đoạn chiến tranh biên giới Tây Nam đầy ác liệt

Bên dòng Long Khốt là vở diễn đặc sắc, tái hiện giai đoạn chiến tranh biên giới Tây Nam đầy ác liệt

Nhắc đến Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, người mộ điệu nhớ đến những vở tuồng đã đi vào lòng người, khắc họa lòng yêu nước, kiên trung của những người con Long An. Vở cải lương Bên dòng Long Khốt được biểu diễn lần đầu vào tháng 11/2022 (hoãn biểu diễn 1 năm do dịch Covid-19) đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả và giới chuyên môn. Vở diễn đoạt giải xuất sắc tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2021 (diễn ra từ ngày 05 đến 22/11/2022). Khai thác đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam, giai đoạn lịch sử quan trọng và đầy đau thương của cả Việt Nam và Campuchia, Bên dòng Long Khốt tôn vinh tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc, khẳng định sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh. Ngày 17/5/2024, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An diễn lại vở Bên dòng Long Khốt tại Di tích lịch sử quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt nhân dịp khánh thành di tích giai đoạn 2 và kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thu hút hơn 500 khán giả trong, ngoài tỉnh đến xem.

Poster của vở diễn Truyền tích Nàng Thơm

Poster của vở diễn Truyền tích Nàng Thơm

Trong Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V/2022 tại Hà Nội, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An biểu diễn vở Truyền tích Nàng Thơm. Vở diễn được lấy cảm hứng từ lần đi thực tế tại huyện Cần Đước của tác giả Lê Thế Song trong quá trình tìm hiểu nguồn gốc của lúa Nàng Thơm. Vở diễn mượn chuyện tình yêu đẹp giữa nàng Lúa và chàng Đào để ca ngợi vẻ đẹp, sự chung thủy và phẩm chất cao quý của người dân Long An. Truyền tích Nàng Thơm còn gây ấn tượng bởi sự kết hợp độc đáo giữa các nhạc cụ dân tộc như đờn tranh, bầu, kìm; sáo hòa quyện với tiếng trống tạo nên tác phẩm nhiều màu sắc.

Thân thương khúc hát ân tình

Ngoài những vần thơ trữ tình mang đậm hồn quê, những vở diễn khắc họa tình yêu nước của những người con miền đất anh hùng, Long An còn được biết đến qua những ca khúc ngọt ngào. Sinh ra và lớn lên ở Long An, nhạc sĩ trẻ Lê Long Phiên dành tình yêu sâu sắc cho mảnh đất quê hương. Nơi đây từng là vùng đất kháng chiến gian khó, nay khoác lên mình diện mạo mới tươi đẹp. Nhìn quê hương đổi mới từng ngày, trái tim người nhạc sĩ lại thổn thức.

Anh Lê Long Phiên là một trong những nhạc sĩ trẻ có nhiều sáng tác về quê hương Long An

Anh Lê Long Phiên là một trong những nhạc sĩ trẻ có nhiều sáng tác về quê hương Long An

Bên cạnh những nhạc phẩm tạo được tiếng vang như Long An khúc hát ân tình (đoạt Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Thông năm 2022), Về thăm quê mẹ Long An, Hát vang Long An trung dũng kiên cường,... gần đây, nhạc sĩ Lê Long Phiên cho ra mắt nhiều nhạc phẩm về Long An như Long An tỏa nắng xuân về, Về Vĩnh Hưng.

Ca khúc Long An tỏa nắng xuân về (sáng tác năm 2023) như một lời mời chân tình: "Về với Tân An thành phố bên sông, đón xuân hồng vui lời hòa ca, xuôi sông Vàm những chiều lộng gió". Chia sẻ về ca khúc, nhạc sĩ Lê Long Phiên tâm sự: “Bắt nhịp cuộc sống của người dân qua những ngày xuân và cảm nhận rõ sự chuyển mình, hướng đến công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh, tôi đã viết nên tác phẩm Long An tỏa nắng xuân về”.

Anh cũng ấp ủ dự định sáng tác những nhạc phẩm riêng về từng huyện, thị xã, thành phố, qua đó khắc họa nhịp sống, con người, văn hóa từng địa phương, góp phần trao truyền lòng yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Về Vĩnh Hưng (sáng tác năm 2024) là một trong những sáng tác như thế, mở đầu bằng những câu dân ca ngọt ngào, thấm đẫm tình quê: "Ta ngược Vàm Cỏ Tây trở về thăm biên giới qua vùng đất kiên trung, đây Vĩnh Hưng thanh bình. Dẫu sỏi đá đồng bưng, dẫu nắng gió mưa dầm, người dân quê tôi thật thà chẳng ngại khó ai ơi".

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh - Nguyễn Lành chia sẻ: “Văn, nghệ sĩ Long An đều yêu quê hương, đất nước và tình yêu đó trở thành chất liệu cho những sáng tác. Một số tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như Dòng sông quê em (thơ Hoài Vũ, nhạc Trương Quang Lục, lời vọng cổ Huyền Nhung); Mùa lúa quê tôi của cố nhạc sĩ Lê Phương. Chủ trương của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh là luôn khuyến khích các văn, nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm về đặc trưng con người, vùng đất Long An”.

Ai trong mỗi chúng ta đều mang nặng tình cảm với quê hương. Đó là nơi ta được sinh ra, lớn lên, nơi đã ôm ấp, yêu thương và cho ta thêm niềm tự hào. Và tình yêu đó được khắc họa trong thơ, ca, vở diễn, để rồi mỗi lần thưởng thức, ta lại thêm yêu quê hương mình, tự hào là người con của mảnh đất "Trung dũng kiên cường"./.

Văn, nghệ sĩ Long An đều yêu quê hương, đất nước và tình yêu đó trở thành chất liệu cho những sáng tác... Chủ trương của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh là luôn khuyến khích các văn, nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm về đặc trưng con người, vùng đất Long An.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh - Nguyễn Lành

Văn hóa, con người Long An qua từng tác phẩm

Nghệ thuật là một phần quan trọng của cuộc sống, phản ánh chân thực xã hội, con người trong từng giai đoạn.

Ngọc Hân

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/que-huong-trong-trai-tim-a181811.html