Quốc đảo có nguy cơ trở thành 'lò ấp' biến chủng mới
Chỉ với 5% dân số ở độ tuổi trưởng thành đã được tiêm chủng ở Papua New Guinea, giới chuyên gia lo ngại đây sẽ là nơi sản sinh các biến chủng mới gây bùng dịch nghiêm trọng.
Các chuyên gia đã cảnh báo các biến chủng Covid-19 nguy hiểm tiếp theo có thể xuất hiện do tỷ lệ tiêm chủng quá thấp ở Papua New Guinea (PNG), theo The Guardian. Đảo quốc này đã phải đối phó với sự bùng phát nghiêm trọng của Covid-19 trong suốt năm 2021.
Papua New Guinea là nước láng giềng gần nhất của Australia. Điểm gần nhất của quốc gia này chỉ cách lãnh thổ Australia khoảng 4 km trên eo biển Torres.
Nơi tiêm chủng thấp có thể là nơi sản sinh biến chủng mới
Adrian Prouse, lãnh đạo các chương trình nhân đạo quốc tế tại Hội Chữ thập đỏ Australia bày tỏ: “Tôi lo lắng rằng Papua New Guinea là nơi tiếp theo xuất hiện biến chủng mới".
“Ở Papua New Guinea, chỉ dưới 5% dân số trưởng thành được tiêm vaccine... Ở ngay trước ngưỡng cửa của Australia, hai quốc gia (Papua New Guinea và Indonesia) đều gặp khó khăn trong việc tiến hành chương trình nghiêm chủng cho người dân”, bà Prouse cho biết.
Stefanie Vaccher, một nhà dịch tễ học của viện Burnet, trụ sở Papua New Guinea, nêu lên mối lo ngại này: “Ở những nơi dân số có tỷ lệ tiêm chủng thấp, sự lây lan và đột biến của virus càng có nhiều cơ hội gia tăng. Papua New Guinea, nơi dưới 5% dân số trưởng thành được tiêm chủng sẽ là nơi lây lan dịch bệnh và sản sinh tiềm năng các chủng mới".
Bà Vaccher cho rằng chính phủ Australia và mọi người cần quan tâm đến sự lây lan của Covid-19 ở Papua New Guinea. Dù nhiều quốc gia ở Thái Bình Dương có số ca mắc Covid-19 thấp, đại dịch đã có tác động tiêu cực về kinh tế rất nặng nề, đặc biệt là đối với các quốc gia phụ thuộc vào du lịch như Vanuatu.
“Tôi không nghĩ điều quan trọng nằm ở việc biến chủng mới xuất hiện ở quốc gia nào. Các quốc gia phải có trách nhiệm suy nghĩ cho an nguy toàn cầu và đại dịch đã trở thành mình chứng cho thấy khả năng các nước liên kết với nhau như thế nào…", bà Vaccher chia sẻ.
"Không chỉ vì đây là nguy cơ bùng dịch tiềm ẩn đối với các quốc gia vừa trải qua các đợt phong tỏa hay có khả năng mất đi những thành quả có được, điều chúng ta nên quan tâm là dù ở bất kỳ đất nước nào, nhiều người đang chịu khổ cực vì đại dịch và mạng sống của họ cũng quan trọng như bất kỳ ai khác”, bà nói thêm.
Quy mô dịch bệnh khó đo hết
Ở Papua New Guinea, với khoảng 35.000 trường hợp mắc Covid-19, số ca tử vong được ghi nhận chính thức là 573 người. Tuy nhiên, quy mô ảnh hưởng thực sự của dịch bệnh khó có thể xác định do tỷ lệ xét nghiệm thấp và sự kỳ thị của người dân về việc mắc bệnh. Nhiều người yêu cầu bác sĩ không ghi Covid-19 là nguyên nhân gây tử vong vào giấy chứng tử của người thân họ.
Nhà dịch tễ học Stefanie Vaccher cho biết một nghiên cứu được thực hiện ở Papua New Guinea vào tháng 3 - trước đợt bùng phát dịch lớn - cho thấy 24% nhân viên y tế tại bệnh viện đa khoa Port Moresby đã có kháng thể với Covid-19. Nghiên cứu này chỉ ra sự lây lan rộng rãi Covid-19 nhưng không hề được phát hiện và ghi nhận.
Đại dịch cũng đã làm tê liệt hệ thống y tế vốn đã quá tải và thiếu nguồn lực của Papua New Guinea.
Chuyên gia Adrian Prouse cho biết Papua New Guinea đang đối mặt với đợt bùng phát dịch liên quan đến chủng Delta. Prouse nói: "Một đất nước đang bùng dịch bởi chủng Delta cùng với hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém, tỷ lệ bệnh tật cao, tỷ lệ tiếp cận vệ sinh, nước sạch kém. Chúng ta có thể thấy sự gia tăng trong số ca nhập viện và ca tử vong".
“Chúng tôi nhận thấy các bệnh viện lớn ở Papua New Guinea đang giảm quy mô trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Điều đáng lo ngại là, với tầm nhìn dài hạn, chúng ta sẽ bắt đầu nhận thấy sự gia tăng của bệnh sốt rét, lao, các loại bệnh khác hay vấn đề về sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh".
Theo Vaccher, tỷ lệ tử vong ở những bà mẹ đã tăng gấp đôi trong năm 2020. Bà cho biết: “Covid-19 đã có một vài tác động đến vấn đề này, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai. Nhưng lý do còn nằm ở việc các bệnh viện đóng cửa, bác sĩ và y tá nghỉ làm vì nhiễm Covid-19, và mọi người lo sợ việc đặt lịch hẹn với các phòng khám bệnh viện”.
Theo Adrian Prouse, mặc dù chính phủ Australia đã cung cấp vaccine cho Papua New Guinea đầy đủ, các vấn đề “tiếp cận vắc xin” ở Papua New Guinea vẫn tồn tại như vấn đề bảo quản lạnh, truyền thông điệp tiêm chủng và đặc biệt là sự lo ngại của người dân nước này đối với vaccine.
Cả hai chuyên gia đều cho biết thông điệp của Australia về AstraZeneca hồi đầu năm đã không tạo dựng được niềm tin cho người dân ở Papua New Guinea về độ an toàn của vaccine.
Chính phủ Australia đã tặng hàng chục nghìn liều AstraZeneca cho Papua New Guinea nhưng lại đồng thời khuyến cáo người Australia dưới 60 tuổi không nên tiêm loại vaccine này do nguy cơ đông máu, dù nguy cơ là rất thấp.
“Việc do dự tiêm vaccine ở Papua New Guinea là một vấn đề rất nghiêm trọng. Người dân nước này không sẵn sàng để tiêm chủng vì nhiều lý do như lo ngại về vaccine, sợ bị kỳ thị hay một số quan ngại liên quan đến ma thuật”, Prouse nói. “Đây là những vấn đề thực sự khiến Australia có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi những biến chủng tiếp theo".
Chuyên gia Prouse cho biết: “Chúng ta phải thu phục được trái tim và trí óc người dân Papua New Guinea, bạn phải thuyết phục mọi người rằng vaccine không phải là thứ đáng sợ và nó thực sự sẽ cứu sống họ”. “Tôi nghĩ điều tốt nhất chính phủ Australia cần làm là tài trợ cho các tổ chức địa phương - những người có khả năng tiếp cận cộng đồng và được người Papua New Guinea tin tưởng", ông nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quoc-dao-co-nguy-co-tro-thanh-lo-ap-bien-chung-moi-post1283122.html