Quốc gia 'béo phì' nhất thế giới: Là quốc đảo nhỏ nhất thế giới, diện tích bé hơn Hà Nội 160 lần?
Quốc đảo này chỉ có diện tích 21 km2 và nhỏ hơn rất nhiều lần so với thủ đô Hà Nội của Việt Nam (3329km2).
Hòn đảo được nhắc tới ở đây là Nauru nằm tại Đông Bắc Papua New Guinea, mang tiếng là một quốc gia nhưng nó chỉ có diện tích bé thứ 3 thế giới. Đây cũng là quốc gia nhỏ nhất tại Nam Thái Bình Dương, quốc gia nhỏ nhất ngoài lãnh thổ châu Âu, quốc đảo nhỏ nhất thế giới, nó được gọi với rất nhiều biệt danh khác nhau.
Dân số của Nauru chỉ rơi vào khoảng 11347 người và cũng ít thứ 3 thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới WHO, chúng ta thấy được rằng Nauru là quốc gia có tỷ lệ người thừa cân và béo phì nhiều nhất trên thế giới. Tại đây có khoảng gần 95% người dân bị thừa cân một cách nghiêm trọng và hơn 71% mắc chứng béo phì. Quốc gia này cũng là quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cao nhất thế giới với hơn 40% dân số mắc bệnh tiểu đường.
Dù có phần trăm người dân mắc bệnh tiểu đường hay những chứng bệnh béo phì, thế nhưng Nauru từng là quốc gia có GDP bình quân đầu người cao thứ 2 thế giới. Mọi chuyện đã trở thành quá khứ huy hoàng khi giờ đây quốc đảo này thậm chí buộc phải trở thành thiên đường thuế để có thu hút đầu tư nước ngoài.
Nauru từng là nơi thu hút đông đảo sự quan tâm của các nước phát triển khi nó có những mỏ Phosphate lộ thiên, dễ khai thác. Chính nhờ mảng khai khoáng mà nền kinh tế Nauru bùng nổ, người dân sống sướng hơn mà không phải đánh cá hay trồng trọt, hái lượm nữa.
Trong khoảng thời gian thịnh vượng, Nauru trở thành quốc gia có bình quân GDP đầu người cao thứ 2 thế giới. Với số tiền khổng lồ được đầu tư vào, nơi đây thậm chí còn xây dựng sân bay và mua 7 chiếc máy bay nhằm phát triển du lịch.
Thế nhưng may mắn không đến với quốc đảo này mãi mãi, khi nguồn tài nguyên cạn kiệt, các nước phát triển rút khỏi quốc đảo và để lại cho nơi này những ‘quả bom’ nổ chậm gây ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường. Ô nhiễm môi trường nặng nề do khai thác đã khiến cho đất đai và nguồn nước của quốc đảo này không thể sử dụng. Họ cũng không có ngành nghề ổn định để có thể kiếm thêm thu nhập chính nào nữa, mảng bắt cá vốn là nghề từ xa xưa nay cũng không thể hoạt động lại.
Quốc gia này nhanh chóng phá sản khi không thanh toán được các khoản nợ quốc tế. Họ không còn gì để xuất khẩu sau khi các mỏ Phosphate dừng khai thác, đất đai, nguồn nước ô nhiễm, du lịch không có người đến đã khiến cho đất nước này rơi vào tình trạng khủng hoảng.
Năm 2001, Australia đề nghị trả tiền để Nauru trở thành trung tâm tị nạn cho xứ sở chuột túi và quốc đảo này quá nghèo để có thể nói không. Hậu quả là đến năm 2008, Nauru không những là trung tâm rửa tiền của Nam Thái Bình Dương mà còn là nơi tụ tập người tị nạn.