Quốc gia nhỏ bé nào đủ tự tin lên tiếng can ngăn Mỹ-Trung Quốc đối đầu?
Trong khi hầu hết các quốc gia tránh đề cập đến căng thẳng Mỹ-Trung thì Micronesia lại lên tiếng kêu gọi hai cường quốc ngừng va chạm.
Khi Trung Quốc và Mỹ tranh cãi tại Liên Hợp Quốc (LHQ) về COVID-19 và vấn đề khí hậu, một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới đã đề nghị hai quốc gia nên từ bỏ căng thẳng.
“Micronesia yêu cầu những người bạn Mỹ và Trung Quốc tăng cường hợp tác, nâng cao tình hữu nghị để đạt được những điều tốt nhất cho cộng đồng toàn cầu”, Tổng thống Liên bang Micronesia, David Panuelo nói trước Đại hội đồng LHQ trong một bài phát biểu trực tuyến, ở buổi họp tuần này.
Micronesia - dân số khoảng 113.000 người – cùng với các nước láng giềng trên quần đảo Thái Bình Dương từ lâu đã rơi vào vòng xoáy ngoại giao giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, khi Trung Quốc từng bước lấn át ảnh hưởng tại khu vực vốn được coi là sân sau của Mỹ kể từ Thế chiến II.
Trong bài phát biểu trước sự kiện tụ họp của các nhà lãnh đạo thế giới, ông Panuelo thừa nhận rằng cạnh tranh sẽ mang đến điều có lợi ở Thái Bình Dương. Nhưng, ông cảnh báo, những nỗ lực này “cũng có khả năng đe dọa phá vỡ các liên minh lâu đời trong cộng đồng Thái Bình Dương và có thể trở nên phản tác dụng đối với mong muốn chung về đoàn kết, an ninh và ổn định trong khu vực”.
Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc hiện đang diễn ra trên các diễn đàn thảo luận tại LHQ, nơi Bắc Kinh thúc đẩy ảnh hưởng đa phương của mình nhằm thách thức vai trò lãnh đạo truyền thống của Mỹ. Căng thẳng giữa hai siêu cường đã lên đến điểm sôi sục vì dịch bệnh thời gian qua.
Lời kêu gọi của Micronesia trở nên nổi bật trong cuộc họp các nhà lãnh đạo thế giới tại LHQ, bởi hầu hết các quốc gia khác chỉ kêu gọi đoàn kết chống lại COVID-19 thay vì đề cập đến xích mích giữa Mỹ và Trung Quốc.
Richard Gowan, chuyên gia từ International Crisis Group cho biết, hầu hết các nhà lãnh đạo đều muốn tránh vướng vào căng thẳng.
“Rất nhiều thành viên của LHQ cho rằng Mỹ đang gây chia rẽ và Trung Quốc đang khao khát quyền lực. Họ không thấy hứng thú cho lắm”, ông nói. “Những nhà lãnh đạo châu Âu đầy tham vọng như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhìn thấy cơ hội lấp đầy khoảng trống, vì vậy họ sẵn sàng thách thức Bắc Kinh và Washington”.