Quốc gia châu Âu đầu tiên có hơn 2 triệu ca mắc COVID-19
Tại 'điểm nóng' châu Âu, Pháp đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên vượt mốc 2 triệu ca mắc COVID-19, cho dù đợt phong tỏa toàn quốc lần hai từ ngày 30/10 đã phần nào hạn chế được tốc độ lây nhiễm.
Với tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 vượt 2 triệu ca, Pháp đã vượt Nga trở thành nước đứng thứ 4 thế giới và đứng đầu châu Âu về số bệnh nhân. Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận 28.383 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 2.065.138, trong đó 46.698 ca tử vong.
Ngoài Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Anh, Đức, Italy tiếp tục là những điểm nóng tại châu Âu khi số ca mắc mới theo ngày liên tục phá kỷ lục.
Giới chức Nga, ngày 18/11, thông báo có thêm 456 ca tử vong do COVID-19, số ca tử vong theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 34.387 ca. Trong vòng 24 giờ qua, Nga cũng có 20.985 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 1.991.998 ca nhiễm, trở thành quốc gia có số ca mắc cao thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Pháp. Do số ca nhiễm mới tiếp tục tăng cao, nhiều khu vực ở Nga đang rơi vào tình trạng thiếu giường bệnh, nhân viên cũng như trang, thiết bị y tế.
Chiều 18/11, Quốc hội Đức (Hạ viện) và Hội đồng liên bang (Thượng viện) đã thông qua những cải cách của Luật Bảo vệ chống lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. Theo Bộ trưởng Y tế LB Đức, việc thông qua khuôn khổ pháp lý mới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan là cần thiết trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 mới tại nước này tăng mạnh, khiến các cơ sở y tế, đặc biệt là các bộ phận chăm sóc tích cực quá tải, có thể mất kiểm soát.
Tính đến hết ngày 18/11, châu Âu đã ghi nhận tổng cộng 14,6 triệu ca mắc, tăng gần 245.000 ca trong vòng 24 giờ qua, chiếm tới gần 35% số bệnh nhân COVID-19 trên toàn cầu.
56,6 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn cầu
Theo trang thống kê worldometers.info, cập nhật đến 8h ngày 19/11 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận gần 56.600.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 1.353.847 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 39.316.097 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là Mỹ với 11.867.176 ca mắc và 256.184 ca tử vong. Tốc độ lây nhiễm tại nước này vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại khi số ca nhiễm mới theo ngày luôn trên 150.000 ca trong một tuần qua, cá biệt có ngày lên tới hơn 180.000 ca/ngày. Ngày 18/11, Thị trưởng thành phố New York, ông Bill de Blasio đã phải thông báo đóng cửa các trường công lập kể từ ngày 19/11 do tỷ lệ nhiễm COVID-19 gia tăng mạnh trong thành phố và tất cả học sinh sẽ học từ xa trong khoảng thời gian không xác định. Theo thống kê, tại thành phố New York, tỷ lệ nhiễm COVID-19 trung bình trong vòng 7 ngày là 3%.
Việc thành phố New York đóng cửa các trường công lập, với 1,1 triệu học sinh, là lần đóng cửa mới nhất và lớn nhất trong làn sóng đóng cửa các trường học trên khắp nước Mỹ trong những ngày gần đây, khi tỷ lệ nhiễm COVID-19 đang tăng nhanh chóng.
Đứng thứ hai thế giới, nhưng đứng đầu châu Á, Ấn Độ đã ghi nhận tới gần 45.500 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên gần 9 triệu ca, trong đó có 131.618 ca tử vong. Mặc dù số ca mắc mới có giảm so với những ngày trước, nhưng số người nhập viện tại nước này đang gia tăng nhanh chóng.
Brazil đứng thứ 3 thế giới, nhưng đứng đầu khu vực Nam Mỹ, với tổng số ca mắc là gần 6 triệu ca, tăng 35.645 ca trong 24 giờ qua, trong đó 167.497 ca tử vong. Theo thông báo của Bộ Y tế nước này, trong tuần này, bang Sao Paulo của Brazil sẽ nhận lô vaccine ngừa bệnh COVID-19 đầu tiên trong đơn hàng 46 triệu liều vaccine do công ty Sinovac của Trung Quốc bào chế. Brazil hiện là nước có nhiều công ty dược phẩm tiến hành thử nghiệm vaccine nhất.
Tại khu vực Trung Đông, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly nhận định rằng làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19 nguy hiểm hơn đợt đầu. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "tránh trượt vào khúc quanh đầy rủi ro này". Thủ tướng Madbouly kêu gọi các lực lượng chức năng tăng cường các chiến dịch thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đồng thời áp dụng các hình phạt theo quy định của pháp luật cùng với các quyết định của Chính phủ Ai Cập về vấn đề này.
Cũng trong ngày 18/11, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 1.998.235 trường hợp mắc COVID-19 và 48.016 ca tử vong.
Vaccine thử nghiệm của Pfizer hiệu quả đến 95%
Ngày 18/11, Công ty công nghệ sinh học Pfizer của Mỹ cho biết kết quả thử nghiệm cuối cùng loại vaccine phòng ngừa COVID-19 của hãng này cho thấy hiệu quả đến 95%.
Theo Pfizer, loại vaccine do hãng này phát triển không cho thấy tác dụng phụ nghiêm trọng nào và công ty sẽ xin nhà chức trách Mỹ cấp phép lưu hành khẩn cấp sau vài ngày tới. Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla cho rằng kết quả nghiên cứu trên là bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển vaccine kéo dài 8 tháng qua, nhằm tiến tới chấm dứt đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, Tây Ban Nha đã cho phép tiến hành giai đoạn thử nghiệm cuối cùng đối với vaccine phòng dịch COVID-19 do hãng Johnson & Johnson của Mỹ nghiên cứu và phát triển.
Cơ quan Y khoa quốc gia của Tây Ban Nha cho biết việc thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vaccine phòng COVID-19 của Johnson & Johnson sẽ được thực hiện trên 30.000 tình nguyện viên tại Bỉ, Colombia, Pháp, Đức, Nam Phi, Tây Ban Nha, Anh, Mỹ và Philippines. 22% các tình nguyện viên trên gồm những người ở độ tuổi dưới 40 và 30% ở độ tuổi trên 60. Họ sẽ được tiêm một liều vaccine thử nghiệm có tên Ad26.COV2.S hoặc giả dược. Tại Tây Ban Nha, chương trình này sẽ được tiến hành tại 9 bệnh viện trên khắp cả nước đối với các tình nguyện viên có lẫn không có các bệnh lý nền.
Theo nguyên tắc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một "ứng cử viên" vaccine phải hoàn tất 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng mới được phép sản xuất đại trà. Các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 có quy mô lớn nhất. Một vaccine được đánh giá sẵn sàng bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt một khi vượt qua được giai đoạn thử nghiệm cuối cùng với độ an toàn và hiệu quả được chứng minh rõ rệt.