Quốc Cường Gia Lai sẽ kiện hủy hợp đồng góp vốn với đối tác cáo buộc công ty 'bán đất nền'
Dự án chậm tiến độ do vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng đã khiến Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai phải thanh lý hợp đồng góp vốn với gần 70 khách hàng, bồi thường cho người góp vốn gấp nhiều lần số tiền đã nhận. Tuy nhiên, một cá nhân ký hợp đồng góp vốn khăng khăng nói rằng mình đã 'mua đất nền' và quy kết công ty lừa dối mình trên một bài viết đăng trên tạp chí điện tử Doanh nghiệp và Hội nhập.
Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai hiện đang là chủ đầu tư dự án chức năng 6B thuộc khu đô thị Nam Thành phố tại lô đất số 4, đường Nguyễn Tri Phương kéo dài, huyện Bình Chánh. Dự án này Quốc Cường Gia Lai nhận chuyển nhượng từ chủ đầu tư cũ là Công ty Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển nhà (Intresco) và tiếp tục phát triển dự án sau khi được UBND TP phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.
Trước đây, UBND TP Hồ Chí Minh giao cho Công ty Intresco thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu chức năng 6B, gồm lô số 4 và lô số 7 khu chức năng 6B thuộc khu đô thị Nam Thành phố.
Công ty Intresco đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai để cùng đầu tư, thực hiện dự án. Theo thỏa thuận hợp tác, Quốc Cường Gia Lai góp 155 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án; được nhận một phần đất để tự phát triển dự án và được quyền huy động vốn góp của các tổ chức, cá nhân khác.
Căn cứ hợp đồng với chủ đầu tư, Quốc Cường Gia Lai đã chuyển tiền góp vốn cho Công ty Intresco làm 7 đợt theo thỏa thuận, đồng thời cũng huy động vốn của nhiều cá nhân khác nhau theo nguyên tắc cá nhân góp vốn sẽ được hưởng quyền mua đất ở sau khi dự án hoàn thành và được bán sản phẩm thương mại theo quy định của pháp luật.
Theo thỏa thuận, mỗi cá nhân góp vốn sẽ được quyền mua và kinh doanh 1 ô đất phân lô có diện tích trung bình 124m2/ô nhằm bảo đảm quyền lợi cho người góp vốn.
Hợp đồng góp vốn giữa Quốc Cường Gia Lai và các cá nhân góp vốn đã ghi rõ nội dung góp vốn; quyền lợi của các bên, tuyệt nhiên không có thỏa thuận nào về việc mua bán đất nền hay thỏa thuận mua bán tài sản hình thành trong tương lai.
Năm 2014, Công ty Intresco đã thỏa thuận chuyển nhượng dự án khu dân cư lô số 4, khu 6B thuộc khu đô thị Nam Thành phố cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai.
Ngày 25/4/2014, UBND Thành phố đã cho phép hai đơn vị được chuyển nhượng dự án theo quy định của pháp luật và Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai trở thành chủ đầu tư của dự án thành phần này.
Tuy nhiên, dự án liên tục bị chậm tiến độ do nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đặc biệt là việc điều chỉnh tuyến đường ống nước thải đầu tư bằng nguồn vốn tài trợ của JICA dẫn đến việc một số diện tích đất thuộc dự án bị tái lấn chiếm, khó giải phóng mặt bằng để thực hiện.
Ngoài ra, “do có sự điều chỉnh về chính sách về tiền sử dụng đất đối với dự án cũng đã khiến cho chủ đầu tư phải đề nghị điều chỉnh quy hoạch cục bộ dự án, chuyển một phần dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội nên việc thực hiện dự án cũng bị kéo dài”, đại diện Công ty Quốc Cường Gia Lai cho biết.
Trong văn bản ngày 15/8/2019 gửi Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Tổng giám đốc công ty cho biết, do dự án chậm tiến độ nên Công ty đã thỏa thuận thanh lý hợp đồng góp vốn và thực hiện bồi thường thỏa đáng cho người góp vốn (có trường hợp góp vốn hơn 173 triệu đồng, được nhận bồi thường hơn 1,2 tỷ đồng).
Trả lời về trường hợp khách hàng Nguyễn Hữu Lâm, người gửi đơn “tố” Công ty lừa dối khách hàng và cho rằng “hợp đồng góp vốn” mà ông Lâm ký với Công ty là hợp đồng mua bán đất nền, đại diện Công ty Quốc Cường Gia Lai cho biết, đây là sự hiểu nhầm rất đáng tiếc nên dẫn đến việc đối những đòi hỏi mà Công ty không thể đáp ứng được và có sự quy chụp không đúng, gây tổn hại uy tín của Công ty.
“Khách hàng cho rằng hợp đồng góp vốn là mua bán đất nền vì công ty có xuất hóa đơn VAT, từ đó đòi Công ty phải bồi thường mức giá bán của đất nền có sổ đỏ của khu vực liền kề, tức là hơn 10 tỷ đồng. Đây là yêu cầu mà Công ty không thể đáp ứng do không có căn cứ pháp luật và thực tế. Hơn nưa hợp đồng góp vốn có nội dung rất rõ ràng nên hoàn toàn không có việc gây nhầm lẫn giữa việc góp vốn với mua bán đất nền”, đại diện Công ty cho biết thêm.
Trước những đòi hỏi quá khả năng đáp ứng, đặc biệt là việc bị cáo buộc “lừa khách hàng”, đại diện Công ty Quốc Cường Gia Lai cũng cho biết sẽ khởi kiện vụ kiện ra tòa để xác định bản chất của hợp đồng này.
Các dự án bị chậm tiến độ không chỉ khiến các nhà đầu tư thứ cấp, khách hàng thiệt hại mà cả chủ đầu tư cũng khốn đốn vì kẹt vốn tại dự án. Những tranh cãi sẽ khó có hồi kết nếu như mỗi bên đều hiểu sự việc theo ý cá nhân và lợi ích riêng. Do đó, việc khởi kiện để tòa án giải quyết đúng, sai sẽ là giải pháp văn minh nhất để ứng xử đối với những tình huống như thế này.