'Quên'… tái bổ nhiệm hàng chục cán bộ
Công tác cán bộ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, nhưng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã thả nổi suốt nhiều năm qua. Lãnh đạo ngành mười mấy năm đã 'quên' tái bổ nhiệm cho cán bộ của mình quản lý.
Công tác cán bộ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, nhưng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã thả nổi suốt nhiều năm qua. Lãnh đạo ngành mười mấy năm đã “quên” tái bổ nhiệm cho cán bộ của mình quản lý.
Kỳ 1: Bổ nhiệm vô thời hạn
Thời gian gần đây, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường học trên địa bàn thị xã Ninh Hòa chưa được tái bổ nhiệm như ngồi trên đống lửa. Việc chậm trễ trong công tác cán bộ khiến cho thực quyền của lãnh đạo các trường bị vô hiệu hóa. Đi kèm là nguy cơ tài khoản bị “đóng băng” do chủ tài khoản chưa được chính danh.
67 cán bộ bị “bỏ quên”
Đến Trường Tiểu học và THCS Ninh Tây để tìm hiểu về sự việc này, thầy Lâm Thành Nghiệp - Hiệu trưởng nhà trường không khỏi cảm giác bất an. Trầm tư bên tách trà nóng, thầy tâm sự: “Tôi đã gắn bó cả đời mình với vùng đất giáp ranh Tây Nguyên này. Nhiều năm nay, mọi công việc do tổ chức phân công tôi đều làm tròn trách nhiệm. Trên giao việc gì cũng đều hoàn thành. Theo quy định, ngày 1-4-2018 là thời điểm bổ nhiệm lại cho tôi. Bản thân tôi đã làm đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định, nhưng không biết tại sao đợi mấy năm vẫn không thấy Phòng GD-ĐT ra quyết định tái bổ nhiệm?”.
Không chỉ riêng thầy Nghiệp, 2 phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ninh Tây cũng chưa được bổ nhiệm lại. Thầy Ngô Đình Hoành (sinh năm 1962) được bổ nhiệm phó hiệu trưởng từ năm 2002, đến nay đã 18 năm nhưng chưa hề được tái bổ nhiệm một lần nào! Hiện nay, trong hồ sơ cán bộ của trường cũng không còn quyết định bổ nhiệm phó hiệu trưởng của thầy Hoành. Văn bản để thầy giữ chức phó hiệu trưởng chỉ căn cứ vào quyết định luân chuyển công tác đến Trường Tiểu học và THCS Ninh Tây vào năm 2013. Sau đó, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng trường này làm hồ sơ đề nghị tái bổ nhiệm nhưng không hiểu vì sao hồ sơ bị rơi vào quên lãng. Suốt nhiều năm liền, các thầy vẫn không nhận được quyết định về công tác cán bộ. Đến tháng 4-2020, một lần nữa ban giám hiệu nhà trường nhận được yêu cầu làm lại hồ sơ theo quy trình để bổ nhiệm lại chức vụ hiệu trưởng và phó hiệu trưởng. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ.
Theo thông tin của chúng tôi, hiện nay, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa có đến 67 trường hợp bị quên tái bổ nhiệm. Trong đó, có 29 hiệu trưởng và 38 phó hiệu trưởng. Người bị quá thời hạn nhiều nhất lên đến 14 năm, người ít cũng gần 2 năm. Nhiều trường hợp chỉ còn vài năm nữa về hưu nhưng đến nay vẫn phải loay hoay lo thủ tục tái bổ nhiệm. Sự tắc trách này khiến không ít người bức xúc. Cô Dương Thị Thúy (sinh năm 1967) - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ninh Thân nói: “Tôi chuẩn bị về hưu rồi còn vướng vào chuyện tái bổ nhiệm quá mệt! Tôi được bổ nhiệm hiệu trưởng từ năm 2001 nhưng đến nay chưa được bổ nhiệm lại, tính ra đã chậm 14 năm. Bản thân đã nhiều lần làm hồ sơ, đề nghị phòng GD-ĐT thực hiện bổ nhiệm lại nhưng lần nào cũng được trả lời chưa có quyết định. Bây giờ xảy ra cơ sự này cũng không biết phải làm sao. Việc chậm tái bổ nhiệm này bắt nguồn từ nhiều đời cán bộ trước đây”.
Nhiều sai phạm
Theo quy định, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng sau khi được bổ nhiệm 1 nhiệm kỳ (5 năm) phải tiến hành các thủ tục để cấp có thẩm quyền xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại. Đây là quy định bắt buộc và là một quy trình quan trọng trong công tác cán bộ. Vì sau 1 nhiệm kỳ công tác, cán bộ quản lý đó phải được tổ chức đánh giá lại về năng lực, trình độ, sức khỏe và uy tín để xem xét có thể tiếp tục đảm nhiệm chức vụ hay không. Vì vậy, việc để cho 67 cán bộ giữ nguyên chức vụ quá thời hạn tái bổ nhiệm đã vi phạm nghiêm trọng công tác cán bộ. Có những trường hợp gần 20 năm làm hiệu trưởng sau một lần bổ nhiệm mà không cần xem xét tái bổ nhiệm đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng lực lượng cán bộ kế cận, không tạo ra được nhân tố mới. Một giáo viên THCS bức xúc: “Trường nào cũng quên tái bổ nhiệm như vậy, có lẽ lớp cán bộ trẻ dù có được quy hoạch cả chục năm cũng chỉ trên giấy mà thôi. Không thực hiện quy trình tái bổ nhiệm thì có năng lực hay không có năng lực vẫn giữ nguyên chức vụ”.
Qua điều tra, chúng tôi phát hiện, không chỉ “quên” tái bổ nhiệm, trong công tác cán bộ, Phòng GD-ĐT thị xã Ninh Hòa còn vướng hàng loạt sai phạm khác. Nhiều năm qua, công tác luân chuyển cán bộ hầu như không thực hiện. Nhiều trường hợp giữ chức vụ và công tác tại một đơn vị 2 - 3 nhiệm kỳ, cá biệt có trường hợp lên tới 5 nhiệm kỳ nhưng vẫn không thực hiện việc luân chuyển. Bên cạnh đó, nhiều hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dù bị thiếu chuẩn vẫn được đề bạt. Người thiếu chứng chỉ ngoại ngữ, người thiếu chứng chỉ tin học. Đáng ngại hơn, có không ít trường hợp chỉ có sơ cấp lý luận chính trị, thậm chí không có vẫn được đề nghị tái bổ nhiệm. Cá biệt, có trường hợp được bổ nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng thuộc diện “3 không”: Không trung cấp lý luận chính trị, không ngoại ngữ, không tin học. “Hiện nay, tôi đã bổ sung xong chứng chỉ tin học và ngoại ngữ. Riêng trung cấp lý luận chính trị vì vài năm nữa về hưu nên tôi xin được miễn”, một vị hiệu phó thừa nhận.
Hệ quả khó lường
Về nguyên tắc, sau khi hết nhiệm kỳ, nếu lãnh đạo không được bổ nhiệm lại thì coi như chức vụ đó không được công nhận. Điều đó đồng nghĩa với việc 67 hiệu trưởng và phó hiệu trưởng bị “quên” tái bổ nhiệm trên địa bàn thị xã Ninh Hòa đã không còn thực quyền. Chức vụ chỉ còn trên danh nghĩa và chữ ký của các cán bộ, không còn hiệu lực đối với vị trí được bổ nhiệm trước đó. Tuy nhiên, nhiều năm qua, lãnh đạo các trường vẫn thực hiện đầy đủ quyền hạn, nghĩa vụ cũng như hưởng các chế độ phụ cấp chức vụ như bình thường. Chính điều này đã kéo theo hàng loạt sai phạm trong nguyên tắc tài chính.
Có thể thấy, từ sự tắc trách trong công tác cán bộ đã kéo theo hàng loạt hệ lụy khó khắc phục. Nói như thầy Lâm Thành Nghiệp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ninh Tây: “Các trường hợp bị chậm tái bổ nhiệm bây giờ như chiếc xe không có giấy tờ. Trên danh nghĩa là xe của mình nhưng khi công an kiểm tra thì rõ ràng không có gì để chứng minh. Xét đến cùng, mọi chữ ký của những người chưa được bổ nhiệm lại là không có giá trị pháp lý”.
Điều đáng nói, hầu hết các thầy cô mà chúng tôi tiếp xúc đều ý thức được việc sai nguyên tắc này, song ngoài việc đành làm ngơ thì các thầy cô cũng không biết giải quyết như thế nào? Thầy Nguyễn Kính - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Ninh Ích thẳng thắn thừa nhận: “Đúng là khi chưa có quyết định bổ nhiệm lại thì chữ ký không có hiệu lực. Tuy thực tế lâu nay tôi vẫn là hiệu trưởng của trường nhưng xét đúng quy định thì khi chưa được bổ nhiệm lại coi như mình không phải là hiệu trưởng; kéo theo đó, các quyết định nâng lương, chi lương… cũng chưa đúng nguyên tắc. May mắn là trường đoàn kết, chứ nội bộ lục đục kiện cáo thì không biết phải ăn nói thế nào! Thực tế giờ này chưa có quyết định bổ nhiệm lại thì mình đâu có được công nhận là hiệu trưởng”.
Từ việc sai của các trường đã kéo theo sai trong nguyên tắc duyệt chi tài chính của Kho bạc Nhà nước thị xã Ninh Hòa. Tuy chưa có quyết định bổ nhiệm lại nhưng các hiệu trưởng vẫn ký chi. Với tư cách là chủ tài khoản nhà trường, mỗi hiệu trưởng phải ký chi khoảng hơn 3 tỷ đồng/năm. Điều đó đồng nghĩa, mỗi năm, Kho bạc Nhà nước thị xã Ninh Hòa đã để ký chi sai nguyên tắc cả trăm tỷ đồng đối với 29 hiệu trưởng chưa tái bổ nhiệm và việc làm sai trái này đã diễn ra suốt nhiều năm qua. Ý thức được tính chất nghiêm trọng của sự việc, mới đây, Kho bạc Nhà nước thị xã Ninh Hòa đã yêu cầu hiệu trưởng các trường bổ sung quyết định tái bổ nhiệm. “Mới đây, Kho bạc Nhà nước thị xã đã thông báo nếu không có quyết định bổ nhiệm lại thì kho bạc không duyệt chi. Chúng tôi đã báo cáo việc này lên lãnh đạo phòng để tìm hướng giải quyết. Nếu sắp tới kho bạc ách lại, không duyệt chi thì lương của giáo viên không biết sẽ như thế nào?”, cô Dương Thị Thúy lo lắng.
Đình Lâm - Hồng Đăng