Quế Phong đẩy mạnh hỗ trợ người nghèo phát triển mô hình sinh kế

Với sự động viên, hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã mạnh dạn đầu tư các mô hình kinh tế phù hợp, vươn lên thoát nghèo đa chiều, bền vững.

Quế Phong là huyện vùng cao biên giới nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, với hơn 90% dân dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. 11 trên 12 xã tại huyện Quế Phong là xã đặc biệt khó khăn (khu vực III), tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn huyện lên tới 65%. Giảm nghèo là thách thức lớn, cũng là nhiệm vụ trọng tâm được cấp ủy, chính quyền tập trung.

Nhờ các mô hình, dự án hỗ trợ người nghèo từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Quế Phong đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các hộ nghèo không chỉ được hỗ trợ về vốn, giống, các hộ nghèo còn được chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi. Huyện cũng đã căn cứ trên thế mạnh các vùng đất, hỗ trợ giống, kỹ thuật cho người dân; kết hợp vận động, tuyên truyền để khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của nhân dân, từng bước thay đổi diện mạo vùng quê nghèo khó.

Tại vùng tái định cư thủy điện Hủa Na tại bản Piêng Cu của xã Tiền Phong, nhìn những căn nhà sum suê cây trái, rau củ có thể nhận ra sự đổi thay của địa phương này. Có được biến chuyển đó là do các hộ nghèo nơi đây được hỗ trợ bò giống để chăn nuôi, tạo “đòn bẩy” cho họ có cơ hội vươn lên xóa nghèo.

Gia đình Lô Văn Thủy là một trong hàng chục hộ của bản Piêng Cu vừa được Nhà nước cấp 1 con bò cái sinh sản. Anh Thủy chia sẻ gia đình tái định cư ở đây từ năm 2010, cuộc sống quanh năm dựa vào nguồn thu nhập từ 1ha đất trồng keo, 200m ruộng lúa, ngoài ra ai thuê gì làm nấy và vào rừng lấy măng, nên mãi gia đình anh chưa thoát được hộ nghèo.

Gần đây, bản Piêng Cu xem xét gia đình nằm trong danh sách được cấp bò để nuôi. Nghe tin, anh Thủy rất mừng, gia đình làm chuồng trại và dành một khu đất hơn 100m2 ven đồi keo để trồng cỏ voi, làm thức ăn cho bò. Được cấp 1 con bò cái, gia đình tập trung chăm sóc chu đáo bằng cách chăn dắt và tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Anh coi đây là sinh kế lớn, mọi thành viên trong gia đình đều ý thức chăm sóc bò thật tốt để sau này phát triển thành đàn. Đây là cơ hội sáng để gia đình anh thoát khỏi hộ nghèo.

Đầu năm 2024, toàn bộ hộ nghèo và cận nghèo trong bản Piêng Cu của anh Thủy đều được Nhà nước cấp bò nuôi sinh sản, tạo đòn bẩy thoát nghèo trong những năm tới.

Xã Tiền Phong nơi anh Thủy sinh sống có hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo vừa được cấp bò đẻ nuôi. Quan điểm của địa phương là tập trung xóa hộ nghèo theo từng bản, nên bò giống được cấp theo bản, không cấp rải rác như trước. Các hộ dân được cấp bò đều phải cam kết với xã, bản làm chuồng trại, trồng cỏ và nuôi theo hình thức chăn dắt, kết hợp nuôi nhốt, không được thả rông trong rừng...

Tại xã Châu Kim, huyện Quế Phong, cùng với cấp lợn giống, các hộ nghèo được cấp kèm số lượng cám nhất định. Năm 2024, sau gần 1 năm chăn nuôi, điểm sáng được ghi nhận nhất là đa phần các hộ có trách nhiệm cao trong chăm sóc. Bà con tận dụng nguồn rau sẵn có tại địa phương: cây mùng, dây khoai lang, chuối rừng… trộn với cám gạo, cám ngô cho lợn ăn hằng ngày.

Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, xã Châu Kim đề xuất huyện hỗ trợ giống bò, gà địa phương và cây quế Quỳ cho người dân nuôi, trồng. Đây được xem là đòn bẩy để các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, chăm lo.

Trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, chăm lo.

Không chỉ hỗ trợ mô hình sinh kế, huyện Quế Phong còn quan tâm, bù đắp chiều thiếu hụt về nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo. Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện được nhân dân trong huyện đồng tình, ủng hộ.

Mới đây, hai gia đình thuộc diện nghèo là hộ bà Lộc Thị Minh (trú tại xóm Hợp Tiến, xã Châu Thôn) và hộ ông Lữ Văn Tường (trú tại Bản Chiếng xã Hạnh Dịch) đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở mới. Trước đó, hai hộ gia đình này ở nhà tạm chưa đủ 3 cứng, các thành viên lại thường xuyên ốm đau không có điều kiện làm nhà.

Nắm được tình hình, chính quyền hai xã đã vận động các cơ quan, đoàn thể, nhà hảo tâm hỗ trợ, đồng thời huy động cán bộ thôn bản, anh em họ hàng giúp đỡ ngày công đào móng, xây dựng 2 căn nhà kiên cố.

Để thúc đẩy kinh tế, dần giúp người dân thoát nghèo, từ nay đến hết năm 2024, huyện Quế Phong tiếp tục hỗ trợ cho người dân theo nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia. Điểm nổi bật về chủ trương của huyện là tập trung hỗ trợ cho bà con triển khai trồng 60 vạn cây quế Quỳ.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/que-phong-day-manh-ho-tro-nguoi-ngheo-phat-trien-mo-hinh-sinh-ke-2322206.html