Quên đoạn tăm nhang trong lỗ rò tai cả năm trời

Mặc dù cảm thấy trong tai có một cái gì đó nhưng cụ ông vẫn không được các bác sĩ phát hiện ra thứ trong tai mình là gì dù đã đi khám ở nhiều bệnh viện.

Ngày 19-6, BS CK2 Thái Hữu Dũng, Phó Trưởng khoa Nhi tổng hợp, BV Tai Mũi Họng TP.HCM, cho biết BV vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân bị rò luân nhĩ hiếm gặp.

Bệnh nhân là cụ ông 73 tuổi ở Long An, nhập bệnh viện trong tình trạng tai đã lở loét, viêm nhiễm, sưng và chảy dịch. Bệnh nhân kể lại ông có hai lỗ rò (châm kim) ở tai, thường tiết dịch hôi, gây cảm giác ngứa vùng xung quanh lỗ rò. Mỗi lần như vậy, ông có thói quen dùng tăm nhang ngoáy vào lỗ rò cho đỡ ngứa.

“Cách đây một năm, khi tôi đang dùng tăm nhang ngoáy tai thì cháu tôi nhảy vào người làm gãy cây tăm. Từ lúc đó tôi thường xuyên có cảm giác khó chịu, đi khám hết chỗ này đến chỗ khác nhưng không rõ trong tai có cái gì. Đi khám nhiều nơi, các bác sĩ đều nói tai tôi bình thường" - bệnh nhân cho hay.

Sau một tuần phẫu thuật hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Sau một tuần phẫu thuật hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Cách đây một tháng, vùng phía trước và phía sau tai bệnh nhân bắt đầu sưng nề, chảy dịch hôi nhiều. Do đó ông đã chuyển đến khám tại BV Tai Mũi Họng khi tai đã nhiễm trùng nặng.

“Thông thường nếu lỗ rò trước bị tắc sẽ chảy dịch trước nhưng tôi không hiểu sao bệnh nhân lại bị tắc đường rò trước, chảy dịch phía sau tai, gây viêm nhiễm cả vùng tai. Đến khi điều trị áp xe và phẫu thuật lấy lỗ rò bác sĩ mới phát hiện trong tai bệnh nhân có cây tăm nhang dài 2 cm” - BS Dũng nói.

Sau một tuần phẫu thuật, hiện sức khỏe của bệnh nhân khá ổn định.

ThS-BS CK2 Võ Quang Phúc, Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP.HCM, cho biết rò luân nhĩ là hiện tượng vùng trước vành tai có một lỗ nhỏ xuất hiện từ khi sinh ra. Đây là một dị tật bẩm sinh được gây ra bởi sự khiếm khuyết hay sự hợp nhất không hoàn toàn trong quá trình phôi thai. Bệnh nhân rò luân nhĩ thường không có triệu chứng và không cần điều trị, tuy nhiên khi bị áp xe hoặc viêm nhiễm nặng phải phẫu thuật có thể làm teo vùng tai, gây mất thẩm mỹ cho bệnh nhân.

“1/3 bệnh nhân thường không có triệu chứng và không cần điều trị gì khi bị rò luân nhĩ. Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý khi có tình trạng ngứa không nên dùng vật lạ ngoáy vào tai hay tự điều trị rò luân nhĩ không theo chỉ định của bác sĩ dễ dẫn đến viêm nhiễm, phải phẫu thuật lấy đường rò” - BS Phúc nói.

HÀ PHƯỢNG

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/hy-huu-quen-doan-tam-nhang-trong-tai-suot-ca-nam-troi-709563.html