Quê tui, xứ nẫu
Nói 'quê tui' vì người viết bài này là dân nẫu (Phú Yên). Dân nẫu chỉ quen xưng ' tui'. Còn bài ca dao làm lời đề tựa, là có ý muốn giải thích nghĩa của từ 'nẫu'.
Thương chi cho uổng công tình
Nẫu dìa (về) xứ nẫu bỏ mình bơ bơ
Nói “quê tui” vì người viết bài này là dân nẫu (Phú Yên). Dân nẫu chỉ quen xưng “ tui”. Còn bài ca dao làm lời đề tựa, là có ý muốn giải thích nghĩa của từ “nẫu”.
Vâng, người quê tui không xưng “tôi”, không gọi “người ta, đằng ấy” mà kêu “nẫu”. Tiếng nẫu đặc trưng, không đụng hàng. Hẳn bạn sẽ ngơ ngác khi nghe: “đừng làm dẫy, nẫu cừ” (đừng làm vậy, người ta cười), ngầu sít dô (ngồi sát vô), vá vắt (quá quắt) và vân vân... Giọng nẫu nặng trịch, tiếng nẫu quê mùa, cục mịch, bị chê nhiều. Nhưng bạn tui xa quê kể, lăn lộn trên đất khách, lâu lâu nghe được giọng nẫu, mừng phát khóc. Lúc đầu tui thấy khó tin nhưng phải đến khi hôn mê ở Chợ Rẫy, lúc tỉnh dậy nghe được giọng nẫu của một bệnh nhân cùng phòng, tui mới hiểu được cảm giác “mừng phát khóc” đó.
Nhớ cái hồi từ vựa lúa Tuy Hòa lên Sông Hinh, huyện miền núi giáp Đăk Lắk làm cô giáo. Chưa ra khỏi Phú Yên nhưng với tui, đây là vùng đất hoàn toàn mới. Phụ huynh gọi “cô giáo dưới đồng”. Học trò nghịch hơn, chúng gọi “cô giáo nẫu”. Có sự phân biệt vậy vì dưới xuôi là dân Phú Yên gốc, còn nơi tui tới là vùng sơn lâm mới khai phá, dân di cư là chủ yếu. Người nơi đây không giống chút gì với người quê tui, tất tật mọi thứ, từ lời ăn tiếng nói đến ứng xử, tập quán.
Học trò phát âm giọng Bắc, rất chuẩn. Các em lạ lẫm, cười toe khi nghe tiếng nẫu. Hiểu sự bất tiện đó nên trong quá trình dạy học, tui luôn cố gắng sử dụng ngôn ngữ toàn dân. Đang làm việc ở Phú Yên nhưng vùng kinh tế mới cho tui cảm giác xa quê thực sự. Trên chính quê hương xứ sở nhưng nỗi nhớ cứ cồn cào, thường trực. Vì như thế, nên khi về với đời thường, tui vẫn chen tiếng nẫu vào lời ăn tiếng nói của mình. Nẫu chè nẫu chẹt thì đã sao, tui không có ý định chối bỏ tiếng “mẹ đẻ” của mình. Tui cứ thích nói nẫu, thứ tiếng đã ngấm vào máu thịt tự lúc nào. Và tui có thể bằng niềm tự hào lộ liễu, thao thao bất tuyệt về nơi mình đã sinh ra và lớn lên, nếu có cơ hội để thổ lộ.
Không chỉ “đặc sản” tiếng nẫu, quê tui còn bao điều đặc biệt khác. Như xóm tui, cái xóm nhỏ gần sông Bàn Thạch. Xóm nghèo nhưng ấm áp nghĩa tình.
Tui lớn lên bằng kí ức ngày nhỏ, hễ trong xóm có đám giỗ thì lũ con nít được kêu lại cho bánh ít lá gai. Bây giờ vẫn thế. Kể chuyện này, bạn bè bảo thời nào rồi mà đám giỗ còn tự nấu và phát bánh cho trẻ nhỏ. Nhưng từ xưa đến giờ vẫn vậy, cơ bản là người quê tui thích, nó là niềm vui yêu thương được phân phát.
Trong kí ức của mình, tui chưa bao giờ quên con đường ngoằn nghèo, thăm thẳm đổ đến sông mà hai bên đường là những hàng tre xanh rì, cao tít tắp. Bến sông mát rượi. Qua khỏi bờ cát dài là những đồng cỏ nằm sát núi và những đám ruộng thổ trồng hoa màu. Lũ chăn bò nghịch hơn quỷ, mắt dơi mắt chuột bẻ mía, móc khoai. Cũng nhiều lần bị tó đầu nhưng chỉ nhéo tai là cùng, nặng nhất là bị đến nhà mắng vốn. “Quất một roi cho tởn. Bận sau đừng phá của nẫu nữa. Nhỏ phá mình hông nghiêm, mai mốt lớn nó thành... ăn cướp cho coi!” - Đó là những lời của bác Năm Rấp nói với ba, sau khi túm được tui trong đám mía. Đó là bài học đầu tiên về lòng tự trọng và tình thương. Đó cũng là lần đầu tiên, tui thấy người quê mình dễ thương đến lạ!
Dễ thương nữa là cái chợ nhỏ bên nhà. Tui gọi “chợ tình”. Đồ ăn nhà làm, rau trái vườn trồng, được bán với giá rất rẻ - như thể vừa bán, vừa cho. Gần bốn mươi tuổi, tui ba lần chuyển chỗ ở và từng ghé lại nhiều cái chợ nhưng những lần xê dịch đó chỉ củng cố thêm ý nghĩ, chẳng có cái chợ nào dễ thương như chợ Xổm quê tui. Chợ khô ráo, sạch sẽ. Siêu xởi lởi. Nói sao bán vậy. Nẫu không cần kì kèo, người bán tự thấy như thế hãy còn ít và sẽ tự thêm. Nẫu có tin chuyện giữa thời bão giá, buổi sáng cầm hai ngàn ra chợ, nẫu vẫn có được một đĩa bánh bèo, bánh hỏi ăn no nê hoặc một bì su xoa, sâm nam mát rượi. Hồi còn nhỏ, tui thích được má dẫn ra chợ, thấy cái bộ dạng ủn ỉn của cô bé hột mít tui, mấy bác sẽ kéo lại cho viên kẹo, bịch chè rồi bảo ráng học cho má mày nhờ.
Kể bao nhiêu đây vẫn còn muốn kể nữa. Vì còn nhiều, nhiều nữa những kí ức đẹp đẽ, những tình cảm khó diễn đạt thành lời với quê hương xứ nẫu, xứ chưa kịp xa đã thấy nhớ...
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/que-tui-xu-nau-post438531.html