Quốc gia đang trên đà đạt miễn dịch cộng đồng
Israel hiện là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng tốt nhất thế giới. Thành công này xuất phát từ việc dự trữ vaccine ngay từ sớm và cuộc trao đổi đôi bên cùng có lợi với Pfizer.
Theo Wall Street Journal, hơn 55% người Israel trên 16 tuổi đã được tiêm chủng Covid-19 đầy đủ trong vòng 12 tuần kể từ khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu tiếp nhận mũi tiêm đầu tiên vào ngày 9/12/2020. Đây là tỷ lệ tiêm chủng tốt nhất thế giới hiện nay và cao gần gấp bốn lần tỷ lệ của Mỹ.
Nachman Ash là một bác sĩ quân y 60 tuổi từng công tác tại Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) từ năm 1987. Trước khi nghỉ hưu, ông giữ bậc chuẩn tướng và tổng y sĩ của IDF. Trả lời phỏng vấn Wall Street Journal, bác sĩ Ash cho biết ông đang xung trận trong “cuộc chiến 24/7”.
Công việc hiện tại của ông là “sứ mệnh chuyên sâu nhất” mà ông từng làm và “khó hơn nhiều” so với việc trở thành tổng y sĩ quân đội Israel, ngay cả trong thời chiến.
Bác sĩ Ash là người thứ hai phụ trách chỉ đạo công tác chống dịch tại Israel. Ông đảm nhận vị trí này từ ngày 12/11/2020. Người tiền nhiệm của ông đã từ chức sau khi xung đột với Thủ tướng Netanyahu và với những người Do Thái Chính thống cực đoan phản đối các chính sách hạn chế xã hội.
Từ khi ông Ash đảm nhận vị trí, chiến lược vaccine của Israel đã gặt hái được nhiều thành công. Ông tỏ ra tự hào về chiến công của mình, đồng thời cũng ca ngợi tầm nhìn xa của các nhà lãnh đạo.
Thỏa thuận đôi bên cùng có lợi
Theo vị bác sĩ, giới lãnh đạo Israel đã đã sớm ký kết các hợp đồng để dự trữ vaccine Covid-19. Họ thảo luận với Pfizer và đề nghị một cuộc trao đổi khoa học. Israel được cung cấp vaccine đủ và sớm, đổi lại Pfizer được quyền truy cập vào kết quả tiêm chủng của nước này.
Là một trong những quốc gia có hệ thống y tế hạng nhất và nổi tiếng về tính vẹn toàn trong thống kê và khoa học, dữ liệu của Israel đáng giá với Pfizer. Bác sĩ Ash gọi đó là “một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi” và tin rằng Pfizer cũng cùng quan điểm.
Kết quả tiêm chủng tại Israel hiện nay khớp với các thử nghiệm lâm sàng trước đó của Pfizer. Bác sĩ Ash thông tin: “Chúng tôi thấy hiệu quả phòng bệnh hiện tại của vaccine vào khoảng 95%. Theo phân tích dữ liệu thực, kết quả khả quan tương đương với nghiên cứu mà Pfizer đã thực hiện”.
Các con số đáng ngưỡng mộ
Việc tiêm chủng thành công trên diện rộng đã giúp hạn chế tỷ lệ lây nhiễm tại nước này, đồng thời nâng cao tinh thần cho người dân đất nước sau ba đợt cách ly. Đợt cuối cùng kéo dài từ ngày 8/1 đến ngày 7/2.
Trong đợt cách ly, người dân bị giới hạn trong phạm vi khoảng 1 km tính từ nhà mình. Các trường học đều đóng cửa.
“Tôi tin rằng mỗi đợt cách ly đều tuyệt đối cần thiết”, bác sĩ Ash khẳng định.
Ông kịch liệt phản đối Tuyên bố Great Barrington do một nhóm nhà dịch tễ học đưa ra, chỉ trích việc phong tỏa xã hội để chống dịch.
“Tôi nghĩ chống dịch theo cách đó rất nguy hiểm. Họ tin rằng đại dịch có thể chấm dứt bằng cách để mọi người nhiễm bệnh rồi từ đó hình thành khả năng miễn dịch cộng đồng tự nhiên. Điều này là sai lầm, vì chúng ta sẽ mất rất nhiều sinh mạng”, bác sĩ Ash giải thích.
Kể từ khi thành lập, tổ chức dân sự của Israel luôn cam kết bảo vệ cuộc sống của công dân. Họ luôn né tránh hết sức việc tổn thất nhân mạng trong việc chống dịch cũng như khôi phục cuộc sống bình thường. Nước này đang đặt cược vào tiêm chủng.
“Một khi khoảng 80% dân số Israel được tiêm chủng, chúng tôi sẽ tiến gần đến khả năng miễn dịch cộng đồng”, ông Ash mong đợi.
Israel bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào tháng 12/2020. Người trên 60 tuổi và người có bệnh nền là những công dân được tiêm chủng đầu tiên. Tiếp đó là người trên 50. Tại Mỹ, độ tuổi ưu tiên tiêm chủng cao nhất là 65.
"Chúng tôi đã tiêm vaccine cho những người có nguy cơ trước, nhưng không tiêm ở phạm vi quá hẹp".
Người từ 16 đến 18 là nhóm tiếp theo được nhận vaccine. “Chúng tôi muốn họ được chủng ngừa trước khi đi học trở lại khi đợt cách ly kết thúc”, bác sĩ Ash cho biết.
Ông cũng thông tin thêm rằng trẻ em dưới 16 tuổi không được tiêm vì Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chưa phê duyệt vaccine Pfizer-BioNtech cho nhóm tuổi đó.
Sau nhóm thanh thiếu niên, hầu hết người muốn tiêm chủng đều được nhận vaccine.
Bác sĩ Ash lưu ý: “Chúng tôi vẫn chưa tiêm vaccine cho người mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh”. Dẫu vậy, ông khẳng định họ sẽ sớm được tiêm một mũi để tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên.
Tính đến ngày 12/3, đã có khoảng 3,1 triệu người Israel được tiêm cả hai mũi, và 5,1 triệu người được tiêm mũi đầu tiên. 86% người trên 50 tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ. Trừ trẻ em và 738.000 đã có khả năng miễn dịch do từng nhiễm bệnh và phục hồi, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ là 80% cho người từ 16 tuổi trở lên.
Việc tiêm vaccine do Kupat Holim (quỹ bệnh tật) thực hiện. Quỹ này bao gồm bốn tổ chức bảo hiểm hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Israel. Trước khi trở thành người chỉ đạo công tác chống dịch của quốc gia, bác sĩ Ash là giám đốc bộ phận y tế của Maccabi Healthcare Services, tổ chức lớn thứ hai trong số bốn tổ chức nêu trên.
Theo luật, mọi người dân muốn tiêm chủng phải đăng ký với một trong bốn tổ chức này. Mỗi thị trấn, dù là nhỏ nhất, đều có các phòng tiêm chủng.
Đây là kịch bản khó có thể xảy ra ở Mỹ và một số quốc gia khác, vì các nhà cung cấp dịch vụ y tế và công ty bảo hiểm gần như không có liên kết chặt chẽ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quoc-gia-dang-tren-da-dat-mien-dich-cong-dong-post1193251.html